Long An: Lão nông ròng rã 4 năm “nâng cấp” lễ hội làng thành di sản

Trần Đáng Thứ hai, ngày 04/03/2019 08:00 AM (GMT+7)
Mất mấy năm trời, ông Bảy Tài bỏ tiền túi ôm thủ tục chạy xin công nhận Lễ Kỳ Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chỉ mong “con cháu muôn đời nhớ đến công lao tiền nhân đi mở đất”.
Bình luận 0

Chúng tôi tìm về xã Tân Phước Tây (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) sau Đại lễ Kỳ Yên thường niên tưng bừng rộn rã để gặp lão nông Bảy Tài (Võ Hữu Tài) – người đã mất 4 năm bỏ tiền túi ôm thủ tục đề nghị công nhận Lễ Kỳ Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.  

Bỏ tiền túi lập công với… thần thánh

Sau Đại lễ Kỳ Yên tưng bừng cờ trống, đình Tân Phước Tây trở nên vắng lặng. Trên con đường quê, vợ chồng lão nông Bảy Tài hì hục đẩy chiếc xe chất đầy cỏ mới cắt về cho bò ăn.

img

Lão nông Bảy Tài cùng vợ đẩy xe cỏ về nuôi bò

Gác vội chiếc xe cỏ vào góc nhà, ông ngồi tiếp chúng tôi. “Việc đi xin công nhận Lễ Kỳ Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một câu chuyện dài, nhiêu khê”, lão nông Bảy Tài mở đầu câu chuyện.

Theo ông Bảy, năm 2000, ông quyết định phối hợp cùng Sở VHTT tỉnh Long An chuẩn bị thủ tục đề nghị Bộ VHTT công nhận Lễ Kỳ Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trước thời điểm này, công tác khảo cứu, quay phim Lễ Kỳ Yên ở đình Tân Phước Tây đã có một vài đơn vị thực hiện nhưng tài liệu không đầy đủ nên việc tham khảo, sử dụng rất hạn chế.

Dù địa phương đã bỏ công sưu tầm, củng cố thêm hồ sơ, nhưng khi hồ sơ gửi ra Bộ VHTT vẫn không được công nhận Lễ Kỳ Yên tại đình Tân Phước Tây là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Không nản lòng, năm 2010, lão nông Bảy Tài quyết định bỏ tiền túi lập công với… thần.

Ông tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục bằng cách thuê các đội hát đình về diễn các nghi tiết lễ Kỳ Yên rồi cho ghi hình.

Ông đến tham quan hàng chục ngôi đình làng ở các tỉnh miền Tây, miền Bắc, đồng thời tìm những người cao tuổi hỏi về việc cúng tế, thủ tục, giấy tờ về Lễ Kỳ Yên để củng cố hồ sơ.

Chưa bằng lòng, góp nhặt thu nhập từ trồng thanh long, nuôi bò thịt, ông lặn lội ra Hà Nội gặp cán bộ Bộ VHTT để tìm hiểu xem thủ tục cần hiệu chỉnh ra sao để Lễ Kỳ Yên ở Đình Tân Phước Tây được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

“Tui mất gần 2 tháng, tốn bộn tiền bạc ở Hà Nội chỉ để biết một điều là trong các nghi thức của lễ Kỳ Yên không được chen vào nghi thức siêu nhiên mà chỉ là các nghi thức thuộc về phần đời”, lão nông Bảy Tài thổ lộ.

img

Đình Tân Phước Tây ,nơi hằng năm diễn ra Đại lễ Kỳ Yên.

Chính ông Võ Trường Kỳ - nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Long An cũng nhìn nhận, dễ nhận ra yếu tố hiện thực, duy vật lấn dần các yếu tố tâm linh, siêu hình trong các nghi thức của lễ Kỳ Yên tại đình Tân Phước Tây.

Những năm tháng đeo bám tốn bao tiền của, công sức của lão nông Bảy Tài cuối cùng cũng được đền đáp. Năm 2014, Lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Với tôi và những người trong Ban Quý tế đình, không có niềm vui, hạnh phúc nào bằng khi Lễ Kỳ Yên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hàng năm được tham gia Đại lễ Kỳ Yên”, ông chia sẻ.

Lấy lễ trị nhân

Tín ngưỡng dân gian ở các làng quê Việt nói chung, đặc biệt là vùng quê miền Tây Nam bộ nói riêng, rất coi trọng phong tục thờ thần.

Sử sách ghi lại, mỗi vùng đất đều có một vị thần, thường gọi là Thành hoàng - người có công trong việc khai khẩn, gìn giữ vùng đất đó... 

img

Ban Quý tế dâng hương tại Đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây

Lễ Kỳ Yên đã trở thành một nét văn hóa tâm linh truyền thống độc đáo của người miền sông nước Cửu Long. Cho nên, đây là một hoạt động văn hoá đặc trưng là món ăn tinh thần không thể thiếu của làng quê nông thôn. 

Theo lão nông Bảy Tài, đình Tân Phước Tây được thành lập khoảng 200 năm nay. Trước năm 1852 (Tự Đức ngũ niên), đình đã được phong sắc thờ Thành hoàng bổn cảnh nhưng nay sắc này không còn. Đến năm 1852, đình tiếp tục được triều Nguyễn phong sắc thần. Sắc này được lưu giữ đến hôm nay.

Lý giải việc phải quyết tâm xin công nhận Lễ Kỳ Yên thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lão nông Bảy Tài cho rằng, ngoài việc dâng cúng thần, tưởng nhớ tổ tiên ông bà; cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà no ấm, xóm làng yên vui…, ông còn mong muốn dùng Lễ Kỳ Yên để “trị nhân”. “Tui mong muốn lấy lễ trị nhân”, ông bộc bạch.

Trong báo cáo “sưu tầm văn hóa phi vật thể về Đại lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây” của Sở VH-TT-DL tỉnh Long An cũng ghi nhận, tính giáo dục, hướng con người về các chuẩn đạo đức: chân, thiện, mỹ trong Lễ Kỳ Yên là rất rõ nét và tích cực.

Cụ thể, miếu Tiên sư trước đây chỉ đơn thuần cúng tổ nghề, nhưng đình đã chuyển tâm thức sùng bái, tôn kính vào thực tế bằng việc ghi tên trang trọng con em trong làng học giỏi, đổ đạt cao, dựng bảng đặt trong miếu Tiên sư để khuyến khích, đề cao việc học tập đem lại tiếng thơm cho địa phương.

img

Đại lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây

Báo cáo cũng đánh giá, việc Lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có công đóng góp rất lớn của Ban Qúy tế đình Tân Phước Tây và vai trò của ông Bảy Tài. “Việc công nhận thật sự có ý nghĩa, tác dụng to lớn đối với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mà tỉnh Long An và cả nước đã, đang đẩy mạnh thực hiện”, ông Kỳ cho biết.

Theo ông Đoàn Minh Ẩn – Trưởng ấp 3 (xã Tân Phước Tây), từ khi Lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, việc tổ chức lễ hằng năm rất long trọng. Việc này có công, sức rất lớn của ông Bảy Tài.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem