Cúc họa mi trước đây chỉ là một loài hoa dại mọc ven đường nhưng không biết từ khi nào đã trở thành thứ hoa gắn liền với mùa đông Hà Nội và được nhiều người lùng mua. Loài hoa này thường mọc vươn về phía mặt trời, ươm mầm từ tháng 5, tháng 6 âm lịch và nở rộ vào đầu đông.
Cúc họa mi từng là loài hoa mọc dại ven đường, nay trở thành loại hoa được nhiều người yêu thích.
Có mặt tại Tây Tựu từ lúc sáng sớm tinh mơ vào những ngày này, không khó để bặt gặp những người nông dân đang hối hả cắt và vận chuyển những bó cúc họa mi “khổng lồ”.
Vợ chồng anh Phú, chị Hoa cho hay, để có hoa kịp giao cho các mối, hai vợ chồng phải dậy từ 3 giờ sáng rồi di chuyển đến ruộng, chong đèn cắt hoa.
Để thu hoạch cúc họa mi, người dân Tây Tựu phải ra ruộng từ 4 giờ sáng.
Phải mất 5 tháng trồng và chăm sóc, cúc họa mi mới cho thu hoạch.
Nhưng hoa nở lại rất nhanh tàn nên nhiều gia đình phải thuê thêm người cắt hoa, kể cả khi trời mưa gió.
Theo chị Hoa, loại hoa này có sức sống rất mãnh liệt, bán cũng dễ hơn nhưng chỉ nở rộ trong 3-4 ngày nên nhà chị không dám trồng nhiều, sợ không cắt kịp, hoa sẽ tàn. Để có đủ hoa bán cho khách, chị Hoa phải nhờ thêm người đi cắt với giá 250.000 đồng/ngày.
Để cây mọc thẳng, dáng đẹp, chị Hoa phải dùng lưới chia từng ô nhỏ xíu, phân thành hàng.
Công việc tuy vất vả nhưng trồng hoa để "làm đẹp cho đời" nên gương mặt ai cũng phấn khởi, tươi vui.
Hiện tại, mỗi bó cúc họa mi chị Hoa bán với giá 40-50.000 đồng, giá rẻ bằng 1/3 so với đầu vụ nhưng theo chị Hoa, do thời tiết và chất đất nên chỉ giữa tháng 11 hoa cúc họa mi ở Tây Tựu mới nở. Đầu mùa giá cao nhưng hầu như người dân ở đây không có hoa bán. Vì vậy, chỉ sau 1 tuần người trồng hoa “bốc hơi” mất 2/3 giá.
Dậy từ 4h sáng để đi cắt hoa, sau 5 giờ đồng hồ, vợ chồng anh Cường (trú tại thôn 3 Tây Tựu) đã chở 1 xe cúc họa mi trắng ngần về bó thành từng bó để giao cho mối.
Chiếc xe kéo chở đầy cúc họa mi được tập kết ngay trên vỉa hè
Anh Cường cho hay, người dân Tây Tựu bao đời nay gắn bó với việc trồng hoa. Mùa nào hoa đó, sau vụ cúc họa mi này, hai vợ chồng sẽ để đất hoai mục thêm 1 tháng rồi trồng cúc vàng chuẩn bị cho mùa lễ hội sau tết.
“Cúc họa mi chớm nở là phải thu hoạch ngay nếu không sẽ nở rộ chỉ sau 3-4 ngày nên nhà tôi chỉ dám trồng hơn 1 sào. Mỗi ngày cố gắng lắm hai vợ chồng mới cắt được khoảng 200 bó. Cắt xong rồi lại dùng lạt chia nhỏ thành từng bó, sáng hôm sau lại chở ra chợ hoa Quảng Bá giao buôn”, anh Cường chia sẻ.
Hơn 200 bó cúc họa mi được cắt vội.
Sau đó được bó lại cẩn thận, mang giao cho các mối buôn với giá từ 40-50.000 đồng/bó.
Công việc tuy vất vả, nặng nhọc, nhưng theo anh Cường, từ khi mới lọt lòng anh đã được mẹ cho vào đôi quang gánh rồi gánh ra đồng để trồng hoa nên đây là nghề đã ăn vào máu, không thể bỏ được.
“Mỗi vụ cúc họa mi phải mất 5 tháng mới cho thu hoạch. Thu hoạch xong, nếu chia đều cho từng tháng thì không bằng đi làm công nhân. Tuy nhiên, mỗi nghề có 1 niềm vui riêng, trồng hoa cũng như làm đẹp cho đời vậy, mê lắm”, anh Cường bày tỏ.
Trên đường về Tây Tựu, không khó để bắt gặp cảnh người dân ngồi ngay tại bờ ruộng tất bật bó hoa cho kịp chợ.
Hay những xe chở hàng ngàn bông cúc họa mi lung linh trên đường…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.