Theo quan sát, lốc xoáy đã quật ngã, gãy hàng ngàn cây tràm (từ 1 -1,5 năm tuổi), nằm la liệt, ngổn ngang khắp núi rừng. Trước tình cảnh tan hoang bi đát này, các hộ dân chỉ biết “giải quyết hậu quả” chặt tràm ngã, gãy để làm củi đun.
Ông Nguyễn Duy Dũng- một trong những hộ chịu thiệt hại nặng do lốc xoáy gây ra. Ảnh: Lê Tập
Ông Nguyễn Duy Dũng, hộ trồng tràm bị lốc xoáy quật ngã hơn 1ha rừng tràm xót xa chia sẻ: “Gia đình tôi trồng gần 4ha tràm ở nhiều độ tuổi khác nhau. Bao nhiêu vốn liếng, công sức đầu tư vào đó, nhưng chỉ trong chốc lát thiên tai đã cướp đi gần hơn 1ha tràm 1,5 năm tuổi. Nhìn diện tích tràm gãy, đổ nghiêng ngả mà đứng ngồi không yên. Gia đình cũng đã dùng đủ cách mong vớt vát được một phần nào nhưng không hiệu quả. Cây tràm mà ngã thì chỉ có dùng làm củi đun chứ không sử dụng được mà thương lái cũng không mua để làm gì”.
Chứng kiến hơn 1ha tràm từ 1,5 - 2 năm tuổi nằm nghiêng ngả khắp nơi, ông Nguyễn Thế Hùng buồn bã: “Gia đình tôi trồng hơn 3ha tràm mà đã thiệt hại hơn 1ha thì coi như là trắng tay rồi. Nếu tính đến lúc thu hoạch (4 năm), 1ha tràm thì thiệt hại gần 70 - 80 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Viết Tân – Xóm trưởng Sơn Thành cho biết: “Từ trước tới giờ ở đây chưa có hiện tượng lốc xoáy. Bởi thế, cơn lốc xoáy xuất hiện lần này đã khiến cho người dân hết sức hoang mang, sức tàn phá của nó cũng rất nghê gớm. Lốc xoáy gây thiệt hại cho hơn chục hộ trồng tràm, diện tích thiệt hại giữa các hộ khác nhau, trong đó có khoảng 5 - 6 hộ thiệt hại nặng nhất. Ước tính thiệt hại lên đến 300 - 400 triệu đồng”.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Phúc – Chủ tịch xã Hùng Thành cho biết: Hiện chính quyền địa phương đã cử người lên hiện trường kiểm tra, thống kê diện tích thiệt hại do lốc xoáy đi qua. Giải pháp trước mắt, chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động các hộ dân khắc phục như chặt lá, chống đỡ… cứu sống những cây có triển vọng. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã báo cáo với các cấp, ngành có liên quan để có phương án hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.