Loạn thuốc điều trị Covid-19 (bài 2): Hiểm họa khó lường

Bạch Dương Thứ ba, ngày 04/01/2022 07:00 AM (GMT+7)
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TP.HCM, việc người dân có tâm lý mua thuốc điều trị Covid-19 trôi nổi trên mạng để tự điều trị hoặc dự trữ khi cần là rất nguy hiểm.
Bình luận 0
Hiểm họa khó lường khi tự uống các loại thuốc điều trị Covid-19 - Ảnh 1.

Các loại thuốc điều trị Covid-19 đang được rao bán trên mạng. Ảnh: B.C

Đều là thuốc thử nghiệm, chưa được cấp phép

Dược sĩ Lê Phước Thành Nhân, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết các loại thuốc kháng virus hay điều trị liên quan đến Covid-19 hiện nay đều đang thử nghiệm. Các loại thuốc đang được rao bán trên mạng là chưa được cấp phép, về mặt pháp lý là sai, là vi phạm pháp luật.

Theo dược sĩ Nhân, hiện nay thuốc Molnupiravir phát và sử dụng ngoài cộng đồng đang được nghiên cứu thử nghiệm pha 4. Vừa qua, Bộ Y tế đã xác nhận thuốc này có hiệu quả trên virus nhưng tác dụng phụ vẫn đang nghiên cứu với tác dụng chính của thuốc để đánh giá tác dụng nào nhiều hơn.

Các bác sĩ cho biết, thuốc Molnupiravir có một số tác dụng phụ như rụng tóc, đau đầu, buồn nôn, mẩn ngứa… Đây là thuốc đang thử nghiệm có các tiêu chuẩn kiểm soát rất chi tiết, chặt chẽ như chống chỉ định với F0 dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh lý nền về gan, thận… Thuốc chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ và phải theo dõi sát sao trong khi dùng để có thể can thiệp kịp thời nếu có biến chứng.

Các thuốc trong chương trình thử nghiệm đều có mã số quy định riêng. Người dùng không thể dựa trên mẫu mã để phân biệt vì tên thương mại hay quy cách đóng gói hoàn toàn có thể bị làm giả. Vì vậy, nếu sử dụng thuốc mua trôi nổi bên ngoài, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe là có thể xảy ra, các bác sĩ cảnh báo.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho rằng, việc người dân tùy tiện sử dụng thuốc điều trị Covid-19 là vô cùng nguy hiểm. Thời gian qua, ông đã nhận được nhiều câu hỏi nhờ tư vấn việc sử dụng thuốc Arbidol của Nga.

Ông cảnh báo, việc sử dụng thuốc kháng viêm, kháng virus đòi hỏi sự chỉ định của bác sĩ, bởi thuốc có rất nhiều tác dụng phụ. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ có hướng dẫn sử dụng hoặc chống chỉ định, nếu dùng thuốc tùy tiện sẽ dẫn tới hậu quả "tiền mất, tật mang".

Còn vấn đề uống thuốc để dự phòng Covid-19, theo bác sĩ Khanh, đó là "chiêu trò" mà người bán hàng đồn thổi để bán được hàng. 

"Để có thể dự phòng virus SARS-CoV-2 hiện nay chỉ có vaccine mà thôi. Chỉ có vaccine mới có thể giúp chúng ta phòng tránh và giảm các triệu chứng tăng nặng khi mắc Covid-19", bác sĩ Khanh khẳng định.

Hiểm họa khó lường khi tự uống các loại thuốc điều trị Covid-19 - Ảnh 3.

Các thuốc này đều chưa được Bộ Y tế cấp phép. Ảnh: B.C

Mua bán thuốc trôi nổi là vi phạm pháp luật

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, Chủ tịch Hội Dược học TP.HCM, những F0 điều trị tại nhà đã được thành phố trang bị các túi thuốc A, B, C. Trong đó, túi thuốc C (Molnupiravir) đang thử nghiệm, chờ cấp giấy đăng ký, chưa bán ra ngoài thị trường. Người dân không nên có tâm lý mua để dự trữ khi cần. Khi sử dụng thuốc phải là những thuốc hợp pháp, được đăng ký, nhập khẩu theo nguồn chính thống, được sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Nếu chưa rõ nguồn gốc thật giả, người dân không nên tiếp tay, mua sử dụng.

Theo Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam đưa một số thuốc vào phác đồ điều trị Covid-19 đã được công nhận trên thế giới. Trong đó, có 3 thuốc kháng virus được đưa vào hướng dẫn gồm: Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng; Favipiravir dùng cho bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ trung bình; và Molnupiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ.

Hiểm họa khó lường khi tự uống các loại thuốc điều trị Covid-19 - Ảnh 4.

Việc sử dụng các loại thuốc điều trị Covid-19 phải tuân theo chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ. Ảnh: B.D

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản ký khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, các thuốc kháng virus này giúp giảm tải lượng virus, chứ không phải là diệt virus. Đặc biệt, thuốc Molnupiravir cũng được quy định là không dùng cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu, phụ nữ đang có kế hoạch có thai.

"Với cách sử dụng các loại thuốc điều trị Covid-19 khác nhau đều phải có sự kiểm soát của nhân viên y tế để áp dụng đúng trong các trường hợp cụ thể", PGS.TS Lương Ngọc Khuê khuyến cáo.

Trả lời về việc hiện nay đang xuất hiện tình trạng mua bán các loại thuốc kháng virus, trong đó có Molnupiravir, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết đơn vị đã phát hiện việc này hiện đang phối hợp với cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương tiếp tục điều tra, theo dõi để sớm có hình thức xử lý nghiêm.

"Đây là thuốc đang được nghiên cứu lâm sàng, do đó việc mua bán trên thị trường là vi phạm pháp luật", bà Mai khẳng định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem