Lợi nhuận của nông dân vẫn thấp

Thứ ba, ngày 29/11/2011 13:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mặc dù ngành nông nghiệp đã đạt được con số xuất siêu là 8,2 tỷ USD, song theo nhận định của nhiều chuyên gia, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Bình luận 0

Chủ yếu xuất thô

Điểm lại các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp trong năm nay, có thể nhận thấy gạo vẫn là mặt hàng chiến lược với tổng sản lượng xuất khẩu đến nay đạt 6,8 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,5 tỷ USD (tăng 16,7%).

img
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực Đồng Tháp.

Với diễn biến như hiện nay, kết thúc năm 2011, xuất khẩu gạo sẽ cán đích ở mức 7,3 triệu tấn - cao nhất trong lịch sử 22 năm xuất khẩu gạo của nước ta và đây cũng là năm giá trị xuất khẩu đạt cao nhất ở mức 505USD/tấn.

TS Lê Hưng Quốc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam đánh giá: “Kết quả xuất khẩu gạo như trên là rất đáng mừng và hạt gạo Việt Nam đang vươn lên để cạnh tranh vị trí số 1 về xuất khẩu với Thái Lan.

Song theo tôi, cái “vương miện” đó không dành cho nông dân, bởi mặc dù giá trị xuất khẩu thu về nhiều, nhưng lợi nhuận mà người nông dân được hưởng lợi vẫn còn quá thấp, điều quan trọng là cần phải tăng được thu nhập lên cho người nông dân”.

Đối với mặt hàng cà phê, tuy lượng xuất khẩu chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái (1,1 triệu tấn), song giá trị lại gấp tới 1,5 lần so với năm 2010, đạt 2,3 tỷ USD với giá xuất khẩu đạt 2.210USD/tấn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, phần lớn cà phê của Việt Nam là robusta được xuất dưới dạng thô.

Ông Diệp Kỉnh Tần- Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhận xét: “Tỷ lệ cà phê nhân được chế biến hiện nay của nước ta mới chỉ đạt 20%, còn cà phê hòa tan chỉ đạt 1%. Trong khi đó, chỉ cần một nhà máy chế biến cà phê ở Biên Hòa với công suất 3.000 tấn/năm, lợi nhuận thu về đã đạt 100-200 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, nông dân chỉ đang được hưởng một phần rất nhỏ, khoảng 20 – 30% giá trị từ hạt cà phê mà họ làm ra. Chỉ cần đầu tư để chế biến khoảng 10% sản lượng cà phê trong nước thôi, thì lợi nhuận cũng đã vô cùng lớn”.

Điều vẫn tiếp tục là điểm sáng năm nay khi đạt kim ngạch xuất khẩu 1,4 tỷ USD, đặc biệt, mỗi tấn điều xuất khẩu đã có giá tới 8.303 USD.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, ngành điều vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu chế biến, nên Việt Nam cũng đang phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu điều từ nước ngoài về để chế biến xuất khẩu. Các mặt hàng khác như cao su, tiêu, sắn… kim ngạch xuất khẩu đều tăng hơn so với năm 2010.

Phải chủ động đầu vào và chế biến

Nhận định về con số xuất siêu ấn tượng của ngành nông nghiệp, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng: “Muốn xuất khẩu có giá trị gia tăng cao hơn, phải tự sản xuất được đầu vào đối với các mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, đồng thời phải chế biến sâu hơn nữa, đừng xuất thô, như cà phê thì cần chế biến thành cà phê hòa tan, tôm đông lạnh chế biến thành tôm bột… Để làm được điều đó, chúng ta cần có sự hợp tác với các đối tác nước ngoài, họ sẽ hỗ trợ chúng ta về công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng”.

4 biện pháp tăng cường xuất khẩu nông sản

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, để tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, cần thực hiện 4 biện pháp: Một, tăng cường ký kết các hiệp định khu vực mậu dịch tự do để có thể khai thác lợi thế do các hiệp định mang lại. Hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hoạt động giới thiệu sản phẩm và tìm đến thị trường. Ba, tiếp tục các biện pháp đấu tranh chống bán phá giá và chống phân biệt đối xử với hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài. Bốn, hỗ trợ nông dân trong khuôn khổ cam kết với Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), trong đó chúng ta được phép hỗ trợ đến 10% tổng thu nhập về nông nghiệp hàng năm cho nông dân.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) cũng cho rằng: “Hiện nay, chúng ta vẫn chưa sản xuất được 3 mặt hàng chiến lược đầu vào là phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, chưa kể thuốc thú y, giống cây trồng, vật nuôi vẫn phải nhập khẩu rất nhiều.

Chỉ tính riêng 3 mặt hàng chủ yếu, trong 11 tháng đã phải nhập khẩu đến gần 4,2 tỷ USD là khá cao. Đầu vào không chủ động được, đầu ra lại qua nhiều khâu trung gian, lại chủ yếu xuất thô, nên giá trị gia tăng nhìn chung vẫn ở mức thấp”.

Đối với thủy sản dù kim ngạch xuất khẩu đạt tới 5,6 tỷ USD chỉ trong 11 tháng, song theo ông Vũ Văn Tám- Thứ trưởng Bộ NNPTNT, hiện nay có tới 60-70% lượng thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long do không có các khu công nghiệp chế biến, phụ trợ nên phải chuyển lên tận TP. Hồ Chí Minh để sơ chế xuất khẩu. Nhưng xuất khẩu cũng hầu hết phải thông qua các nhà nhập khẩu ở nước ngoài, chứ Việt Nam chưa tiếp cận được trực tiếp với các nhà tiêu thụ ở các nước, đó cũng là lý do khiến giá trị thủy sản của ta còn thấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem