Người dân đang thay đổi thói quen đốt vàng mã

Thứ bảy, ngày 02/02/2013 06:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gần tới ngày tết cúng ông Công ông Táo, các điểm làm hàng mã trong cả nước lại tất bật “vào vụ”. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay nhiều nhà chùa, thậm chí người dân đã hạn chế đốt vàng mã, nên số lượng bán đã giảm.
Bình luận 0

“Tro bay về trời, tiền lưu hạ giới”

“Dù biết đốt vàng mã không được khuyến khích nhưng do người dân vẫn có nhu cầu, các gia đình ở đây tranh thủ làm thêm kiếm tiền trang trải dịp tết. Tuy nhiên, càng ngày số lượng chúng tôi làm càng giảm đi vì người dân đã đốt ít đi.

Giờ là thời điểm Tết ông Công ông Táo, người dân chưa bỏ được tục đốt mũ áo ông Công, chứ sang năm mới chẳng có dịp đốt mã, lại ngồi chơi dài”. Anh Ngô Hồng Quân- chủ một cơ sở sản xuất hàng mã ở xã Nam Giang (Nam Trực, Nam Định) chia sẻ như vậy về việc làm hàng mã dịp cuối năm.

img
Anh Ngô Văn Nhuần ở Nam Hồng (Nam Trực) đang chuẩn bị xuất lô mũ áo mã.

Thời điểm này, các cơ sở sản xuất hàng mã tại các xã Nam Giang, Nam Hoa, Nam Hồng… (huyện Nam Trực) lại bận rộn với những mối hàng đa dạng do các đại lý hoặc khách hàng ở khắp nơi về đặt. Tuy nhiên, anh Quân cũng chia sẻ, trong ngày cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp, người dân chủ yếu mua hàng mã là mũ, áo, hài, hia... theo truyền thống. Các mặt hàng khác như voi, ngựa, ô tô, nhà… thì lượng đặt ít hẳn.

Cơ sở của anh Đoàn Văn Cứu ở thôn 3, xã Nam Giang thuê tới 18 người làm công, một ngày bình quân cho ra lò gần 700 bộ mũ áo. Trong vài ngày từ rằm tháng Chạp tới nay, anh xuất bán cho khách hàng ở Thanh Hóa trên 4.000 bộ. Hay chỉ với 3 người làm việc thời vụ, mỗi ngày gia đình anh Ngô Văn Nhuần ở thôn Cát Đại (xã Nam Hồng) cũng kịp cung cấp cho thị trường gần 100 bộ. Hiện tại gần 30 gia đình làm nghề hàng mã ở đây đều phải thuê thêm người làm để kịp trả hàng cho khách.

Tuy nhiên, cũng như nhiều hộ làm nghề ở đây, bản thân người làm cũng nghĩ: “Làm nhanh, làm đẹp thì cũng chỉ vài ngày nữa toàn bộ số hàng này sẽ… ra tro”. Hiện, giá một bộ ông Công ông Táo có giá từ 15.000- 40.000 đồng. Chỉ riêng số quần áo mã của cơ sở anh Cứu, anh Nhuần… nếu được bán hết, tổng số tiền bị đốt ra tro lên tới 160 triệu đồng. Anh Ngô Văn Huyên, thôn Hồng Phúc (Nam Hồng) vừa giao hơn 1.000 bộ mũ áo cho khách hàng nói vui: “Đúng là tro bay về trời, tiền lưu hạ giới”.

Thói quen đang thay đổi

Cá chép đỏ vẫn hút hàng

Không như vàng mã, cá chép đỏ vẫn được ưa chuộng để phóng sinh trong ngày ông Công ông Táo, phần vì màu đỏ gắn với may mắn, phần vì việc phóng sinh có nhiều ý nghĩa. Vì thế, những ngày này, ở các chợ đã xuất hiện cá chép đỏ. Phần lớn cá chép có xuất xứ từ làng Thuỷ Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ). Ông Hà Công Kỷ- một hộ nuôi cá lớn ở trong làng cho biết, năm nay, cả làng cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn cá (hộ nhiều nhất thu hoạch 1,6 tấn). Hiện giá bán buôn tại làng 85.000 đồng/kg, gần gấp rưỡi năm 2011.

Trong ngày ông Công ông Táo, đốt vàng mã được coi như một phong tục, nên việc tuyên truyền người dân bỏ phong tục này, hạn chế đốt vàng mã là việc lâu dài. Tuy nhiên, nhiều chùa đã đi đầu trong việc hạn chế đốt vàng mã, và việc làm này đã ảnh hưởng tới suy nghĩ của nhiều người dân. Thượng tọa Thích Duy Trấn ở chùa Liên Hoa (quận 11, TP.HCM) được biết đến là người đầu tiên thực hiện bỏ đốt vàng mã trong chùa. Lò hoá vàng tại chùa được dỡ bỏ.

Nhà chùa vận động phật tử dành tiền mua vàng mã để ủng hộ học trò nghèo. Khoản tiền đó tưởng ít, nhưng 1 năm cộng lại cũng lên tới 7 tỷ đồng. “Con em chúng ta nhiều người còn thiếu ăn, thiếu mặc, vậy mà mình lại lãng phí đi đốt tiền”- ông nói.

Tại phủ Tây Hồ (Hà Nội), Ban quản lý di tích đã đặt một bảng thông báo không cho phép cúng hoặc đốt các đồ vàng mã gồm các loại hình nhân thế mạng, ông lốt, ngựa, xe, rừng cây... Tại chùa Quán Sứ cũng nhắc nhở người dân hạn chế sử dụng và đốt vàng mã…

Nhiều phật tử đi các đền, phủ này đã bắt đầu quen với việc không đốt mã. Chị Bùi Thu Hà ở Tứ Liên (Tây Hồ) nói: “Ngày ông Công ông Táo, tôi chỉ mua một tệp tiền âm phủ và 2 con cá chép phóng sinh, bỏ hẳn việc đốt quần áo, giày, mũ. Đốt nhiều tốn tiền…”.

Quan niệm dần thay đổi nên số lượng hàng bán cũng giảm. Chị Nguyễn Thị Hoa - bán tạp hóa, vàng mã ở chợ Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Tết ông Công ông Táo những năm trước, tôi thường bán được 200-300 bộ/vụ, nhưng năm ngoái đã giảm chỉ còn 2/3. Năm nay tới giờ mà hàng vẫn chưa nhúc nhắc nên không dám lấy nhiều, chỉ chừng hơn 100 bộ”.

GS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia:

Nghi lễ đốt vàng mã chúng ta đang làm là nghi lễ đã có từ xa xưa, là cách thức thể hiện mối liên hệ giữa người sống và người chết, nhiều người cảm thấy ấm lòng khi đã gửi sự quan tâm đến ông bà, tổ tiên. Tuy nhiên, đúng là các dịp ông Công ông Táo người dân đốt quá nhiều, chính quyền cần vận động người dân đốt ít đi, ở mức vừa phải. Theo quan sát của tôi, 1-2 năm gần đây, số người đốt vàng mã với số lượng lớn đã ít đi. Những ngày như ngày ông Công, ông Táo, nhiều nhà đã không còn đốt quần áo, giày dép mà chỉ đốt ít tiền vàng giấy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem