Loạt ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn “khủng” mùa Đại hội cổ đông 2025, top đầu sẽ có xáo trộn mạnh?
Loạt ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn “khủng” mùa Đại hội cổ đông 2025, top đầu sẽ có xáo trộn mạnh?
L. Anh
Chủ nhật, ngày 23/03/2025 17:00 PM (GMT+7)
Năm 2024, đã chứng kiến năm tăng vốn mạnh của ngành ngân hàng với 11 nhà băng tăng vốn điều lệ. Với việc quy mô vốn toàn ngành vẫn còn khiêm tốn do hạn chế trong huy động vốn mới, nhiều nhà băng tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng vốn trong năm nay.
Vốn điều lệ cao nhất hệ thống thuộc về "ông lớn" quốc doanh
Dữ liệu thống kê của PV cho thấy, dịp Đại hội cổ đông thường niên năm nay, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu ở các ngân hàng trong mùa này ở mức 15-35%, tạo ra dư địa lớn để các tổ chức tín dụng củng cố bộ đệm tài chính.
Trong đó, Vietcombank đã chốt tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu là 49,5%. Đây là đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu cao kỷ lục của Vietcombank tính từ năm 2016. Theo đó, ngân hàng này dự kiến sẽ phát hành hơn 2,76 tỷ cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế và trích lập các quỹ. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 55.890 tỷ đồng lên 83.557 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.
Nếu hoàn tất kế hoạch, Vietcombank sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.
Hay như VietinBank trình cổ đông phương án phát hành gần 2,4 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ chia cổ tức 44,64% bằng cổ phiếu.
VietinBank cho biết, nhà băng này đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép sử dụng nguồn chi trả cổ tức đợt này là từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau khi trích các quỹ và chia cổ tức tiền mặt giai đoạn năm 2009-2016. Như vậy, nếu phát hành thành công gần 2,4 tỷ cổ phiếu, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 53.700 tỷ đồng lên 77.671 tỷ đồng.
Một "ông lớn" trong số 4 ngân hàng quốc doanh còn lại cũng đã công bố kế hoạch tăng vốn là BIDV. Mặc dù đến nay kế hoạch phân phối lợi nhuận năm và tăng vốn điều lệ chưa được công bố chi tiết, tuy nhiên ngân hàng này cũng đã hoàn thành việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2024 từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022 theo tỷ lệ 21% với giá trị tương ứng 11.971 tỷ đồng.
BIDV cũng vừa hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ 123,8 triệu cổ phần, giúp vốn điều lệ tăng lên 70.213 tỷ đồng, đồng thời nâng hệ số an toàn vốn (CAR) từ 9,9% lên khoảng 10,5%.
Trong năm nay, theo dự kiến, BIDV sẽ tiếp tục trả cổ tức khoảng 20% bằng cổ phiếu, đồng thời tăng vốn để đáp ứng các tiêu chuẩn Basel III.
Đối với nhóm ngân hàng tư nhân, nhiều nhà băng có quy mô lớn và vừa như: VPBank, MB, ACB, SHB, Techcombank, HDBank, VIB… đều đã trình kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu trong mùa đại hội cổ đông năm nay dao động trong khoảng từ 14-30%. Với số cổ phiếu phát hành trong khoảng từ 417-670 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, ước tính mỗi ngân hàng tăng vốn thêm 5.000-7.000 tỷ đồng.
Quá trình tăng vốn của Ngân hàng ACB từ năm 2015 đến nay. (*: sau khi kế hoạch phát hành cổ phiếu hoàn thành). ĐVT: tỷ đồng.
Đơn cử, theo tài liệu ĐHĐCĐ, ACB dự kiến phát hành thêm gần 670 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 15%), mệnh giá 10.000 đồng/cp. Nguồn vốn trích từ lợi nhuận lũy kế chưa phân phối hợp nhất tại thời điểm 31/12/2024 sau khi trích các quỹ. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ ACB sẽ tăng từ 44,667 tỷ đồng lên 51.367 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3/2025.
Lý do loạt "ông lớn" ngân hàng ráo riết trong cuộc đua tăng vốn?
Theo các chuyên gia, đối với ngân hàng, quy mô vốn điều lệ được xem là "tấm khiên dự phòng rủi ro". Bởi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng phải đảm bảo được rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành, rủi ro thị trường và phải trên 8%. Khi rủi ro tín dụng tăng cao, tỷ lệ CAR sẽ sụt giảm, dẫn đến các ngân hàng phải tăng vốn để đảm bảo an toàn.
VIS Rating nhận định, quy mô vốn toàn ngành ngân hàng vẫn còn khiêm tốn do hạn chế trong huy động vốn mới. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp ngân hàng giữ lại vốn, cải thiện hệ số CAR và tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức không tạo ra dòng tiền mới, do đó các ngân hàng cần chiến lược huy động vốn bền vững hơn.
Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ được xem là một giải pháp khả thi, vừa giúp tăng vốn điều lệ, vừa cải thiện CAR, từ đó giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn dồi dào với chi phí thấp để phục vụ hoạt động cho vay và đầu tư. Những động thái này cho thấy các ngân hàng đang nỗ lực xây dựng nền tảng tài chính vững chắc, không chỉ để duy trì mà còn mở rộng quy mô hoạt động, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới.
Theo VIS Rating, tỷ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình/tổng tài sản hữu hình (TCE/TA) của hệ thống ngân hàng năm 2024 duy trì ổn định ở mức 8,5%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của toàn Ngành đã cải thiện từ mức 83% trong quý III/2024 lên 91% vào cuối năm vừa qua.
Trong khi đó, hệ số CAR của nhóm ngân hàng đang áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 12,51% (các NHTM có vốn nhà nước chi phối là 10,57%; nhóm ngân hàng tư nhân ở mức 12,21%) - mức khá an toàn so với kế hoạch 10,5% vào năm 2033 theo định hướng điều hành của NHNN.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TPHCM đánh giá, bên cạnh việc tăng vốn để cải thiện năng lực tài chính, một mục tiêu quan trọng khiến các ngân hàng tăng vốn trong giai đoạn hiện nay là nhằm giải quyết tình trạng nợ xấu đang tăng nhanh chóng.
Còn nhóm phân tích SSI Research cho rằng, việc các ngân hàng tập trung để lại lợi nhuận, từ đó phát hành cổ phiếu trả cổ tức cũng là động thái tích cực. Tuy nhiên, hình thức tăng vốn này không mang lại nguồn vốn mới cho ngân hàng.
Vì thế, các NHTM cần có chiến lược tăng vốn bền vững hơn bằng cách phát hành trái phiếu riêng lẻ để mang lại nhiều lợi ích, giúp vừa tăng vốn điều lệ, vừa cải thiện hệ số CAR, từ đó có thêm nguồn vốn lớn và chi phí thấp để phục vụ hoạt động cho vay cũng như đầu tư.
Trong năm 2024, có 11 ngân hàng đã tăng vốn điều lệ. Trong đó, NCB (NVB) và Techcombank (TCB) là 2 ngân hàng tăng mạnh nhất, lần lượt 110% và 101%. Đi sau đó là Vietbank, PGBank và MSB.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.