Nhưng đến nay, sau 1-2 năm “bắt chước làm theo”, hầu hết đều bị thua lỗ. Chán nản, người bán đất để trả nợ, người thì treo ao, người cố nuôi thứ khác để gỡ gạc, cũng có người cố san lấp lại như ban đầu để trồng lúa.
“Nhắm mắt” bắt chước
Cách đây khoảng một năm, thấy một số người trong xóm đào ao ương cá tra giống có lời, ông Đỗ Tường Liêm, ở xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh về nhà hối thúc vợ con gom hết vốn liếng tích cóp được trong bao năm để đào hơn 1,3ha đất ruộng làm mấy cái ao ương cá tra giống, với hy vọng là sẽ đổi đời so với cọc cạch làm lúa.
Một số hộ vẫn cố thả nuôi để cầu may gỡ vốn.
Cứ tưởng ngon ăn, nào ngờ, sau khoảng 40 ngày thả nuôi, cá tra giống trong ao bỗng dưng phơi bụng, chết hàng loạt. Phát hoảng, ông liền rải thuốc cấp tập xuống ao, nhưng cá vẫn chết, thậm chí chết nhiều hơn trước. Thế là 140 triệu đồng trôi sông trong vụ cá đầu tiên.
Nghĩ mình non kinh nghiệm nên bị thua lỗ, ông Liêm bèn bàn với vợ con đánh tiếp vụ 2 để mong gỡ vốn vụ trước. Nào ngờ nuôi lần thứ 2 cũng vậy, cá khoảng 40 ngày tuổi thì lăn đùng ra chết. Thế là thêm 160 triệu đồng tiếp tục “đội nón trôi sông”.
Tổng 2 vụ nuôi, ông lỗ 300 triệu đồng, đó là chưa tính chi phí hơn 120 triệu đồng để đào ao và mua dụng cụ thả nuôi. Cuối cùng, ông Liêm quyết định bán 2ha đất làm lúa khác, để lấy khoảng 800 triệu đồng trả nợ và cải tạo lại mấy cái ao. “Hiện, mấy cái ao cá tôi đã treo hơn 4 tháng nay vì không dám thả nuôi nữa. Bây giờ, ai có nhu cầu, tôi sẽ cho thuê, nếu không, tôi sẽ san lấp lại để trồng lúa”, ông Liêm cho biết.
Còn ông Phạm Văn Mây, cùng ở xã Bắc Hòa, cũng bị lỗ trên 300 triệu đồng sau 2 lần thả nuôi hơn 1,2ha. Theo ông Mây: “Làm lúa hoài mà không khá, thấy người ta đào ao nuôi cá có lời nên bắt chước làm theo. Ai dè, sau 2 vụ cá cũng “trớt he”, lời đâu không thấy, lại thấy cục nợ hơn 300 triệu đồng”.
Mấy cái ao này, hiện ông cho người khác thuê một nửa, phần còn lại ông cho san lấp để… làm lúa như lúc trước. Có điều để trả lại hiện trạng đất ruộng như ban đầu, ông phải tốn thêm gần 100 triệu đồng san lấp. Nhưng ông vẫn lo là “giờ không biết diện tích này có làm lúa lại được không, vì trước đây thuê máy đào rất sâu, nay san lấp lại cũng không bằng như lúc đầu”.
Năm 2018, bà Nguyễn Thị Tạo ở xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng quyết định lấy 1,5ha đất ruộng nhà để đào 3 cái ao nuôi cá. Vụ đầu, nhờ may mắn nên bà lời được gần 200 triệu đồng. Đầu năm 2019, bà đào thêm một cái ao rộng 5.000m2. Cứ tưởng ngon ăn như vụ đầu, nào ngờ, bà thả nuôi liên tiếp 3 vụ, bị lỗ hơn 200 triệu đồng.
Sợ bị lỗ nữa, bà Tạo ngừng nuôi, nhưng ngặt nỗi nếu muốn san lấp lại để làm lúa như ban đầu thì phải tốn thêm hàng trăm triệu đồng, trong khi bà đã cạn túi.
Tương tự, ông Lê Trường An, ở xã Hưng Điên B, huyện Tân Hưng, sau 2 năm thả nuôi 10 đợt trên diện tích 1ha, chỉ duy nhất vụ đầu lời khoảng 60 triệu đồng, các đợt khác đều lỗ. Nay không dám thả nuôi nữa, nhưng cũng không biết lấy tiền ở đâu ra để trả hơn 200 triệu đồng nợ ngân hàng. Mấy cái ao muốn san lấp lại để trồng cỏ nuôi bò, nhưng cũng không có tiền để san lấp, nên đành để ao hoang.
Khó quản lý
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Long An, người dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười đã tự đào đất ruộng để làm ao ương cá tra giống với diện tích trên 3.550ha. Tập trung nhiều nhất ở các huyện Tân Hưng (1.799,32ha), Tân Thạnh (1.338ha), Vĩnh Hưng (183,6ha), Mộc Hóa (86ha), Thạnh Hóa (84,3ha)… Để đào thành một ao nuôi khoảng 1ha, các hộ dân phải bỏ ra khoảng 100 triệu đồng.
Tính ra, tổng số tiền người dân bỏ ra để đào ao nuôi cá là không nhỏ. Nay ương nuôi không hiệu quả, nhiều người muốn san lấp lại để làm lúa hoặc trồng cỏ nuôi bò nhưng thật không phải dễ. Bởi nhiều hộ, ngoài đồng vốn tích cóp lâu nay bỏ ra đào ao, rồi thả nuôi bị lỗ lã, nay phải bỏ thêm tiền để lấp ao lại, thật quá sức đối với họ.
Nuôi tiếp thì sợ lỗ, bỏ ao, treo ao thì lãng phí, còn muốn san lấp lại, không phải hộ nào cũng có tiền để làm. Nhiều hộ “tiếc của” đành làm liều, thả nuôi tiếp. Có hộ nuôi ếch, nhái, lươn, cũng có hộ nuôi cá lóc, cá rô, thậm chí nuôi cá chốt để kiếm thu nhập sống qua ngày.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An Đinh Thị Phương Khanh, do diện tích phát triển quá nhanh, dẫn đến con giống không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu nên ngành nông nghiệp cũng đề nghị các địa phương quản lý việc thả nuôi, nhất là không để phát triển diện tích đào ao ồ ạt. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân không được nuôi tự phát, phải theo quy hoạch, theo chuỗi liên kết doanh nghiệp - hộ nông dân và phải có tư vấn kỹ thuật nuôi của các nhà khoa học.
“Bài học tự phát dẫn đến nuôi thua lỗ đã thấy trước mắt và một số hộ dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu lấp ao hoặc chuyển sang vật nuôi khác. Đây cũng là bài học cho việc phát triển quá nóng, không tuân theo sự khuyến cáo của cơ quan chuyên môn”, bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết. |
Đăng Nguyễn (Báo SGGP)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.