Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền trước nghị trường ngày hôm qua đã đặt câu hỏi: Có bao che, có lợi ích nhóm không khi mà năng lực không thiếu, tổ chức bộ máy không thiếu, quyết tâm không thiếu nhưng vẫn không phát hiện được tham nhũng?
Đại biểu QH Ngô Văn Minh thì bình luận một cách hoàn toàn nghiêm túc, rằng: Báo cáo của thanh tra về phòng chống tham nhũng “chỉ có một dòng chấp nhận được”. Đó là “công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu và mục tiêu, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành gây bức xúc, bất bình trong xã hội”.
Tổng Thanh tra Chính phủ sau đó đã giải thích rất nhiều, kể ra rất nhiều “biện pháp”. Nào là: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. Nào là: Tăng cơ chế phòng ngừa, răn đe. Rồi thì: Xử lý kiên quyết các hành vi tham nhũng. Xóa bỏ cơ chế xin-cho...
Ông cũng thừa nhận trách nhiệm: Việc phát hiện tham nhũng và đề xuất xử lý tham nhũng, đây là trách nhiệm của chúng tôi. Ông cũng thừa nhận tình trạng “nhũng nhiễu, lọt lộ thông tin (trong đội ngũ phòng chống tham nhũng) là có”. Và để minh họa cho quyết tâm, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh đưa ra con số: Từ 2007-2012 đã có 16 cán bộ bị xử lý, riêng 2012 xử lý 6 trường hợp, trong đó 2 trường hợp xử lý hình sự, 1 buộc thôi việc.
Vậy có hay không việc: Người chống tham nhũng lại tham nhũng của kẻ tham nhũng?. Tình trạng mà đại biểu QH Lê Như Tiến gọi là “Kính thưa hậu hĩnh, kính gửi đậm đà”- một trong những nguyên nhân khiến cho tham nhũng ngày càng phức tạp trong khi số vụ phát hiện ngày một ít đi.
Đại biểu Đỗ Văn Đương đề cập đến những “mắc mớ về quyền lực và tiền bạc” như là một trong những nguyên nhân việc xử lý tham nhũng đang ngày một ít đi. “Muốn thoát ra được thì nên chăng xem lại vị trí độc lập của cơ quan phòng, chống tham nhũng”- ông nói.
Một vị thế độc lập sẽ khiến người chống tham nhũng thoát được vấn đề nhóm lợi ích chi phối, trong nhiều trường hợp thậm chí- theo hệ thống hành chính trên, dưới.
Còn ông Nguyễn Đình Quyền thẳng thắn: Đây là vấn đề trách nhiệm, chủ yếu là nguyên nhân chủ quan chứ không phải khách quan. Chủ quan, có nghĩa là từ chính chúng ta.
Thế nên, cũng phải thông cảm cho Tổng Thanh tra khi ông không đưa ra bất kỳ con số hay giải thích nào xung quanh “bộ phận không nhỏ”, không có bất cứ chỉ số đo lường mức độ tham nhũng, bất kỳ mốc thời gian nào tham nhũng sẽ bị đẩy lùi.
Phong Dao
Vui lòng nhập nội dung bình luận.