5 ngày sau vụ cháy chung cư Carina khiến 13 người chết, thị trường các sản phẩm phòng cháy chữa cháy vẫn chưa hết sôi động, nhiều người dân TP.HCM vẫn đổ xô đi mua sắm các trang thiết thị cứu nạn, cứu hộ cho gia đình.
Bên cạnh các sản phẩm như thang dây, các loại mặt nạ dưỡng khí, mặt nạ chống độc, chống khói… cũng được người dân lùng mua. Tuy nhiên, thị trường đang có sự “náo loạn” khi rất nhiều nơi bán sản phẩm không đạt tiêu chuẩn với giá cao ngất ngưỡng.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy TP.HCM cho biết, trong vụ cháy chung cư Carina vừa qua, các nạn nhân tử vong chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân bị ngạt khói. Chính từ nguyên nhân này, rất đông người dân đã đổ xô đi mua các sản phẩm chống khói, dưỡng khí… để bảo vệ đường hô hấp khi xảy ra hỏa hoạn.
Người dân TP.HCM đổ xô tìm mua các thiết bị PCCC, cứu hộ, cứu nạn sau vụ cháy chung cư Carina.
Tại cửa hàng chuyên bán dụng cụ phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM), vừa hỏi thăm thiết bị dưỡng khí, nhân viên ki-ôt đưa ra chiếc mặt nạ hiệu STRONG ST-AX và tiếp thị đây là sản phẩm mới chuyên chống khói độc, kèm theo đó là lời "đảm bảo chắc nịch" cho chất lượng sản phẩm. Giá bán khoảng 220.000 đồng/cái.
Chưa kịp phản hồi gì, cô nhân viên tiếp tục "bài tiếp thị", cho rằng, đây là sản phẩm nhập khẩu chính hãng từ… Đài Loan, có màng lọc và than hoạt tính nhập khẩu từ Mỹ. Thế nhưng, trên vỏ bao bì sản phẩm lại toàn tiếng Trung Quốc.
Cũng với sản phẩm cùng thương hiệu như trên, thế nhưng, nhân viên cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM) thì cho rằng, đây là hàng của… Pháp, được gia công tại Trung Quốc để có giá thành rẻ. Nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm, chúng tôi đưa khẩu trang này đến một chuyên gia trong lĩnh vực PCCC nhờ thẩm định, vị này cho biết đây chỉ là khẩu trang than hoạt tính, chỉ có công dụng chống bụi.
Còn đối với các sản phẩm mặt nạ phòng độc, dưỡng khí… thường được thiết kế lớp ngoài chắc chắn, chịu được nhiệt độ cao, lọc được khí độc nhờ phin than hoạt tính… Tuy nhiên, nếu sản phẩm giá rẻ, sản phẩm không thể đảm bảo than hoạt tính trong phin an toàn, đủ lượng và được kiểm định rõ ràng để đảm bảo công năng của sản phẩm.
Trong khi đó, trên các trang bán hàng online, sản phẩm “mặt nạ chống khói”, “mặt nạ phòng độc”, “mặt nạ thoát hiểm”… được rao bán tràn lan với các mức giá khác nhau. Cụ thể như cùng sản phẩm dòng 3M-8247, được quảng cáo là hàng Mỹ nhưng có nơi bán giá 90.000 đồng/chiếc, có nơi rao bán giá chỉ chưa tới 30.000 đồng/chiếc.
Ông Tạ Quang Hải - Giám đốc công ty Nhật Quang Tân (địa chỉ trên đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, TP.HCM), cũng thông tin, mỗi lần sau những vụ hỏa hoạn lớn xảy ra, người dân thường đổ xô đi mua các sản phẩm PCCC, cứu hộ, cứu nạn. Thế nhưng, trong cuộc sống thường ngày, thói quen phòng cháy cũng như việc trang bị kiến thức cho cứu hộ cứu nạn còn rất hạn chế.
Thị trường đang có rất nhiều mẫu mã các thiết bị chống độc, chống khói...
Như tại doanh nghiệp ông Hải, mỗi tháng 2 lần tổ chức diễn tập PCCC tại các chung cư cao tầng, các tòa cao ốc… vừa để trang bị kiến thức cho người dân, vừa để giới thiệu các sản phẩm cứu hộ cứu nạn phù hợp. Thế nhưng, mỗi lần xin giấy phép tổ chức diễn tập, ông Hải đều gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể, các nhân viên bảo vệ, nhân viên PCCC đều gây khó dễ, không hợp tác.
Còn theo bà Lê Thị Thu – nguyên cán bộ Hội Phụ nữ PCCC TPHCM, trên thị trường hiện xuất hiện nhiều sản phẩm dùng để thoát hiểm, cứu nạn khiến người tiêu dùng bị rối. Vấn đề không chỉ là giá cả mà còn là chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các loại sản phẩm này, độ an toàn, đảm bảo công năng…
Ngoài ra, khi người dân tự trang bị thiết bị nhưng khi sử dụng không qua tập huấn, hướng dẫn cụ thể sẽ gây nguy hiểm. Do đó, cần quan tâm nhiều hơn tới việc tập huấn, diễn tập PCCC.
“Thực tế, nhiều buổi tập huấn kỹ năng thoát nạn được lực lượng chuyên nghiệp hướng dẫn tại khu dân cư nhưng rất ít người dân quan tâm tham dự. Tới khi gặp sự cố họ nhanh chóng rơi vào tình trạng rối trí, hoảng loạn, không thể xử lý được tình huống”, bà Thu nói.
Lo lắng vì "hotline" chung cư không hoạt động
Sau khi xảy ra vụ cháy chung cư Carina, nhiều cư dân sống trong các tòa nhà cao tầng hốt hoảng kiểm tra hệ thống PCCC, liên hệ các đường dây nóng của chung cư... Tuy nhiên, nhiều nơi, hệ thống PCCC không hoạt động, hotline không có người trực, nắm bắt thông tin.
Anh Nguyễn Thanh, sống tại một chung cư ở phường An Phú (quận 2, TP.HCM) cho biết, Ban quản lý tòa nhà có hệ thống đường dây nóng để cư dân gọi điện khi cần hỗ trợ trong các trường hợp khẩn cấp. Thế nhưng, nhiều lần liên hệ đều không liên lạc được.
Có lần, anh Thanh vô tình bị người nhà "khóa trái cửa", không thể ra khỏi nhà được. Vì có công việc quan trọng phải đi, người thân thì đều ở xa nên anh Thanh cố gắng liên lạc với Ban quản lý tòa nhà, nhờ hỗ trợ. Gọi điện, nhắn tin đều không có người bắt máy.
Cuối cùng, anh Thanh phải xử lý bằng cách đặt một cuốc "xe ôm công nghệ cao", sau đó gọi điện hướng dẫn tài xế lên tận nhà, anh Thanh chuyền chìa khóa ra để tài xế mở cửa.
"Hotline thì không liên lạc được, người lạ vào nhà thì dễ như húp cháo... Giờ nghĩ lại, tôi mới thấy lo cho an toàn của cuộc sống cư dân trong chung cư", anh Thanh than thở.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.