Theo nghị quyết mà HĐND TP.Hà Nội thông qua tại phiên bế mạc hôm qua (11.7), thành phố sẽ phạt từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa. Hành vi lợi dụng lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ… để trục lợi sẽ bị phạt từ 6 - 10 triệu đồng…
HĐND TP.Hà Nội đã ra nghị quyết nâng mức phạt hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định
“Khó lắm, khó lắm, chưa phạt được trường hợp nào”
Nghị quyết trên chính là cụ thể hóa quy định tại khoản 2, điều 20, luật Thủ đô. Tuy nhiên, quyết tâm thiết lập văn hóa này của Hà Nội dường như khó khả thi, nhất là việc xử phạt, cả việc đốt vàng mã lẫn lên đồng trục lợi. Hiện chưa có văn bản nào của ngành văn hóa quy định cụ thể được như thế nào là trục lợi. Còn việc phạt đốt vàng mã thì cứ mỗi lần được hỏi ý kiến, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL Phạm Xuân Phúc lại xua tay: “Khó lắm, khó lắm, chưa phạt được trường hợp nào”.
Ông Phúc cũng cho biết trong thời gian cấm người dân đốt vàng mã nơi công cộng, chẳng khi nào thanh tra bắt được tận tay người đốt cả. Ở những nơi đốt vàng mã “sầm uất” nhất, khi bị làm căng, ngay lập tức người già và trẻ em được thuê đốt hộ mã với giá 5.000 đồng/lần. Hai loại đối tượng này nếu có bắt cũng chả ai nỡ phạt nên lại thôi.
Một mặt cấm hầu đồng, một mặt coi chầu văn là di sản. Trong khi cho sân khấu hóa, phổ cập hóa chầu văn nhưng lại cấm hầu đồng và lên đồng. Nếu không coi là giá trị thì tại sao tôn vinh, còn mang sang cả nước ngoài?
PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Tôn giáo |
Luật, chính sách tự mâu thuẫn
GS Ngô Đức Thịnh giật nảy người lên khi nghe tin Hà Nội sẽ nâng mức phạt hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định. Ông cũng thảng thốt với quy định phạt việc lợi dụng lên đồng, xem bói… để trục lợi. “Hà Nội sắp tổ chức festival hầu đồng cơ mà. Chắc là cái liên hoan hầu đồng này được tính là không trục lợi”, GS Thịnh nói.
GS Thịnh không đồng tình với những quy định về cấm đốt vàng mã lẫn cấm lên đồng. “Tôi đã nói đừng đòi phạt đốt vàng mã. Có thể dùng quy định chống cháy nổ để tránh nguy cơ hỏa hoạn mà quản lý thôi. Còn chuyện thế nào là trục lợi thì khó rõ ràng. Nó cũng giống như ngày xưa có người cho rằng hầu đồng mê tín dị đoan thì mới bị cấm. Thật chả có gì rõ ràng”, GS Thịnh kết luận.
Theo GS Thịnh, sự không rõ ràng còn có thể dẫn đến mâu thuẫn trong luật và chính sách văn hóa. “Chẳng hạn, chầu văn được công nhận di sản văn hóa quốc gia rồi, hồ sơ đi UNESCO đã nằm ở Paris (Pháp) rồi, sao lại cấm lên đồng? Làm thế nào phân biệt được trục lợi, thế nào là không trục lợi khi lên đồng? Người lên đồng toàn phát tiền cho người khác thì trục lợi cái gì?”, ông Thịnh nêu vấn đề.
PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo lại cho rằng những khái niệm được nêu trong nghị quyết như lên đồng, xem bói, gọi hồn không có nội hàm, mặt khác các quyết định chính sách pháp luật phải dựa trên điều tra xã hội. “Đáng lẽ thao tác trước khi thông qua nghị quyết cần tham vấn nhà khoa học.
Nó là cái gì? Ví dụ lên đồng có phải là hành vi đáng cấm hay không, vì sao lại cấm? Nghi lễ lên đồng là hành vi nằm trong một chuỗi hành vi văn hóa. Nên phải gọi hầu đồng thay cho lên đồng mới là đúng. Hầu đồng có bao nhiêu bộ phận thì anh phải xác định cho tôi. Ông cấm là cấm cái gì trong hầu đồng? Có phải là cấm hết hay không? Hầu đồng đã trở nên phổ biến, công khai trong xã hội. Làm sao mà cấm được”, ông Tuấn nói.
“Một mặt cấm hầu đồng, một mặt coi chầu văn là di sản. Trong khi cho sân khấu hóa, phổ cập hóa chầu văn nhưng lại cấm hầu đồng và lên đồng. Nếu không coi là giá trị thì tại sao tôn vinh, còn mang sang cả nước ngoài?”, ông Tuấn phân tích.
(Theo Thanh niên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.