Long An: Trồng thanh long ruột đỏ, bên ngoài tuy xấu xí nhưng chất lượng tuyệt ngon, chăm nhàn mà bán chạy như tôm tươi

Hồng Linh Thứ năm, ngày 15/10/2020 15:44 PM (GMT+7)
Sau thời gian dài gắn bó với cây thanh long ruột đỏ, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, ông Lê Văn Chín - Giám đốc HTX Thanh long Quê Mỹ Thạnh (xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), quay lại canh tác thanh long theo hướng thuận tự nhiên với mong muốn đưa trái thanh long sạch đến tay người tiêu dùng.
Bình luận 0

Trồng thanh long thuận tự nhiên

Tốt nghiệp ngành thủy sản nhưng lại bén duyên với cây trái miệt vườn, mấy chục năm qua ông Lê Văn Chín xem cây thanh long như một phần thứ yếu trong cuộc sống của mình.

Sau nhiều năm gắn bó với cây thanh long ruột đỏ, chứng kiến không ít hộ dân vươn lên vượt khó từ loại trái cây này, nhưng trong lòng ông Chín vừa mừng, vừa lo - "Liệu bao giờ thì dân mình mới có thể không còn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc?", "Có cách nào để nâng cao giá trị trái thanh long quê mình? Làm sao để bà con yên tâm thưởng thức hoa quả sạch ngọt lành mà đảm bảo an toàn cho sức khỏe?…

Khao khát đưa thanh long sạch đến người tiêu dùng - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Chín khát khao được đưa trái thanh long sạch đến với người dân trên cả nước. Ảnh: P.V

"Bản thân tôi khao khát được dùng trái cây sạch, nhất là loại trái do chính mình trồng ra. Tôi mong gia đình, người thân và người tiêu dùng luôn được thưởng thức những loại trái cây sạch".

Ông Lê Văn Chín - Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Quê Mỹ Thạnh

Từ nỗi trăn trở đó, ngày qua ngày, nông dân Lê Văn Chín ấp ủ ý định làm thanh long thuận tự nhiên - Một mô hình "cũ" nhưng "mới" mà ai mới nghe qua lần đầu cũng ngạc nhiên.

"Chỉ có cách là làm ngay từ bây giờ. Bởi không là bây giờ thì là bao giờ!" - ông Chín nghĩ như vậy và bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng "thanh long sạch". Trong vòng chưa đầy một năm được gia đình cũng như đông đảo bà con thành viên HTX ủng hộ, ông Chín bước đầu đạt được những thành công.

Tuy nhiên, theo ông Chín, để nâng cao hơn nữa giá trị và chất lượng "sạch" cho trái thanh long, nên áp dụng trồng truyền thống - tức thuận tự nhiên. Phương pháp này cắt giảm gần như tuyệt đối thuốc BVTV độc hại, chỉ dùng phân bón hóa học một lần lúc mới bắt đầu ra nụ. Toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây thanh long thuận tự nhiên chỉ áp dụng bón phân hữu cơ, phân vi sinh và cung cấp đủ nước cho cây. Cách này vừa đỡ tốn công chăm sóc, đồng thời giúp tiết kiệm phần nào chi phí phân, thuốc như bình thường.

Mô hình triển vọng

Theo ông Lê Văn Chín, "thuận tự nhiên" là kiểu mẫu nông nghiệp từ rất lâu đời, tuy nhiên, nếu thành công thì nó sẽ mang lại rất giá trị rất lớn. Giá trị ở đây không hẳn chỉ nằm ở chất lượng dinh dưỡng của loại quả mà hơn hết là ở giá trị an toàn cho sức khỏe của người dân.

"Sạch" ở đây nghĩa là bón phân, phun thuốc đúng và hợp lý. Do vậy, vỏ bên ngoài của trái thanh long có thể sẽ không bắt mắt nhưng chất lượng bên trong vẫn hoàn toàn đảm bảo. Vì lẽ đó, đầu ra của trái thanh long này sẽ khó khăn hơn khi đưa vào hệ thống các siêu thị hay đi xuất khẩu sang các thị trường khó tính được như: Mỹ, Hàng Quốc, Nhật Bản, kể cả thị trường Trung Quốc…

Tuy bên ngoài vỏ trái thanh long khá "xấu xí" nhưng chất lượng bên trong trái vẫn hoàn toàn bảo đảm. Vỏ trái thanh long thuận tự nhiên rất mỏng, gần như sát với phần thịt. Màu trái đỏ thẫm tự nhiên, đặc biệt rất giòn ngọt, không hề bị bở hay tơi xốp. Thông thường, hình dạng trái thanh long thuận tự nhiên khá mập mạp và tròn trịa, tai mềm có màu hồng cùng màu vỏ trái. Trái thanh long này tuy có hình dáng khá nhỏ nhưng cầm khá chắc tay, trọng lượng trái trung bình khoảng 600-700g. Bước đầu ông Chín áp dụng mô hình sản xuất thanh long thuận tự nhiên trên toàn bộ 3ha đất của mình, mới thu hoạch 1 vụ đầu tiên.

Mặc dù biết rằng trước mắt thanh long thuận tự nhiên rất nhọc nhằn trong việc vươn ra thị trường xuất khẩu nhưng ông Chín vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng mô hình này để chinh phục thị trường nội địa. Không đánh đổi giá trị lâu dài để lấy các giá trị trước mắt, ông Chín chấp nhận mọi trường hợp rủi ro và để bắt đầu lại từ đầu với tâm nguyện mang đến cho người dân nước mình những thứ quả sạch, ngọt lành, bảo đảm an toàn cho sức khỏe.

Ông Chín tâm huyết rằng, khi bản thân và các thành viên HTX Thanh long Quê Mỹ Thạnh phát triển thành công mô hình Thanh long thuận tự nhiên và trở thành một vùng nguyên liệu lớn, ông sẽ tự mình rong ruổi trên khắp mọi miền đất nước. Bằng mọi cách, ông phải đưa được trái thanh long "sạch" đến tay người dân mình.

Hiện nay, hầu hết nhà vườn tại huyện Châu Thành, Tân Trụ áp dụng quy trình trồng và chăm sóc thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem