Áo long bào qua từng triều đại lịch sử Trung Quốc
Thời phong kiến, hoàng đế là người có thân phận tôn quý và quyền lực cao nhất trong xã hội. Hình ảnh các vị hoàng đế mặc long bào xuất hiện khá thường xuyên trên những bộ phim cổ trang Trung Quốc. Long bào là trang phục đặc biệt dành riêng cho hoàng đế, thể hiện quyền uy của hoàng gia. Theo lễ chế, hoàng đế phải mặc long bào khi thượng triều và tham gia đại điển (lễ lớn long trọng).
Hình ảnh hoàng đế mặc long bào xuất hiện trong nhiều bộ phim cổ trang Trung Quốc.
Hầu hết các bộ phim điện ảnh và truyền hình cổ trang Trung Quốc đã phục dựng trang phục của hoàng đế qua các triều đại tương ứng. Từ thời đại nhà Hạ, Thương, Chu đến nhà Thanh, mỗi một triều đại đều lựa chọn một loại màu sắc làm long bào. Mục đích của việc làm này là để phân biệt hoàng tộc với các giai tầng khác trong xã hội. Đồng thời, nó cũng thể hiện ra sự cao quý của hoàng tộc và hoàng quyền là “chí cao vô thượng” (không gì cao quý hơn).
Dựa theo thuyết Ngũ hành, Thủy” trong Ngũ hành là màu đen, cho nên Tần Thuỷ Hoàng mặc bào phục màu đen. Thậm chí khi ấy, màu đen chiếm vị trí thống soái, cả sông Hoàng Hà cũng được gọi là Hắc Thủy. Sau khi nhà Hán tiêu diệt nhà Tần, ban đầu nhà Hán vẫn tuân theo chế độ cũ của nhà Tần lấy màu đen là màu sắc của triều đình.
Khán giả có thể dễ dàng nhận thấy trong các bộ phim về Tần Thủy Hoàng, vị vua này đều mặc trang phục màu đen. Trong đó, bộ phim "Đại Đế Tần Thủy Hoàng" kể về Tần Vương Doanh Chính, kéo dài trong 40 năm từ lúc sinh ra đến khi thống nhất 6 nước. Xuyên suốt bộ phim, nam diễn viên Trương Phong Nghị đóng vai Tần Thủy Hoàng luôn mặc chiếc áo long bào màu đen. Nam diễn viên đảm nhận vai Tần Thủy Hoàng suốt từ thời thanh niên đến lúc về già. Trương Phong Nhị đã thể hiện đầy đủ mọi hỉ nộ ái lạc của ông vua nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Vua Tần Thủy Hoàng mặc áo long bào màu đen trong phim "Đại Đế Tần Thủy Hoàng".
Về sau, nhà Hán cho rằng mình tiêu diệt được nhà Tần mà nhà Tần chuộng thủy đức, “thổ” khắc “thủy” nên nhà Hán chuộng “thổ” đức. Bởi vì thổ ứng với màu vàng trong ngũ hành nên nhà Hán chuyển sang dùng màu vàng làm màu sắc hoàng tộc. Thời nhà Tấn, do bởi chuộng “kim” đức, cho màu đỏ là tôn quý, cho nên, bào phục của Hoàng đế đời Tấn dùng màu đỏ.
Đến thời Tuỳ Đường, “hoàng bào” mới trở thành y phục chuyên dụng của hoàng đế. Từ đó, các triều đại sau này không chỉ “hoàng bào” mà ngay cả màu vàng cũng trở thành màu chuyên dụng của vua chúa.
Hoàng bào của vua Càn Long (Nhiếp Viễn) trong "Diện Hy Công Lược" được thêu tỉ mỉ và kỹ lưỡng.
Trong phim "Diên Hy Công Lược", trang phục của hoàng đế cũng được đầu tư kỹ lưỡng. Theo người tổng phụ trách về trang phục trong phim chia sẻ, cô cùng ê-kíp gồm 8 thợ thêu thủ công kỳ cựu đã thực hiện phần thêu rồng trên áo long bào của vua Càn Long. Hoạ tiết rồng được thực hiện bằng phương pháp “đả tử thêu” (kỹ thuật thêu nổi của Trung Quốc) nhằm tôn lên lớp vảy rồng sắc nét.
Bên cạnh đó, những viên ngọc đính trên áo vua Càn Long là kỹ thuật đặc biệt trong kinh thêu Trung Hoa, được gọi là “thêu tập châu”, nhằm mang lại cho bộ long bào vẻ uy quyền nhất. Người thợ thêu khi muốn kết ngọc vào phần hoa văn phải xỏ từng hạt ngọc theo thứ tự đã định hình vào một sợi chỉ rồi cố định lại. Sau đó, người thợ sẽ lần theo từng đường may, phạm vi thêu để đơm ngọc lên hoạ tiết. Do vậy, tất cả phục trang, phục sức của bộ phim đều được giới chuyên môn đánh giá cao vì bám sát lịch sử.
Tại sao long bào không bao giờ được giặt?
Long bào được thêu từ những loại tơ cao cấp nhất, chỉ thêu bằng sợi vàng thật, công phu vô cùng tinh xảo. (Ảnh minh họa)
Long bào là tấm áo "độc quyền" của vua. Trên long bào luôn có hình rồng - linh vật tượng trưng cho sức mạnh thiên tử. Dân thường đương nhiên không được phép thêu hình rồng và phượng hoàng lên áo vì chúng đều là biểu tượng độc quyền của hoàng cung.
Thông thường, quần áo mặc lâu không giặt sẽ có mùi hôi và mang lại cảm giác không sạch sẽ. Kỳ lạ ở chỗ, áo bào của hoàng đế cổ đại bị cấm giặt bằng nước. Bởi vì việc chế tác một chiếc áo long bào vô cùng phức tạp. Để làm ra một chiếc áo long bào cũng phải mất ít nhất vài năm. Tất cả trang phục từ vua chúa đến phi tần đều dùng phương pháp thêu, dệt. Long bào của hoàng đế luôn được dùng loại tơ tốt nhất để dệt. Tương truyền rằng, y phục của hoàng đế và hoàng hậu còn được dùng chỉ thêu bằng vàng thật, nhuộm với một lượng vàng nhất định để tỏa sáng lộng lẫy.
Long bào được chế tác kỳ công trong vòng 1 năm mới hoàn thành.
Điểm trừ ở phương pháp thêu này là loại tơ tằm cũng như loại chỉ thêu bằng sợi vàng dệt một khi động vào nước sẽ bị rửa trôi và mất đi hoàn toàn độ bóng. Vì vậy, áo long bào sẽ không bao giờ được phép giặt bằng nước.
Thay vào đó, long bào được định kỳ dùng cồn để lau hoặc dùng hương liệu để xông, tránh được hư hỏng và giữ cho áo luôn được sạch sẽ. Kỹ thuật này cũng tương tự như việc giặt khô lễ phục ngày nay. Đây là phương pháp đơn giản nhất để khử mùi cho long bào. Tuy nhiên, không phải lúc nào hoàng đế cũng thích mặc y phục có dầu thơm. Vì vậy, khi thấy một chiếc long bào "hơi cũ", họ sẽ trực tiếp bỏ đi.
Hoàng đế mặc long bào chủ yếu vào lúc thiết triều hoặc dịp nghi lễ trọng đại. (Ảnh minh họa)
Thông thường, để hoàn thiện một chiếc long bào cần khoảng một năm. Trong cung, thường có hơn 2000 nô tỳ không phải làm gì khác ngoài việc quanh năm dệt long bào cho hoàng đế. Vì vậy, số lượng long bào của hoàng đế rất lớn, nhiều đến mức mặc xong bỏ đi ngay chứ không tái sử dụng. Về cơ bản, long bào không bị bẩn bởi hoàng đế chỉ mặc long bào vào lúc thiết triều hoặc vào những dịp đặc biệt. Những ngày bình thường, họ sẽ mặc thường phục. Việc cất giữ long bào và thay áo cho vua đều do những người chuyên môn đảm nhiệm nên cũng sẽ tránh được việc bảo quản không cẩn thận mà gây tổn hại hay cũ rách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.