Lợi ích lớn từ ngọt hoá sông Nghèn

Thứ sáu, ngày 20/07/2012 08:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Nếu không có nước ngọt sông Nghèn thì mùa hạn năm 2010 hơn 460ha lúa của xã Ích Hậu đã gặp nguy...” - ông Trần Quốc Trình - Chủ tịch UBND xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Bình luận 0

Đổi vị cho sông

Năm 2000, Bộ NNPTNT cùng với tỉnh Hà Tĩnh tiến hành triển khai Dự án xây dựng công trình ngăn mặn Đò Điệm tại cửa Sót, vốn đầu tư hơn 185 tỷ đồng. Sau nhiều năm tích cực thi công, đến năm 2008, công trình ngăn mặn Đò Điệm được đưa vào sử dụng, nước sông Nghèn không còn thông ra biển. Việc sông Nghèn đổi vị đã mang lại những nguồn lợi lớn hơn và có tính bền vững, lâu dài cho người dân.

img
Cống Đò Điệm ngăn mặn tràn vào sông Nghèn.

Các xã giáp sông Nghèn như Tiến Lộc, Tùng Lộc (huyện Can Lộc), Ích Hậu, Phù Lưu (huyện Lộc Hà), Thạch Kênh, Thạch Sơn (huyện Thạch Hà) chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Khi sông Nghèn còn là nước mặn, mỗi lúc đến mùa hạn, việc sản xuất gặp vô vàn khó khăn vì thiếu nước.

Sau khi hoàn thành công trình ngăn mặn Đò Điệm, các xã giáp bờ sông liền tiến hành xây dựng các trạm bơm, cống dẫn nước dọc tuyến đê bao quanh sông Nghèn để bơm nước từ sông vào ruộng đồng phục vụ sản xuất.  Vào mùa hạn thì nước sông Nghèn được xem như là nguồn “nước vàng, nước bạc” cứu sống hàng ngàn ha diện tích lúa hè thu cho các xã này.

Ông Nguyễn Thiên Đức - Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh cho hay: “Vụ hè thu, lượng nước tại các hồ đập chỉ đủ tưới cho 1/3 diện tích của xã Thạch Kênh. Đến khi ngọt hóa sông Nghèn thì toàn bộ 350ha diện tích lúa luôn được đảm bảo nước tưới, cả vụ đông xuân, lẫn vụ hè thu”. Cũng theo ông Đức, việc ngọt hóa sông Nghèn còn giúp cho bà con xã Thạch Kênh khai phá được hơn 40/200ha đất ở bãi bồi sông Nghèn để trồng lúa.

Lợi ích “n trong 1”

Việc đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất đã làm cho năng suất và sản lượng lúa của các xã tăng lên nhanh chóng. Đơn cử, năm 2009, năng suất lúa của xã Ích Hậu chỉ đạt 5,12 tấn/ha, sản lượng lúa là 4.683 tấn thì đến năm 2011 năng suất lúa đã tăng lên 5,37 tấn/ha, sản lượng đạt mức 4.963 tấn.

“Giờ đê xây xong, không những không lo nước sông tràn vô nữa, mà xe máy, xe bò cũng chạy được vi vu trên đê vì mặt đê rộng lại bằng phẳng”.

Ngoài vai trò to lớn làm nên những vụ mùa bội thu thì sông Nghèn bây giờ còn tạo ra nhiều nguồn lợi về thủy sản nước ngọt. Nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư, học hỏi kỹ thuật về nuôi cá lồng, cá bè trên sông, để thay thế việc đánh bắt tự nhiên như trước, tạo thu nhập ổn định. Đến nay trên sông Nghèn đoạn đi qua các xã Tùng Lộc, Tiến Lộc, Thạch Kênh, Ích Hậu đã xuất hiện các mô hình chăn nuôi vịt, các bè cá, lồng cá nước ngọt… cho thu nhập cao. Anh Hồ Lộc, người xóm Phú Ích (xã Ích Hậu) nói với sự tự tin: “Khi sông Nghèn còn mặn thì bắt cá từ biển vào, giờ hết mặn rồi thì bà con chúng tôi sẽ nuôi cá nước ngọt và làm giàu từ cá nước ngọt”.

Khi công trình Đò Điệm hoàn thành, ngăn mặn thì nước biển không tràn vào được. Tuy nhiên nước thoát ra cũng ít, nên nước từ sông La đổ về vào mùa mưa lũ có thể gây ngập lụt cho nhiều xã giáp với sông. Chính vì vậy, dự án xây dựng và gia cố tuyến đê ven sông Nghèn được triển khai. Tuyến đê có chiều dài 5km với vốn đầu tư 51,7 tỷ đồng. Tuyến đê hoàn thành sẽ góp phần bảo đảm an toàn cho 4.505 hộ dân và hơn 2.500ha đất nông nghiệp của các xã giáp sông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem