Long An phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Hoàng Chinh Thứ hai, ngày 30/09/2024 15:28 PM (GMT+7)
Tỉnh Long An đang hướng đến tiêu chí phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch. Đồng thời, tỉnh cũng hướng đến thúc đẩy thương mại điện tử, phát triển thương mại số, chuyển đổi số ngành Công thương.
Bình luận 0

Theo Sở Công thương tỉnh Long An, có 14 danh mục sản phẩm tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Long An, gồm: Gạo Nàng Thơm Chợ Đào; gạo huyết rồng Long An; nếp Long An; thanh long Long An; khóm Bến Lức; dưa hấu Long An; chanh không hạt Long An; đậu phộng Đức Hòa; chuối Fohla; ổi Đức Hòa; cốm ngò Cần Giuộc; mắm cá lia thia Đức Huệ; bánh tét Thủ Thừa; trống Bình An.

Phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch

Giám đốc Sở Công thương Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết, tình hình tiêu thụ sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của địa phương giai đoạn 2016 - 2024 đơn vị đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai các chính sách của Chính phủ, Bộ Công thương liên quan đến lĩnh vực ngành để thúc đẩy giao thương, tiêu thụ hàng hóa của tỉnh thông qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử.

Long An phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Công thương Huỳnh Văn Quang Hùng (phải) giới thiệu sản phẩm của Long An với khách tham quan tại Diễn đàn xuất khẩu 2024 với chủ đề "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa Quốc tế" năm 2024 tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: C.H

Cụ thể, theo ông Hùng, với lượng hàng hóa xuất khẩu, đơn vị đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Công thương, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại các nước, các địa phương biên giới thông tin tình hình thị trường, chính sách pháp luật của các nước để thông tin đến doanh nghiệp. Phối hợp đón nhiều đoàn DN, tổ chức nước ngoài đến khảo sát, tìm hiểu giao thương với DN, HTX trong tỉnh, như: Gabon, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc…

Phối hợp DN, người Việt Nam tại thị trường nước ngoài (Canada, Mỹ, Trung Quốc, UAE, Malaysia..) để tìm hiểu thị trường; kết nối tìm nguồn hàng cung ứng. Hỗ trợ DN, HTX gửi hàng tham gia quảng bá tại thị trường nước ngoài; tham gia hội chợ thương mại tại nước ngoài, như: Trung Quốc, Thái Lan… Phối hợp ITPC TP.HCM hỗ trợ DN Long An tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của TP.HCM. Kết nối tiêu thụ hàng hóa vào các kênh phân phối của các tỉnh, thành phố trong nước, nhất là TP.HCM thông qua chương trình kết nối cung cầu, bình ổn thị trường, các chương trình xúc tiến thương mại….

Cũng theo ông Hùng, từ năm 2016 đến tháng 3/2024, hoạt động xúc tiến thương mại đã hỗ trợ khoảng 1.145 lượt doanh nghiệp tham gia trực tiếp (trung bình 170 lượt/năm) và 2.763 lượt doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm (trung bình 325 lượt/năm) tại 190 sự kiện hội chợ, triển lãm, kết nối cung - cầu tại các tỉnh, thành trong và ngoài nước (trung bình 21 sự kiện/năm).

Đồng thời, từ 2021 đến nay, hỗ trợ khoảng 1.515 lượt doanh nghiệp (trung bình 430 lượt/năm) tham gia 60 sự kiện kết nối giao thương, tư vấn xuất khẩu theo hình thức trực tuyến trong và ngoài nước. "Hiện tỉnh Long An đã triển khai các điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh. Có 3 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, gồm: Bưu cục giao dịch trung tâm - Bưu điện thành phố Tân An, Mỹ Quỳnh Safari, Hộ kinh doanh cơ sở lạp xưởng Cô Châu", Giám đốc Sở Công thương Long An thông tin.

Thúc đẩy thương mại điện tử, chuyển đổi số ngành Công Thương tỉnh Long An

Theo lãnh đạo Sở Công thương Long An, đơn vị đã ban hành quyết định về việc kiện toàn ban quản trị phần mềm quản lý truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm đặc trưng tỉnh Long An; Quyết định Về việc thành lập Ban quản trị sàn thương mại điện tử tỉnh Long An (http://longantrade.com/). Tiếp tục phối hợp Trung tâm phát triển thương mại điện tử duy trì phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng của tỉnh Long An (https://truyxuatnguongoc.longan.gov.vn), triển khai cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị liên quan tham gia.

Long An phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số - Ảnh 2.

Gian hàng của tỉnh Long An được trưng bày giới thiệu tại Diễn đàn xuất khẩu 2024 với chủ đề "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa Quốc tế" năm 2024 tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: C.H

Lãnh đạo Sở Công thương Long An cho biết, đến nay có 23 doanh nghiệp đăng ký tham gia phần mềm truy xuất nguồn gốc (tăng 7 doanh nghiệp so với quý I năm 2024), xác nhận mã cho 47 sản phẩm, 3 lô sản xuất, số lần quét mã sản phẩm 3.373. Triển khai đến các doanh nghiệp, HTX, cơ sở kinh doanh đăng ký tham gia Sàn thương mại điện tử tỉnh Long An (http://longantrade.com/) kết nối với Sàn thương mại điện tử hợp nhất của Bộ Công thương (https://sanviet.vn/). Đến nay đã có 68 gian hàng tham gia Sàn với 265 sản phẩm (tăng 34 gian hàng và 136 sản phẩm so với quý I năm 2024). Số lượng giao dịch trên Sàn thương mại điện tử Postmart là 3.827 giao dịch.

Phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh (Viettel, VNPT…) triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh. Hiện có 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 279 cửa hàng tiện ích, 41 chợ trên địa bàn tỉnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt (bằng thẻ tín dụng, thẻ ATM, Mobile Money).

Giám đốc Sở Công thương Long An cũng thông tin thêm, đối với chỉ tiêu về tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử: Sở Công thương không có cơ sở tổng hợp chỉ tiêu này, đã đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ cung cấp thông tin theo Thông tư số 33/2022/TT-BCT ngày 20/12/2022 của Bộ Công thương, tuy nhiên đến nay, Sở Công thương chưa nhận được số liệu về thương nhân sử dụng hợp đồng điện tử từ Bộ Công thương.

Qua phối hợp Điện lực tỉnh Long An, tỷ lệ doanh nghiệp đã sử dụng hợp đồng điện tử đạt 57,1% (tổng số doanh nghiệp đã ký hợp đồng điện tử là 7.647 doanh nghiệp/13.400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem