Loạn can thiệp hậu Covid-19: Nguy hại từ truyền vi chất, uống thuốc Nam
Loạn các sản phẩm "ăn theo" hậu Covid-19 (bài 2): Nguy hiểm từ việc đua nhau truyền vi chất, uống thuốc Nam
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 21/04/2022 09:16 AM (GMT+7)
Đánh vào tâm lý của người bệnh lo sợ các triệu chứng ho, khó thở, mất ngủ, hụt hơi… sau khi mắc Covid-19, hàng loạt các liệu pháp "ăn theo" đã được thổi phồng quá mức với giá tiền trên trời, bất chấp hậu quả cho người dùng.
Bốc thuốc hậu Covid-19 không cần gặp bệnh nhân, bắt mạch
Khỏi Covid-19, chị T.T.T.L. (35 tuổi, ở quận 11, TP.HCM) nhờ bạn đặt thuốc Nam để sắc uống vì mệt mỏi, hụt hơi, khó thở… Chị cho biết, thang thuốc này là do một người bạn "cựu F0" giới thiệu, bổ khí, bổ huyết trị hậu Covid-19 rất hiệu quả… Điều đặc biệt, vị lương y đó bốc cho chị 10 thang thuốc, mỗi thang 140.000 đồng mà không cần gặp bệnh nhân, không cần bắt mạch. "Do khi mắc Covid-19, tôi có triệu chứng giống của bạn tôi, chỉ khác là tôi ho khan, còn bạn tôi ho đàm nên nhờ bạn tôi mua giúp", chị L. nói.
Tuy nhiên, khi hỏi bác sĩ Đông y, được biết những thang thuốc này có công dụng bổ huyết rất cao, nếu phụ nữ tới chu kỳ hay người bị bệnh máu khó đông… sử dụng hơn 5 ngày sẽ có nguy cơ mất máu. Chưa kể trước đó, chị L. có uống thuốc tây hỗ trợ điều trị Covid-19.
Ngoài việc mua thuốc đông y từ người quen, trên các trang mạng, thuốc Nam, thuốc Bắc cũng được rao bán tràn lan. Giá thuốc dao động từ 120.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng tùy loại.
TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết, trung bình mỗi ngày có từ 100 - 200 bệnh nhân có vấn đề sức khỏe liên quan đến hậu Covid-19 tới khám bệnh. Triệu chứng hậu Covid-19 rất đa dạng, nhưng thường gặp nhất và có tỷ lệ trên 50% là ho, mất ngủ, nóng bứt rứt, rụng tóc, dễ xây xẩm chóng mặt, khó ngủ…
Bác sĩ Lan khẳng định: "Trong y học cổ truyền, không có một bài thuốc chung nào điều trị cho tất cả chứng bệnh của hậu Covid-19. Trong phác đồ, tùy từng liệu trình, bác sĩ sẽ gia giảm thuốc cho bệnh nhân. Ngoài ra còn các triệu chứng nhiều phải điều trị ra sao, ví dụ bệnh nhân mất ngủ sẽ phải hỗ trợ thuốc như thế nào, người bệnh ho, khạc đàm nhiều sẽ hỗ trợ ra sao, ho khan lại càng khác hơn. Do đó, bệnh nhân phải trực tiếp đi khám bệnh mới xác định được đang mắc hậu Covid-19 ở thể nào, từ đó bác sĩ mới kê đơn bốc thuốc điều trị phù hợp".
Với những bệnh nhân vừa uống thuốc Tây y lại sử dụng thuốc Đông y, bác sĩ Ngọc Lan cảnh báo nguy cơ hứng chịu các hậu quả nghiêm trọng, thậm chí hai loại thuốc phản ứng với nhau, tạo thành… thuốc độc. "Về nguyên tắc, thuốc Tây và thuốc Đông y có thể uống chung nhưng phải được sự hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh khi đi khám Đông y, bắt buộc phải nói (hoặc đem theo thuốc đang uống) cho bác sĩ", bác sĩ Lan nhấn mạnh.
Với các thuốc Đông y dạng "xách tay", nhờ mua từ nước ngoài, bác sĩ Lan khuyến cáo cũng nên mang đến cho các bác sĩ y học dân tộc để được tư vấn, tránh sử dụng nhầm thể bệnh, thuốc chẳng những không có tác dụng mà còn ảnh hưởng đến gan, thận.
Truyền vi chất can thiệp hậu Covid-19 – lợi bất cập hại
Chị V.T.Đ (35 tuổi, ở TP HCM) khám hậu Covid-19 tại một bệnh viện lớn được bác sĩ chẩn đoán các chức năng cơ thể bình thường, không cần điều trị. Tuy nhiên chị vẫn cảm thấy không thực sự khỏe mạnh, rụng tóc nhiều, da khô và sạm, ăn uống không ngon miệng, khó tập trung làm việc, dễ mệt mỏi hơn so với trước khi bị bệnh.
Chị lo lắng và muốn nhanh khỏe nên tham khảo gói điều trị ở một trung tâm y khoa và được mời sử dụng liệu trình truyền vi chất NAD+ (một loại enzym có lợi tạo ra năng lượng) hoặc tế bào gốc để trị hậu Covid-19. Các dịch vụ này giá 26-39 triệu đồng một lần truyền. Sử dụng đủ gói truyền vi chất 12 buổi giá 312 triệu đồng; hoặc dùng 15cc tế bào gốc chi phí 585 triệu đồng.
Nhân viên cơ sở này giới thiệu đây là "hàng độc quyền", phải nhập khẩu từ nước ngoài về mất 2-3 tuần, điều kiện bảo quản nghiêm ngặt, đã được Bộ Y tế cấp phép, rất tốt và đảm bảo không có tác dụng phụ.
Do chi phí gói tế bào gốc quá đắt tiền, chị liên hệ với một trung tâm chăm khác và được giới thiệu một gói truyền vi chất trực tiếp vào máu (giống như truyền đạm, nước) có tác dụng thanh lọc, giải độc cơ thể, "cải thiện sức khỏe ngay tức thì". Chi phí một lần truyền vi chất là hơn 3,6 triệu đồng; còn liệu trình 5 buổi là 15 triệu đồng, 7 buổi là 18 triệu. Thành phần của dung dịch truyền là gồm có tổ hợp chất chống oxy hóa, các vitamin, selen, glutathione, B complex...
Tương tự, chị T.H. (26 tuổi) bị mệt mỏi, ho nhiều, mất ngủ kéo dài hậu Covid-19 nên đã liên hệ với một chuỗi hệ thống phòng chăm sóc sức khỏe trị liệu, được giới thiệu liệu trình chữa hậu Covid-19 trong 10-15 ngày, mỗi ngày trị liệu 3 giờ, chi phí 10 triệu đồng.
Theo nhân viên của chuỗi này tư vấn, người bệnh được phục hồi chức năng, trị liệu, tái tạo các vùng bị tổn thương, đặc biệt là phổi do Covid-19, bằng phương pháp truyền điện sinh học, kích hoạt tế bào gốc (giúp nhân tế bào), khai thông kinh lạc kết hợp thải độc bằng thực phẩm chức năng, ngâm - tắm thuốc bắc, đồng thời bổ sung vi lượng cho cơ thể. Từ đó, bệnh nhân khắc phục tình trạng mệt mỏi, mất ngủ, rối loạn tiền đình...,"nói chung các triệu chứng hậu Covid-19 sẽ khỏi".
Giải thích về phương pháp truyền vi chất, NAD+ hay tế bào gốc, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu sau nhiễm Covid-19, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, đó có thể là thuốc bổ, thực phẩm chức năng, giá chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng nhưng bị các cơ sở thổi phồng tác dụng và đẩy giá lên cao. "Bác sĩ khi chỉ định truyền thuốc bổ, truyền đạm cho người bệnh đều phải cân nhắc, tính toán kỹ vì chúng có nguy cơ gây sốc phản vệ, nếu không phát hiện, xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong", bác sĩ nói.
Bài cuối: Lạm dụng khám, lãng phí tiền bạc, thời gian
Vui lòng nhập nội dung bình luận.