Long An: Nếm "mía đắng", nông dân bỏ sang trồng chanh, thanh long
Long An: Nếm "mía đắng" mãi chán quá, nông dân bỏ sang trồng chanh, thanh long mà khấm khá hẳn lên
Trần Đáng
Chủ nhật, ngày 23/05/2021 06:05 AM (GMT+7)
Cây mía từng là cây trồng chủ lực xóa đói, giảm nghèo ở nhiều địa phương ở Long An. Nhưng do nếm trải nhiều vụ “mía đắng”, nông dân đã xóa bỏ hàng loạt diện tích trồng mía để thay bằng cây khác như trồng chanh, thanh long, chuối... Rất nhiều hộ nông dân đã khấm khá.
Vài năm gần đây, nông dân ở huyện Bến Lức, vùng nguyên liệu mía lớn nhất của tỉnh Long An, đã bỏ trồng mía để chuyển sang trồng chanh, thanh long...
Đổ xô bỏ trồng mía
Bước đầu cho thấy, cây trồng mới trên đất mía đang phát huy hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Buôi (xã Thạnh Hòa), một hộ trồng gần 3ha mía cho biết, vì quá ngán ngẩm với cây mía, năm 2017, bà chuyển đổi sang trồng chanh.
Với 2,5ha chanh, mỗi năm bà thu lợi nhuận 150-180 triệu đồng.
"Hồi trước trồng mía, năm nào tôi cũng phải nợ tiền phân thuốc, tiền công. Giờ trồng chanh, tuy không làm giàu, nhưng cây chanh cho thu nhập đủ sống và trả được nợ nần", bà Buôi thổ lộ.
Thời hoàng kim, những năm 1998, 1999, huyện Bến Lức có 14.000ha mía. Nhưng khi 2 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đóng cửa, cây mía tắc đầu ra.
Nông dân trồng mía thua lỗ liên miên vì giá mía xuống thấp thê thảm. Nhiều diện tích mía khi thu hoạch phải đốt bỏ vì thương lái không mua.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Lức Lê Văn Nam cho biết, nông dân bỏ trồng mía chuyển sang nhiều loại cây trồng khác, như: Thanh long, thơm, mì, ổi, cây mai, lúa… Nhưng đem lại hiệu quả cao nhất vẫn là cây chanh.
"Diện tích trồng mía hiện nay trên địa bàn huyện chỉ còn 45ha. Bà con nông dân trồng để bán mía nước là chính (mía dùng làm nước giải khát)", ông Nam thổ lộ.
Trước đây, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) có hơn 1.000ha đất trồng mía. Nhưng sau thời giantriển khai dự án "Chuyển đổi cây mía kém hiệu quả sang thâm canh cây ăn trái", nhiều diện tích mía đã được thay thế bằng cây trồng khác.
Theo ông Tô Thanh Hiền (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), ông gắn bó với nghề trồng mía đã hơn 20 năm. Nhưng do trồng mía thua lỗ liên miên, năm 2019, ông liên kết với Công ty TNHH thương mại Hưng Thịnh Phát (TP.HCM) trồng 9ha chuối già Nam Mỹ.
"Bao năm bán mía cầm tiền chưa nóng tay thì đại lý phân bón, vận tải, nhân công đến đòi nợ. Vì vườn chuối đang thu hoạch, chưa cầm tiền bán chuối, nhưng tôi nhẩm tính chắc ăn hơn cây mía nhiều", ông Hiền bộc bạch.
Ông Hiền cho biết, còn khoảng tuần nữa vườn chuối thu hoạch xong. Ước tính, năng suất chuối già Nam Mỹ đạt 35 tấn/ha.
Theo Hội Nông dân xã Phước Khánh, tính đến cuối năm 2020, xã Phước Khánh đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang 13ha trồng chuối, 13ha dừa, 3ha mãng cầu, trồng mít Thái siêu sớm khoảng 5ha.
Các loại cây mãng cầu, mít, dừa đang trong giai đoạn sinh trưởng. Dự kiến sẽ cho thu hoạch vào cuối năm nay và các năm tới.
Riêng cây chuối đã cho thu hoạch, với năng suất trung bình 30-35 tấn/ha/vụ, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha/năm.
Tiếp sức nông dân hậu trồng mía
Theo Phòng NNPTNT huyện Bến Lức, để phát triển bền vững cho cây chanh được chuyển đổi từ đất trồng mía sang, hiện Bộ NNPTNT đã có quyết định hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho vùng chuyên trồng chanh Bến Lức và Đức Huệ. Tổng nguồn vốn cho dự án này của Bộ là 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Hà Lan cũng tài trợ cho Long An, trong đó riêng huyện Bến Lức khoảng 5 tỷ đồng, để phát triển nông nghiệp bền vững đối với cây chanh.
Về thủy lợi, ông Lê Văn Nam - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Lức cho rằng, tại huyện Bến Lức, nguồn nước trên các trục kênh chính, nhánh được đảm bảo cung cấp tưới cho các loại cây trồng, gồm từ khu vực kênh Biện Cung (xã Bình Đức) đến kênh Cần Xé (xã Thạnh Lợi).
Riêng các xã phía Nam còn bị ảnh hưởng nguồn nước nhiễm mặn từ sông Bến Lức qua hệ thống Rạch Cây Trôm -Thanh Hà -Mỹ Nhơn -Tân Bửu.
"Huyện đang tiếp tục đầu tư một số công trình thủy lợi, giao thông nội đồng. Tất cả các công trình này sẽ hoàn thành trong năm 2021", ông Nam cho biết.
Tại huyện Nhơn Trạch, việc đầu tư hạ tầng, thủy lợi cho nông dân trồng cây ăn trái thay cây mía còn nhiều khó khăn.
Theo đó, trước đây ở vùng trồng mía của huyện Nhơn Trạch thiếu giao thông nội đồng. Việc vận chuyển mía phải sử dụng ghe, thuyền thông qua hệ thống ngăn đê giữ nước của đập Ông Kèo. Quá trình vận chuyển mía mất nhiều thời gian, tốn nhiều công và chi phí. Nếu vận chuyển trái cây tươi như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến mẫu mã, chất lượng, thậm chí hư hao.
Ông Hiền chia sẻ, mía chặt xong có thể để vài ngày mới chở đi, nhưng trái cây thu xong mà rạch cạn nước, thuyền, ghe không vào chở được chỉ có nước đổ bỏ.
"Chính quyền phải đầu tư cầu, đường, điện để xây dựng vùng nguyên liệu trái cây, giúp nông dân trồng mía thay đổi cây trồng. Đây cũng là cách thu hút nhà đầu tư đến hợp tác lâu dài với nông dân", ông Hiền chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.