Lợi nhuận "xám": Vì sao SCIC bán cổ phần Cienco 5 với giá đắt đỏ?
Lợi nhuận "xám": Vì sao SCIC bán cổ phần Cienco 5 với giá đắt đỏ?
Huyền Anh
Thứ hai, ngày 01/01/1900 00:00 AM (GMT+7)
Phiên đấu giá cổ phần Cienco 5 do SCIC nắm giữ sẽ được tổ chức vào ngày 20/3 tới đây thu hút sự chú ý của nhà đầu tư vì kết quả kinh doanh không mấy sán lạn nhưng giá khởi điểm lên tới 19.000 đồng/cp. Có lẽ SCIC hy vọng từ hàng trăm ha đất Dự án Khu đô thị Mỹ Hưng (Hà Nội) mà Cienco 5 nắm giữ.
Ngày 20/3 tới đây, Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ bán toàn bộ 17,56 triệu cổ phần của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5)
Phiên đấu giá trọn lô 17,56 triệu cổ phần (tương ứng 40% vốn điều lệ) của Cienco 5 do SCIC sở hữu sẽ diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, với giá khởi điểm được 19.300 đồng/cổ phần. Như vậy, để "ôm trọn" toàn bộ lô cổ phần này, nhà đầu tư phải bỏ ra tối thiểu 339 tỷ đồng.
Đáng chú ý, so với mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cp mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra vài năm trước khi thực hiện thoái vốn tại Cienco 5, mức giá khởi điểm lần này "đắt" gần gấp đôi.
Lợi nhuận "xám" nhưng hấp dẫn bởi quỹ đất lớn
Chào giá cao song bản công bố thông tin phục vụ cho đấu giá của Cienco 5 lại khá đơn giản. Bởi hồ sơ công bố phục vụ đợt đấu giá hoàn toàn không có thông tin tài chính của Cienco 5 trong năm 2019, với lý do là báo cáo tài chính tổng hợp kiểm toán năm 2019 chưa được phát hành.
Chính vì lý do trên, thông tin về hoạt động kinh doanh của Cienco 5 trở nên rất khó tiếp cận. Tình hình kinh doanh của tổng công ty này cũng chỉ được hé lộ sau bản công bố thông tin của SCIC, dù chỉ tới năm 2018.
Theo đó, sở hữu thương hiệu nhà thầu giao thông lớn nhưng doanh thu năm 2017 và năm 2018 của Cienco 5 lần lượt chỉ đạt 490 tỷ đồng và hơn 275 tỷ đồng, lợi nhuận vỏn vẹn mỗi năm chưa đến 1 tỷ đồng. (năm 2017 lãi ròng gần 307 triệu và năm 2018 đạt 918 triệu).
Riêng trong bảng cập nhật kết quả kinh doanh năm 2018, ba nguồn thu chính của Cienco 5 đến từ xây lắp, thu phí đường bộ và chuyển nhượng dự án bất động sản.
Trong khi hoạt động xây lắp những năm gần đây bị ảnh hưởng do đầu tư công bị thắt chặt, thì kinh doanh bất động sản cũng bị thu hẹp. Chính vì vậy, thu phí đường bộ đóng vai trò là nguồn thu chính, chủ yếu từ tuyến Quốc lộ 1A đoạn Km 987 - Km 1027. Nguồn thu này cũng đã giảm rất mạnh từ tháng 9/2018 vì sự cạnh tranh từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn đi qua Tâm Kỳ - Quảng Ngãi).
Doanh thu thu phí năm 2018 giảm 16% so với năm trước đó, đạt xấp xỉ 205 tỷ đồng. Giá vốn năm 2018 tăng vọt do mức trích khấu hao cho dự án chỉ mới là tạm tính. Phải đến năm 2019, Bộ Giao thông - Vận tải mới quyết toán tổng mức đầu tư. Như vậy, thu phí đường bộ - mảng kinh doanh tưởng chừng mang về nguồn thu ổn định, nhưng lại khá bấp bênh. Lợi nhuận gộp mảng thu phí năm 2018 chỉ đạt 39 tỷ đồng, trong khi từng mang về 262 tỷ đồng trong năm 2017 và 63 tỷ đồng trong năm 2016.
Kết quả hoạt động không mấy khả quan trong những năm vừa qua đã khiến Cienco 5 chưa thể trả cổ tức cho cổ đông từ năm 2014 đến nay, bởi phải tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh.
Bản công bố do bên chào bán còn cho thấy, Cienco 5 gặp khó về tài chính do giá trị đầu tư vào công ty liên kết ngang ngửa với 50% vốn điều lệ (151 tỷ đồng). Chưa kể, các công ty liên kết còn là "con nợ" khó đòi với giá trị vay lớn, phát sinh từ việc tổng công ty hỗ trợ tài chính khi còn là công ty con.
Theo đại diện Công ty Unistars, đơn vị chịu trách nhiệm kiểm toán Cienco 5, một số đơn vị nhận đầu tư không gửi báo cáo tài chính hay xác nhận công nợ, dù phía Tổng công ty đã yêu cầu, nhiều khoản phải thu trong số này đã tồn qua nhiều kỳ. Vốn chủ sở hữu bị ứ đọng cũng là nguyên nhân khiến Công ty cần vay nhiều hơn khi chuẩn bị cho các dự án mới, dẫn đến tăng chi phí tài chính và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Có thể thấy, sau khi cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của Cienco 5 là một bức tranh màu xám. Vậy điều gì khiến cho SCIC có thể đưa giá một mức giá chào "đắt đỏ" đến như vậy?
Chỉ vài thông tin về lô đất khủng đã phần nào kiến giải mức giá mà doanh nghiệp nhà nước SCIC muốn thoái ra.
Theo thông tin có được, Cienco 5 sở hữu quỹ đất lớn tại phía Nam Hà Nội thông qua dự án BT.
Cụ thể, Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT vào năm 2007 và giao cho Cienco 5 làm chủ đầu tư. Tổng chiều dài toàn bộ Dự án là 41,5 km. Đến nay đã hoàn thành đoạn từ Km00 - Km19 900 dài 19,9 km. Đổi lại, nhà đầu tư được nhận Khu đô thị mới Thanh Hà A, B - Cienco 5 (quận Hà Đông, Hà Nội) có diện tích lên đến gần 400 ha.
Tuy nhiên, toàn bộ giai đoạn 1 của Dự án đã được chuyển giao cho Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh thông qua việc các cổ đông lớn thoái vốn tại Công ty Dự án là Công ty CP Phát triển Địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land).
Ngoài ra, Cienco 5 còn sở hữu đoạn từ Km19 900 đến Km41 500 có chiều dài 21,6 km. Để đối ứng hoàn trả lại cho nhà đầu tư Cienco 5 theo quy định của Luật BT, Hà Nội thanh toán quỹ đất tại Dự án Khu đô thị Mỹ Hưng, tại xã Cự Khê, xã Mỹ Hưng, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Quy mô Khu đô thị lên đến 182 ha. Sản phẩm ở đây khá đa dạng bao gồm các loại: đất xây nhà thấp tầng, nhà cao tầng, đất công cộng dịch vụ... Đáng nói, tổng vốn đầu tư dự án là 17.075 tỷ đồng, Dự án dự kiến hoàn thành trong quý IV/2022.
Nếu nhìn vào các dự án mà tổng công ty này đang thực hiện, thì mảng bất động sản của Cienco 5 vẫn còn tiềm năng. Ngoài Dự án Khu dân cư Đông Nam thị trấn Châu Ô đang bán hàng và bàn giao cho khách, Cienco 5 đang triển khai thiết kế thi công Dự án Khu đô thị Nam sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Tổng công ty cũng đang để ý dự án khu đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch dân tộc Đắk Lắk, nhưng mới chỉ ở giai đoạn tiếp cận.
Cuộc chơi nằm trong tay Hải Phát Invest?
Quay trở lại với việc thương vụ đấu giá 17,56 triệu cổ phần Cienco 5 của SCIC có thể nói, đây không phải lần đầu tiên cổ phần Cienco 5 được chào bán.
Cuối năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải đã đấu giá cổ phần của Tổng công ty này trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, thu hút 3 nhà đầu tư tổ chức. Hải Phát Invest là đơn vị trúng giá, với số tiền bỏ gấp đôi giá khởi điểm.
Tính đến tháng 10/2019, cổ đông Cienco 5 gồm 84 nhà đầu tư, trong đó 94,18% vốn thuộc sở hữu của 3 tổ chức, gồm SCIC (40%), Hải Phát Invest (sở hữu 38,68% vốn) và Công ty Đầu tư Hải Phát Thủ đô (15,5% vốn).
Như vậy, Hải Phát Invest và công ty có liên quan là Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô đang nắm giữ tổng cộng 54,18% vốn điều lệ của Cienco 5. Rõ ràng, nếu Hải Phát Invest quyết tâm thâu tóm Cienco 5, việc thoái vốn của SCIC lần này là cơ hội "không thể tốt hơn".
Đây cũng chính là cơ hội để Hải Phát Invest "cắt đuôi" các cổ đông khác và sở hữu trọn vẹn quỹ đất khủng mà Cienco 5 đang nắm trong tay để phát triển dự án mà nhiều doanh nghiệp bất động sản trong Nam, ngoài Bắc "thèm khát".
Cũng phải nói thêm rằng, dù SCIC là cổ đông có tỷ lệ sở hữu lớn nhất, nhưng nhóm Hải Phát nắm trên 51% mới là bên có đủ quyền chi phối phần lớn các quyết định.
Điển hình đầu năm 2019, khi lấy ý kiến cổ đông về việc hợp tác giữa Cienco 5 và Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát để cùng thực hiện Dự án BT phân đoạn II và Dự án đối ứng Khu đô thị Mỹ Hưng theo tỷ lệ 55/45%, SCIC đã không tán thành, song chủ trương vẫn được thông qua với tỷ lệ quá bán đồng ý.
Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát (do Hải Phát Invest thành lập, sau đó đã rút hết vốn và Công ty hiện có tên mới là HP Land) khi đó được giới thiệu là doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực tài chính. Dù cổ đông Hải Phát Invest từng đứng ra sáng lập, nhưng ở thời điểm bỏ phiếu, Hải Phát Invest và HP Land không còn mối quan hệ về vốn hay người nội bộ. Do không phải là giao dịch bên liên quan, nên nhóm cổ đông đa số vẫn có quyền biểu quyết.
Đây là một minh chứng cho thấy, dù nhà đầu tư thế chân SCIC không phải là Hải Phát Invest và công ty liên quan thì nhóm cổ đông này vẫn có tầm ảnh hưởng đối với khu đất vàng đã nói ở trên.
Phải chăng thông tin này là lực đỡ cho giá cổ phiếu HPX của Hải Phát Invest tăng giá trong 2 phiên giao dịch gần nhất, bất chấp thị trường "đỏ lửa".
Được biết, Cienco 5 là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, tiền thân là Ban Xây dựng 67, đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được thành lập ngày 23/4/1967 với nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường Trường Sơn.
Trải qua vài thập kỷ xây dựng, phát triển và trưởng thành, giờ đây Cienco 5 đã trở thành một doanh nghiệp có năng lực thi công những dự án khó và lớn trong ngành giao thông vận tải.
Bên cạnh đó, đây còn là một trong những Tổng công ty đầu tư và kinh doanh bất động sản nhiều kinh nghiệm với những dự án quy mô lớn. Sau khi cổ phần hoá, vốn điều lệ của Công ty hiện nay là 439 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.