Nỗi sợ lá gan "bị ốm": Lối sống không lành mạnh gia tăng nguy cơ gây viêm gan (kỳ II)

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 07/05/2022 06:00 AM (GMT+7)
Căn bệnh viêm gan cấp bí ẩn ở trẻ đang khiến nhiều người lo lắng. Các chuyên gia y tế cho biết, không nên chỉ lo cho trẻ em mà cả người lớn lá gan cũng có rất nhiều bệnh tật, nguyên nhân chính là do lối sống không lành mạnh.
Bình luận 0

Nhiều người bị viêm gan mà không biết 

 PGS.TS Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam - Nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong viêm gan có viêm gan virus cấp hoặc viêm gan cấp.

Tuy nhiên, nhiều người bị viêm gan âm ỉ mà không biết, chỉ đến khi viêm gan cấp tính, gây hủy hoại tế bào gan, men gan tăng gấp 5-10 lần và biểu hiện vàng da, vàng mắt có thể nhìn thấy bằng mắt thường mới biết và đi viện khám. 

Nỗi sợ lá gan "bị ốm: Lối sống không lành mạnh gia tăng nguy cơ gây viêm gan (kỳ II) - Ảnh 1.

Viêm gan có thể biểu hiện bằng đau tức hạ sườn phải nhưng nhiều người chủ quan, bỏ qua. Ảnh minh họa Istockphoto

"Nhưng cũng chỉ có 1/3 số trường hợp viêm gan cấp có biểu hiện vàng mắt, vàng da, do đó rất khó xác định bệnh nếu không thăm khám, xét nghiệm cụ thể. Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đặc biệt trường hợp bệnh nhân viêm gan cấp thì bệnh nhân mệt mỏi rất nhiều", PGS Ngọc cho biết.

Ngoài ra, bệnh nhân viêm gan còn có thể bị đau tức hạ sườn bên phải hoặc da nổi mụn nhọt, nặng hơn thì xuất huyết ngoài ra. Người bị viêm gan mãn tính hoặc xơ gan, dẫn đến gan không thực hiện chức năng của mình thì có thể bị phù, chướng bụng…

Theo PGS Ngọc, các biểu hiện viêm gan mãn tính thường kín đáo, nếu không xét nghiệm khó mà phát hiện được.

"Viêm gan được ví như "một kẻ giết người thầm lặng" bởi trước khi nó chuyển biến thành xơ gan, ung thư gan hầu như không có triệu chứng cảnh báo. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh này", PGS Ngọc chia sẻ.

Lối sống làm gia tăng nguy cơ gây ung thư gan

TS, bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Nhân dân 115) cũng nhận định, gan là người hùng thầm lặng, nhưng hầu hết chúng ta đang đối xử vô cùng tệ bạc với lá gan. Khi lá gan bị ốm, tổn thương nghiêm trọng thì sức khỏe cũng bị sa sút rất nhiều, vừa tốn tiền chạy chữa, vừa có nguy cơ tử vong cao.  

Nỗi sợ lá gan "bị ốm: Lối sống không lành mạnh gia tăng nguy cơ gây viêm gan (kỳ II) - Ảnh 2.

Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân lớn khiến lá gan ốm yếu, gây các bệnh về gan, viêm gan, xơ gan, ung thư gan, gan nhiễm mỡ... Ảnh minh họa Istockphoto

Theo TS Phượng, có rất nhiều lối sống không lành mạnh dẫn đến viêm gan. Cụ thể như uống quá nhiều rượu bia làm gia tăng nguy cơ viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Ở nước ta, viêm gan, xơ gan, ung thư gan do rượu đứng hàng đầu trong các bệnh về gan ở nước ta.

Nguyên nhân thứ 2 là viêm gan virus, đặc biệt là viêm gan virus B. Đáng lưu ý, viêm gan virus B lây qua đường từ mẹ sang con nhiều, do đó rất nhiều trẻ bị nhiễm ngay từ lúc sinh ra. Khi trẻ mắc virus viêm gan B lớn lên, gan dần dần sẽ bị tổn thương và có thể bị viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan.

Ngoài ra có một số bệnh gan khác không thể không nhắc đến là gan nhiễm mỡ, đặc biệt là gan nhiễm mỡ không do rượu hoặc do lối sống, làm việc, chế độ ăn, rối loạn về lipid, các bệnh lý rối loạn về chuyển hóa, đái tháo đường, béo phì, sử dụng thuốc….

"Theo thống kê của năm 2019, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về sử dụng bia rượu. Người Việt Nam sử dụng quá nhiều rượu bia, đặc biệt ở khu vực miền núi.

Phụ nữ 1 ngày có thể sử dụng 30 – 35 gram cồn thì gan không bị tổn thương. Nhưng chúng ta uống quá mức độ thì gan sẽ bị ảnh hưởng. Nam giới uống quá mức 60 – 65 gram cồn cũng gây tổn thương gan"

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc

Còn có nhiều nguyên nhân gây tổn thương gan như các tình trạng viêm gan do bệnh lý đường mật hay bệnh lý ở tim, những tình trạng viêm gan do thuốc (thuốc điều trị lao, lạm dụng thuốc gia truyền…).

PGS Ngọc cũng cung cấp: "Trước đó, khoảng 10 năm, số người bị virus viêm gan B mãn tính là khoảng 400 triệu người. Nhưng ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học, có vaccine nên hiện nay chỉ còn 285 triệu người trên thế giới mang virus viêm gan B.

Ngoài ra, virus viêm gan B còn có lây truyền qua đường máu như truyền máu, chạy thận nhân tạo, ghép nội tạng, xăm mắt, xăm môi…. Virus viêm gan B còn lây qua đường tình dục, giống như virus HIV.

Virus viêm gan B đã có vaccine phòng ngừa, tuy nhiên virus viêm gan C chưa có vaccine nên rất cần được chú ý. Các virus khác cũng có thể gây ra những tổn thương gan, như sốt xuất huyết (chiếm 70-80%), HIV, Covid-19….

PGS Ngọc cũng nhấn mạnh tình trạng dùng thuốc "vô tội vạ" ở người Việt có thể dẫn đến nguy cơ viêm gan. 

"Nhiều người dùng đơn thuốc thấy đỡ thì hàng xóm có triệu chứng tương tự cũng mượn đơn về dùng hoặc chỉ hỏi dùng thuốc gì hiệu quả là tự mua về dùng. Trong khi cơ thể mỗi người khác nhau, đáp ứng thuốc ở các độ tuổi cũng khác nhau. Có nhiều thuốc gây tổn thương gan, nhưng nhóm hay gây tổn thương nhất là nhóm paracetamol.

Khuyến cáo mỗi người đau đầu uống 1.000 mg (tương đương 2 viên paracetamol" nhưng có người đau đầu kéo dài lạ uống liên tục 6-7 viên, thậm chí 10 viên/ngày thì tế bào gan có thể bị hoại tử. Các thuốc điều trị lao cũng gây tổn thương gan,  hoặc các thuốc gây mê, thuốc trị nấm…. ", PGS Ngọc chia sẻ.

Nỗi sợ lá gan "bị ốm: Lối sống không lành mạnh gia tăng nguy cơ gây viêm gan (kỳ II) - Ảnh 4.

Hiện đã có vaccine ngừa virus viêm gan B và virus viêm gan A, người dân nên đi tiêm phòng để tăng khả năng bảo vệ lá gan của mình. Ảnh minh họa Istockphoto

TS Phượng khuyến cáo, để bảo vệ lá gan, chúng ta phải thay đổi nhiều lối sống không lành mạnh từ sớm. Cụ thể như ngưng sử dụng rượu bia; Sử dụng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ; Tiêm vaccine phòng virus viêm gan B. 

"Ngoài ra, người đã phát hiện lá gan của mình bị tổn thương thì càng cần bỏ các thói quen không tốt, tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ về gan mật; Người sử dụng thuốc có ảnh hưởng gan phải có những thuốc hỗ trợ giảm bớt nguy hại do thuốc gây ra; Người bị viêm gan cần sử dụng thuốc đặc trị cho virus.

Quá trình ăn uống, dinh dưỡng, ngủ nghỉ, luyện tập cũng cần được hài hòa, khoa học để lá gan không bị làm việc quá sức. Một số bệnh gan mạn tính không thể ngăn chặn được, nhưng có một số trường hợp có thể giúp bệnh viêm gan ngưng tiến triển bệnh, hay diễn tiến chậm hơn", TS Phượng nhận định. 

Nhiều virus gây viêm gan

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM chia sẻ: "Người ta phân nhóm bệnh lý viêm gan do siêu virus làm 2 nhóm: Đó là nhóm do "virus ái gan" gây ra và nhóm do "virus không ái gan gây ra".

Virus gây bệnh viêm gan cấp có nhiều loại nhưng "virus ái gan" người ta gọi theo thứ tự virus siêu vi A, B, C, D, E... Nhưng virus được đề cập nhiều và gây ra các trường hợp viêm gan cấp phổ biến vẫn là virus siêu vi B, A, C.

Theo bác sĩ Khanh, virus viêm gan siêu vi B, C lây qua đường máu, virus A, E lây qua đường ăn uống và 1 số virus khác lây qua đường hô hấp và tình cờ đi vào gan. Rất nhiều người bị mắc virus siêu vi B, A, C mà không tự biết, chỉ đến khi bị viêm gan cấp, đi khám và xét nghiệm mới phát hiện.

"Ngoài ra, viêm gan có thể do hóa chất, có thể do 1 số bệnh lý chuyển hóa gây suy gan cấp hoặc có thể do thuốc... Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm gan cấp nhưng khi người ta không tìm thấy nguyên nhân nào hết thì người ta nghĩ đến do siêu virus", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem