Hiểm họa khi lạm dụng thuốc kháng virus điều trị Covid-19

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 11/12/2021 06:33 AM (GMT+7)
Từ hiệu quả thử nghiệm ban đầu của thuốc kháng virus Molnupiravir đối với những F0 là người cao tuổi, có bệnh nền khiến một số người coi đó là "thần dược", săn lùng với giá đắt đỏ dù chưa đến mức cần dùng.
Bình luận 0
Hiểm họa khi lạm dụng thuốc kháng virus điều trị Covid-19 - Ảnh 1.

Túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận 11. Ảnh: B.D

Những ngày gần đây, thông tin TP.HCM thiếu thuốc kháng virus Molnupiravir khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng. Từ hiệu quả thử nghiệm ban đầu của thuốc này đối với những F0 là người cao tuổi, có bệnh nền khiến một số người coi đó là "thần dược", săn lùng với giá đắt đỏ dù chưa đến mức cần dùng. Các chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng thuốc Molnupiravir không có chọn lọc dẫn đến nhiều tác dụng phụ cho người sử dụng và tạo điều kiện cho việc đầu cơ, tích trữ, làm khan hiếm thuốc, khiến cho một số người thực sự cần lại không có thuốc.

Bác sĩ Lâm Phước Trí, Trưởng Trạm Y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú nhắc đến tình trạng "Hội chứng gói thuốc C". Nguyên nhân là người dân cứ test nhanh có kết quả dương tính là đều yêu cầu được phát gói thuốc C, dù là người trẻ tuổi khỏe mạnh, không triệu chứng, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19.

Trong tình trạng số ca F0 gia tăng, cao điểm có ngày hơn 100 ca, người dân liên tục gọi đến trạm y tế yêu cầu được cấp gói thuốc C, bác sĩ Trí cho biết, số thuốc trạm được cấp phát rất hạn chế, ưu tiên cho những người già, người có nguy cơ trở nặng.

Bên cạnh đó, trạm cũng phải có các biện pháp để ngăn chặn F0 nhận thuốc Molnupiravir về phục vụ mục đích khác. "Chúng tôi phải tìm biện pháp chứ F0 nhận thuốc không uống nhưng lại bảo uống rồi. Chúng tôi yêu cầu ngày nào uống phải chụp hình viên thuốc, vỉ thuốc đã bấm gửi lên nhóm zalo. Có như vậy mới ngăn được việc có người lợi dụng lấy thuốc để bán ra ngoài kiếm lời", BS Lâm Phước Trí cho biết.

"Hội chứng gói thuốc C" cũng tìm thấy trên nhiều group của các khu dân cư, group mua bán, hội nhóm. Những người đăng bài đều cho biết đang mắc Covid-19 và muốn có gói thuốc kháng virus nhằm giúp cơ thể nhanh có kết quả âm tính hơn, nhưng không được trạm y tế cấp phát hoặc trạm đã hết nên không có để dùng. Trong đó, nhiều trường hợp người trẻ đã tiêm đủ vaccine, khi có triệu chứng nhẹ như sốt, ho vẫn muốn tìm thuốc để uống trước với hy vọng "chặn" tải lượng virus tăng cao.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, vừa qua, Đại học này đã thực hiện một nghiên cứu về hiệu quả của Molnupiravir trên 1.500 bệnh nhân F0 chưa tiêm ngừa đủ vaccine Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu nào thử nghiệm Molnupiravir trên người dưới 50 tuổi và tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine để cho thấy thuốc này có hiệu quả với nhóm người này. Kết luận của nhóm nghiên cứu là nên tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân, tiêm đủ 2 mũi vaccine.

TS Dũng cũng thông tin, các tài liệu từ nước ngoài cho thấy, nhiều quốc gia chỉ dùng Molnupiravir cho người cao tuổi (trên 60 tuổi) và có bệnh nền như béo phì, đái tháo đường, bệnh tim…và người chưa tiêm đủ vaccine. Một số tài liệu còn ghi nhận, việc lạm dụng thuốc này có khả năng gây đột biến (dù nguy cơ thấp) và một số tác dụng phụ khác. Vì vậy, chỉ nên chấp nhận nguy cơ đột biến này nếu thực sự có là F0 nguy cơ cao, còn nếu nguy cơ không cao thì không nên dùng.

"Thuốc Molnupiravir có lợi ích nhưng mà chỉ lợi ích cho những người có nguy cơ cao. Còn những người mà có nguy cơ thấp và đã tiêm ngừa rồi, lại là người trẻ nữa dùng chỉ có hại mà không có lợi gì hết. Hại cho người đó, hại là dẫn đến kháng thuốc, hại cho việc chống biến chủng mới và hại là dẫn đến thiếu thuốc cho những người thực sự cần", BS Dũng khuyến cáo.

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, Chủ tịch Hội Dược học TP.HCM, những F0 điều trị tại nhà đã được thành phố trang bị các túi thuốc A, B, C. Trong đó, túi thuốc C (Molnupiravir) đang thử nghiệm, chờ cấp giấy đăng ký, chưa bán ra ngoài thị trường. Người dân không nên có tâm lý mua để dự trữ khi cần. Khi sử dụng thuốc phải là những thuốc hợp pháp, được đăng ký, nhập khẩu theo nguồn chính thống, được sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Nếu chưa rõ nguồn gốc thật giả, người dân không nên tiếp tay, mua sử dụng.

Hiểm họa khi lạm dụng thuốc kháng virus điều trị Covid-19 - Ảnh 3.

Thông tin rao bán, sử dụng các loại thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội. Ảnh: MXH

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Molnupiravir là thuốc đang thử nghiệm, có các tiêu chuẩn kiểm soát rất chi tiết, chặt chẽ, như: chống chỉ định với F0 dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh lý nền về gan, thận… Thuốc chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ và phải theo dõi sát sao trong khi dùng để có thể can thiệp kịp thời nếu có biến chứng.

Trước thực trạng thuốc Molnupiravir đang được mua bán trên thị trường "chợ đen", đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, bất cứ các loại thuốc nào đang được quảng cáo và rao bán như: Molnupiravir, Favipiravir và Remdesivir đều là trái phép vì các thuốc này chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành và mới chỉ được đưa vào sử dụng thí điểm có kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Do đó, Cục Quản lý Dược đề nghị lực lượng chức năng liên quan cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh lưu hành thuốc điều trị Covid-19 nói chung, thuốc có dược chất Molnupiravir nói riêng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem