Sự tuần tự các hoạt động thu hoạch thủ công trong điều kiện bất lợi sẽ gây hao hụt nhiều về số lượng và chất lượng gạo sau này. Một khó khăn nữa là giá nhân công ngày càng cao và thiếu lao động nên có khi lúa chín tới mà chưa có công cắt thì hao hụt càng tăng lên. Vì vậy, áp dụng kiểu thu hoạch phù hợp sẽ giúp giảm thất thoát và cho hiệu quả sản xuất cao.
Từ đó, nông dân cần chú ý khâu chọn giống với thời gian sinh trưởng và thời vụ gieo trồng phù hợp; canh tác đúng kỹ thuật, lúa không đổ ngã, thu hoạch đúng thời gian tránh mưa gió, ngập lụt; tháo cạn nước trong ruộng… Nếu có điều kiện nên thu hoạch bằng cơ giới và tốt nhất dùng máy gặt đập liên hợp (GĐLH) (hao hụt sẽ giảm còn trên dưới 1%).
Các loại máy gặt lúa xếp dãy hay máy gặt rải hàng tỷ lệ hao hụt chắc chắn ít hơn cắt bằng tay nhưng vẫn cao hơn máy GĐLH. Ưu điểm của máy GĐLH là: Giảm hao hụt, rút ngắn thời gian thu hoạch, không lo thiếu lao động cắt lúa, chi phí thường rẻ hơn thuê lao động thủ công.
Máy GĐLH hiện nay đã khắc phục đươc những yếu kém trước đây khi làm việc với nền đất lầy lụt ở ĐBSCL như: Di chuyển được trên đất ruộng còn mức nước nhất định, cắt không sót bông; cắt được cả lúa ngã và điều chỉnh độ cao gốc rạ tùy ý.
Hiện nay ở ĐBSCL lượng máy GĐLH chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu cắt lúa. Phần lớn diện tích còn lại bà con dùng máy tuốt lúa truyền thống nên tỷ lệ hao hụt còn cao và hạt lúa có thể bị gãy rạn bên trong làm giảm phẩm chất gạo. Máy GĐLH ngoại như Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn chiếm ưu thế về độ bền khi làm việc, nhất là máy Nhật Bản. Tuy nhiên giá quá cao nên nông dân chưa đáp ứng được.
Máy nội có xu hướng cải tiến dần. Giá cả phù hợp nhưng chưa khắc phục được tính đồng bộ giữa “vỏ và ruột”, thiếu phụ tùng thay thế, độ bền kém khi làm việc. Từ đó, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho công nghệ sau thu hoạch nói chung và sản xuất máy GĐLH nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả, giảm thất thoát lúa và khắc phục thiếu công lao động lúc vào vụ thu hoạch.
TS Nguyễn Công Thành
Vui lòng nhập nội dung bình luận.