Nỗi sợ lá gan "bị ốm: Không quá hoang mang về bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em (kỳ I)
Nỗi sợ lá gan "bị ốm": Không quá hoang mang về bệnh viêm gan cấp bí ẩn ở trẻ em (kỳ I)
Diệu Linh
Thứ sáu, ngày 06/05/2022 06:21 AM (GMT+7)
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM đã có phân tích kỹ về bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em đang khiến hơn 200 trẻ ở hơn 20 quốc gia viêm gan cấp.
Tối 5/5, phân tích về các ca bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em trong thời gian gần đây, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, có nhiều nguyên nhân gây viêm gan cấp, nếu trình độ y học, xét nghiệm chưa cao thì nhiều khi không tìm được nguyên nhân.
Nếu các ca viêm gan bí ẩn này xuất hiện ở các nước nghèo thì điều kiện y học sẽ chỉ chấp nhận nó như một ca viêm gan cấp thông thường mà không biết chính xác nguyên nhân là gì.
Ngay cả tại Việt Nam, đối với 1 ca viêm gan cấp, hôn mê gan có cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm tìm ra virus siêu vi B, C hay A nhưng cũng có nơi không làm được là do virus siêu vi nào hoặc do dưới nền bệnh chuyển hóa không tìm ra được.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới WHO, số trường hợp viêm gan cấp tính bí ẩn ở trẻ em đã lên tới ít nhất 228 ca ở 20 quốc gia. Trong số đó, ghi nhận 4 trường hợp tử vong, 17 trường hợp đã cần phải ghép gan.
Các ca mắc chiếm đa số ở Anh, ngoài ra còn có Mỹ và nhiều nước Châu Âu. Ở Đông Nam A, Bộ Y tế Indonesia cũng vừa thông báo, 3 bệnh nhi ở nước này đã tử vong vì viêm gan cấp bí ẩn vào tháng 4.
Các ca viêm gan bí ẩn ở trẻ em lần này, xuất hiện đầu tiên ở các nước tiên tiến (Anh, Mỹ, Pháp, Ý...) nên họ mới có năng lực để xét nghiệm, giải trình tự gen để truy tìm nguyên nhân gây viêm gan cấp ở trẻ em.
Bác sĩ Khanh cho rằng, các ca viêm gan bí ẩn ở trẻ em có thể loại trừ nguyên nhân ngộ độc vì nó xảy ra ở nhiều nước, rải rác cho nên không thể do ngộ độc. Nghi ngờ lớn là do virus siêu vi.
Tuy nhiên, các nước đã xét nghiệm nhưng không tìm thấy các virus gây viêm gan thường gặp như virus siêu vi A, B, C, E ở bất cứ ca bệnh nào. Thay vào đó, các bác sĩ đã tìm thấy một loại Adenovirus, loại 41, chiếm khoảng một nửa tổng số ca viêm gan cấp ở trẻ trên toàn cầu.
Mối liên kết thực sự giữa Adenovirus với các ca viêm gan cấp tính nặng ở trẻ em hiện đang được điều tra thêm.
Không có bằng chứng Covid-19 liên quan đến viêm gan cấp bí ẩn ở trẻ
Theo bác sĩ Khanh, các ca viêm gan bí ẩn ở trẻ em xảy ra vào lúc đang có dịch Covid-19 nên có nhiều nghi ngờ đặt ra bệnh có liên quan đến Covid-19 hoặc vaccine Covid-19 vì trong thời gian qua chỉ có 2 vấn đề y tế nổi cộm nhất là Covid-19 và tiêm vaccine Covid-19.
"Do sự việc xảy ra trùng lặp với Covid-19 nên nhiều người thắc mắc có phải do Covid-19 làm tổn thương gan hay không hoặc nó tạo môi trường đặc biệt cho virus tấn công hay không?
Tuy nhiên, nếu viêm gan cấp do Covid-19 trong bối cảnh hàng trăm triệu người mắc trên toàn thế giới thì chắc chắn các ca viêm gan cấp bí ẩn sẽ rất nhiều chứ không chỉ rải rác vài nơi và chỉ với trẻ em.
Cũng có người đặt câu hỏi có phải do vaccine Covid-19 hay không? Tuy nhiên chưa có bằng chứng cho thấy có liên quan đến vaccine Covid-19", bác sĩ Khanh phân tích.
Về virus Adeno tìm thấy ở nhiều trẻ bị viêm gan cấp, bác sĩ Khanh cho biết: "Adenovirus xưa nay thường chỉ gặp ở trẻ sơ sinh và người suy giảm miễn dịch.
Lý luận khác được đặt ra là do thời gian dài trẻ không tiếp xúc với môi trường bên ngoài, chính vì vậy trẻ bị suy giảm miễn dịch nên bị Adenovirus tấn công vào gan. Tuy nhiên cái này chỉ là lý luận", bác sĩ Khanh nói.
Theo bác sĩ Khanh, Adenovirus là virus hô hấp, lây lan qua giọt bắn đường thở, qua tiếp xúc gần, và qua tiếp xúc với bề mặt đồ vật dính giọt bắn của người dương tính.
Adeno có thể gây viêm kết mạc, gây ho nhiều hoặc viêm phổi năng. Nhưng là virus hô hấp thường gặp.
"Nếu là viêm gan cấp do virus Adeno thì chúng ta "chạy trời không khỏi nắng" vì virus này lây lan nhanh, thậm chí còn hơn virus Delta gây dịch Covid-19 thời gian qua. Tuy nhiên, mọi người cũng không nên quá lo lắng, hoang mang vì với người có sức khỏe tốt thì bệnh chỉ giống cảm cúm sẽ tự hết.
Cảnh báo của WHO nêu rõ, không có mối liên hệ nào giữa những trường hợp này và việc tiêm chủng vaccine Covid-19 vì "đại đa số trẻ em bị viêm gan bí ẩn không được tiêm vaccine Covid-19".
Chỉ người có người suy giảm hệ miễn dịch mới có nguy cơ bị tấn công vào gan và gây viêm gan cấp. Ngay cả những đứa trẻ bị viêm gan cấp vừa qua cũng có nhiều trẻ tự khỏi, chỉ 1 tỷ lệ nhất định chuyển thành bệnh nặng", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Để phòng bệnh viêm gan ở trẻ em, bác sĩ Khanh khuyến cáo, cha mẹ khi chăm sóc trẻ, nhìn lòng bàn tay trẻ thấy vàng, kiểm tra toàn thân cũng thấy da bị vàng, tiểu sậm màu thì phải đưa con đi khám ngay.
"Đặc biệt người dân không uống thuốc lung tung. Vì nếu trẻ viêm gan mà cho uống Paracetamol là gan bị hư ngay, làm bệnh nặng thêm. Đưa trẻ đi khám để bác sĩ chẩn đoán và có phác đồ điều trị đúng.
Tóm lại, dù bệnh viêm gan cấp này có đến Việt Nam hay không thì nhiệm vụ của người dân là theo dõi sức khỏe, rửa tay thường xuyên, ăn uống sạch sẽ. Nhưng nếu có người bị vàng da, tiêu sậm màu cần đi khám ngay.
Đối với Adenovirus hiện chưa có vaccine phòng ngừa. Tại Việt Nam có thể xét nghiệm phát hiện Adenovirus. Việc điều trị viêm gan cấp cũng có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, bác sĩ Khanh khuyến cáo thêm, nếu trẻ sơ sinh bị vàng da có thể do vàng da sinh lý, sau 1-1,5 tháng sẽ hết. Nếu trẻ sơ sinh vàng da mà ăn uống tốt thì không phải lo lắng. Chỉ khi trẻ sơ sinh trẻ xuất hiện vàng da, bỏ bú, sốt cao, lúc đó mới cần đưa trẻ đi khám.
Theo đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay đơn vị này đã nắm được các số liệu liên quan bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ từ CDC Mỹ và WHO.
Theo giám sát, đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ. Cục Y tế dự phòng hiện đang triển khai chủ động theo dõi sát sao và có biện pháp đáp ứng nhanh khi có ca bệnh xâm nhập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.