Long An muốn khởi động lại dự án hồ chứa nước ngọt “khủng” 700 tỷ đồng để cứu 20.000 dân vùng hạn mặn

Trần Đáng Thứ năm, ngày 11/04/2024 15:23 PM (GMT+7)
Trước tình hình hạn mặn ngày càng cực đoan, khốc liệt, tỉnh Long An đang xem xét việc xây dựng hồ chứa nước ngọt ở xã Thạnh An thay thế Dự án hồ chứa nước ngọt cũ ở xã Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa) mà tỉnh đã từng lên kế hoạch với kinh phí 700 tỷ đồng, nhưng không thực hiện được.
Bình luận 0

Tại cuộc họp báo thông tin tình hình phát triển KT-XH quí I/2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quí II/2024 của UBND tỉnh Long An, ngày 10/4, bà Đinh Thị Phương Khanh- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, mới đây tỉnh đã cho khảo sát vị trí khu vực xây hồ nước ngọt mới nhằm chống hạn mặn.

Long An muốn khởi động lại dự án hồ chứa nước ngọt “khủng” 700 tỷ đồng để cứu 20.000 dân vùng hạn mặn- Ảnh 1.

Người dân vùng hạ Long An đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn mặn. Ảnh: T.Đ

Xây dựng hồ chứa nước ngọt "khủng" chống hạn mặn

Theo bà Khanh, trước tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước vào mùa khô, năm 2021, UBND tỉnh ký văn bản đề xuất xây dựng hồ chứa nước ngọt ở xã Thuận Bình (Thạnh Hóa). Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp các bộ, ngành xem xét đề xuất này của tỉnh Long An.

Tuy nhiên, do khu vực đề xuất xây dựng hồ chứa nước ngọt nằm trong khu vực rừng phòng hộ, nên không triển khai được.

"Giờ tỉnh làm phương án thay thế xây dựng hồ chứa nước ngọt. Hiện nay, tỉnh đang có hướng đề xuất một khu vực mới dời địa điểm xây dựng hồ chứa nước ngọt. Tuy nhiên, việc báo giá với công ty xây dựng gặp nhiều khó khăn", bà Khanh chia sẻ.

Bà Khanh cũng cho biết, việc tỉnh Long An xây dựng hồ chứa nước ngọt mới chỉ là ý tưởng, chưa có đề xuất cụ thể sẽ dời dự án xây dựng hồ nước ngọt cũ từ xã Thuận Bình về xã Thạnh An (huyện Thạnh Hóa).

Mấy năm trước, tỉnh Long An đã hoàn thành việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước ngọt tại xã Thuận Bình. Theo đó, dự án có tổng diện tích khoảng 140ha, gồm các hạng mục chính như hồ đôi chứa nước với tổng diện tích mặt nước hơn 106ha; đập tạo hồ có chiều dài gần 4.800m; 4 cống điều tiết nước kết hợp trạm bơm; hệ thống kênh dẫn nước có tổng chiều dài gần 12.500m; nhà quản lý và các hạng mục thứ yếu như cây xanh, lan can bảo vệ…

Ngoài ra, dự án còn kết hợp xây dựng các hạng mục phụ trợ gồm: xây dựng nhà máy nước; khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng… Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 718 tỷ đồng.

Dự án hồ chứa nước ngọt Thuận Bình được triển khai nhằm mục tiêu dự trữ, điều tiết nguồn nước ngọt trong mùa mưa lũ, cung cấp nước ngọt trong mùa khô cho vùng dự án nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh; chủ động ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ngày một nghiêm trọng.

Dự án này cùng với hệ thống thủy lợi có sẵn sẽ đảm bảo cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ cho hơn 1.500ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dân sinh; cung cấp nước cho công nghiệp và phòng chống cháy rừng phòng hộ tuyến biên giới với diện tích 3.300ha.

Long An muốn khởi động lại dự án hồ chứa nước ngọt “khủng” 700 tỷ đồng để cứu 20.000 dân vùng hạn mặn- Ảnh 4.

Điểm xanh trong bản đồ là nơi trước đây tỉnh Long An lên kế hoạch xây dựng Dự án hồ chứa nước ngọt Thuận Bình. Ảnh: T.Đ

Đồng thời, góp phần phát triển du lịch sinh thái, cải tạo cảnh quan khu vực; từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo kế hoạch, tỉnh Long An đã lập quy hoạch hồ chứa nước ngọt trên vùng Đồng Tháp Mười. Ngoài việc xây dựng hồ chứa nước ngọt tại xã Thuận Bình, tỉnh Long An còn xây dựng 3 hồ nước ngọt tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và TX.Kiến Tường.

Tăng cường đưa nước sinh hoạt về vùng hạn mặn

Hiện nay, qua thống kê của ngành nông nghiệp và cơ quan liên quan, tỉnh Long An có khoảng 5.000 hộ dân thiếu nước (hơn 20.000 người dân), tập trung tại các huyện vùng hạ, như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ.

Cụ thể, xã Long Cang, Long Định (huyện Cần Đước) có 380 hộ thiếu nước; Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Long Thạnh, Tân Thạnh, Phước Lại (huyện Cần Giuộc) có 4.618 hộ và huyện Tân Trụ có 15 hộ.

Theo bà Khanh, nguyên nhân thiếu sinh hoạt vào mùa khô hạn là do người dân các vùng hạ không có nguồn nước cấp tại chỗ, phải kéo nước từ nơi khác về. 

Trong mùa khô, nhu cầu sử dụng nước ở các nơi trong tỉnh tăng lên, nên các nhà máy nước ngọt trên địa bàn không đủ nước cấp cho người dân vùng hạ…

Long An muốn khởi động lại dự án hồ chứa nước ngọt “khủng” 700 tỷ đồng để cứu 20.000 dân vùng hạn mặn- Ảnh 6.

Tỉnh Long An đã đề ra nhiều biện pháp trước mắt, lâu dài với hy vọng giúp người dân vùng hạ giảm bớt những ảnh hưởng ngày càng gay gắt của hạn mặn. Ảnh: T.Đ.

Về giải pháp quyết việc thiếu nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn mặn, Sở NNPTNT tỉnh Long An đang phối hợp các địa phương tuyên truyền, khuyến cáo người dân phải có những thiết bị, dụng cụ trữ nước ngọt tạm thời; sử dụng nước tiết kiệm; đôn đốc các đơn vị cấp nước điều tiết nước, bố trí các xe chở nước đến cung cấp cho người dân, nâng cấp các tuyến ống cấp nước…

"Trước tình trạng hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt, Sở NNPTNT đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ 164 tỷ để đầu tư nạo vét các công trình, hệ thống phòng chống hạn mặn, trong đó có 34 đầu tư cho các công trình cấp nước nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân", bà Khanh cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An, về giải pháp lâu dài hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn mặn, Sở Xây dựng đang làm việc với Nhà máy cấp nước Bình Ảnh nhằm nâng công suất cấp nước sinh hoạt. "Theo quy hoạch nước đến năm 2030, Nhà máy cấp nước Bình Ảnh sẽ nâng công suất lên 120.000m3/ngày, đêm (tức gấp 2 lần hiện nay). Công ty sẽ tăng tốc triển khai tiến độ đầu tư", ông Hùng cho biết.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng cho biết đã làm việc với đơn vị cấp nước ở TP.HCM cho huyện Cần Giuộc; rà soát lại quy hoạch khu vực cấp nước…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem