Long đong trồng đủ thứ cây, cuối cùng ông nông dân tỉnh Hòa Bình 'nên duyên' với thanh long

Xuân Tuấn Thứ sáu, ngày 13/10/2023 14:07 PM (GMT+7)
Trước mắt chúng tôi, hiện lên giữa bốn bề mây núi là vườn thanh long xanh mướt đang bung hoa trắng. Người góp công gây dựng khu vườn đẹp như phim này là một nông dân xứ Mường.
Bình luận 0

Suốt mấy chục năm gắn bó với nghiệp khai khẩn đất hoang, ông Nguyễn Văn Châu (SN 1954, ở xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), đã tạo dựng cho mình được cơ nghiệp vững chãi.

Vườn thanh long đẹp như miền cổ tích

Hiện lên giữa bốn bề mây núi là từng trụ thanh long xanh mướt vươn mình trong nắng chiều. Giống cây vừa nuôi quả vừa ra hoa và cho thu hoạch gần như quanh năm này - qua đôi bàn tay của ông Châu sinh trưởng thật mạnh mẽ. Giữa những hàng thanh long là từng đám ong, bướm bay dập dìu. 

Khi chúng tôi đang mải mê chụp hình thì ông Châu - người đã kỳ công tạo dựng khu vườn đẹp như cổ tích ở đất Mường - trở về. Chưa kịp mời khách vào nhà, ông đưa tay hái mấy quả thanh long chín ở trên cây xuống mời khách. "Ngắm vườn đẹp rồi, giờ phải thưởng thức sản phẩm của vườn mới trọn vẹn" - ông Châu bóc quả thanh long có màu đỏ thẫm, óng ánh lớp nước mỏng đưa mời khách.

Long đong trồng đủ thứ cây, “nên duyên” với thanh long - Ảnh 1.

Ông Châu đã thành công khi trồng giống thanh long ruột đỏ ở đất Mường. Ảnh: X.T

Trên trồng thanh long, dưới tán cây, hàng năm ông Châu còn thả bí, trồng rau sạch. Theo lời ông Châu, mỗi năm thu được cả mấy tấn bí đỏ. Cũng trên một thửa đất, nhờ sự chịu thương, chịu khó, ông Châu đã khai thác tối đa tiềm năng của khu vườn. Sau mỗi năm, sản lượng thanh long, sản lượng bí được nâng lên, vợ chồng ông có thêm của ăn, của để.

Theo lời giới thiệu của ông Châu, giống cây này gần như cho ra quả quanh năm. Cây thanh long dễ chăm sóc và phát triển mạnh, kháng sâu bệnh, nên ông gần như không dùng đến thuốc. 

 "Chúng phàm ăn và rễ ăn ở tầng nổi, nên mình phải bón nhiều phân chuồng. Một năm bón 3 lần là đủ cung cấp dưỡng chất cho cây" - ông Châu nói về vườn thanh long mà quên mất cả việc khách đang gọi điện để giao hàng.

Hành trình khai khẩn đất hoang

Đưa đôi mắt tràn đầy nghị lực về phía dãy núi đá chạy dài tới tận lòng hồ thủy điện Hòa Bình, ông Châu chia sẻ hồi ức về miền đất Mường xinh đẹp khi xưa. Ngày trước, gia đình ông ở xã Hiền Lương – nơi có những khu vườn xanh mướt, ruộng trên, ruộng dưới tốt tươi bên dòng sông Đà. Bao đời gia đình ông khai khẩn đất hoang đã tạo dựng cơ ngơi vững chắc. 

Thực hiện chương trình di dân của thủy điện Hòa Bình, gia đình ông Châu cũng như cả nghìn hộ gia đình khác sống yên ổn bên bờ sông Đà phải di chuyển đi nơi khác. "Nói thực, chẳng ai muốn xa rời vùng đất mà cha ông đã bao đời khai phá, tạo dựng nhưng vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, bản làng bảo nhau tự nguyện di dời" - ông Châu nhớ lại.

Đến vùng đất mới vào đầu những năm 1990, gia đình ông thiếu thốn đủ thứ. Bà con sống ven suối, ven sông quen rồi, giờ lại phải khai phá rừng hoang để trồng ngô, trồng lúa. Cái đói, cái nghèo bám riết lấy gia đình như chẳng dứt ra được. 

Vốn là người luôn mạnh dạn đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng nên ông Châu chịu khó tìm hiểu cách làm kinh tế ở các địa phương khác. Đầu năm 2000, ông đưa cây hồng 10, hồng 8 cho năng suất cao và bán được giá về trồng. Mấy năm đầu cây phát triển tốt, nhưng dần dần chúng bị sâu bệnh phá hoại. 

"Giống hồng này khi chín ăn rất ngon, nhưng việc vận chuyển chúng khi ấy vô cùng khó vì dễ dập nát. Cái khó bó cái khôn suốt mấy năm làm hồng lại khiến tôi mang thêm một khoản nợ không nhỏ" - ông Châu bùi ngùi nhớ lại.

Long đong trồng đủ thứ cây, “nên duyên” với thanh long - Ảnh 3.

Quả thanh long ngọt, ngon và đẹp mắt đang mang lại niềm vui và lợi ích kinh tế cho ông Châu. Ảnh: X.T

Giấc mơ biến vùng cao thành vựa hồng như mong mỏi của các lãnh đạo huyện khi đưa cây hồng về trồng không thành hiện thực, ông Châu phá hồng và đưa cây nhãn, rồi cây cam, bưởi vào trồng. Cây nhãn, cây có múi phát triển tốt, nhưng sản phẩm làm ra bán rẻ như bèo vì đường xa, khó tiêu thụ. Ông lại ngậm ngùi phá bỏ để trồng cây mới. Chẳng thế mà mỗi lần cưa nhãn, cưa bưởi, ông Châu phải đi nơi khác, không dám ở nhà vì nhìn thấy vườn cây bao năm gây dựng, nay đưa cưa vào cắt cụt gốc, ông không đành lòng…

Mỗi lần đưa giống mới vào là một lần người nông dân nhận thêm sự đắng đót. Hành trình mấy chục năm trồng chặt đó không khiến ông Châu nhụt chí. "Tôi hoang mang thực sự, khó khăn, thiếu thốn, chịu thương, chịu khó, tôi không từ. Vậy mà ông trời như trêu ngươi người nông dân" - ông Châu nhớ lại.

Suốt mấy chục năm lăn lộn với cây, với đất mà hành trình trồng - chặt đó kéo dài tới "mấy tập" khiến ông Châu càng nung nấu, phải tìm ra thứ cây phù hợp. Đất đai chưa bao giờ phụ công người. Cách đây 5 năm, ông Châu cất công về tận Thái Bình mua 2.000 gốc thanh long ruột đỏ. Chuyến mua giống đó đã ngốn mất của ông… 1 con trâu mộng. Biết ông lại đưa giống mới về trồng, bà con lối xóm ai cũng lắc đầu ái ngại. Họ mong rằng lần này ông sẽ không phải rơi vào tình trạng chăm cây nhưng đến lúc thu hoạch phải phá đi.

Bản thân ông Châu lại có niềm tin mãnh liệt là cây thanh long sẽ mang lại lợi nhuận cho người trồng. Suốt mấy tháng trời ông đổ mô hôi sôi nước mắt chôn cọc bê tông rồi cần mẫn ươm từng mầm thanh long trên đất núi. Cây thanh long dễ trồng và sinh trưởng mạnh, qua đôi bàn tay chăm sóc của ông Châu, chúng lớn nhanh như thổi. 

Chưa đầy 1 năm, chúng đã ra quả. Nhìn chúng đơm hoa, kết trái, ông mong từng ngày từng đêm để quả chín, ông sẽ biết được "quả tất tay" này liệu có thành công hay không. Cũng vào cữ mùa thu gió hiu hiu như năm nay, ông run run khi hái lứa thanh long đầu tiên chín. 

"Quả thanh long chín có màu đỏ ối. Đưa miếng thanh long mềm mịn lại ngọt như đường vào miệng mà tôi vui đến phát khóc vì mình cũng trồng thành công"- ông Châu xúc động nhớ lại.

Đất không phụ công người

Có sản phẩm chất lượng, nhưng vấn đề là làm sao ông bán được thanh long ở thị trấn miền núi heo hắt này. Trái với sự lo lắng của ông, biết tin ông trồng thành công cây thanh long ruột đỏ, nhiều cán bộ, giáo viên đến tận vườn mua. Sản phẩm khi đó còn ít, nên ông làm ra bao nhiêu bán được hết. Mùa nối mùa trôi qua, ông chăm sóc vườn cây của mình với cả tâm huyết. Ông luôn xác định cuộc đời mình là phụng sự cho cây trồng, nên dù khó khăn, gian khổ bao nhiêu, ông cũng vượt qua được hết.

Ông Châu kể, thích nhất là đi thăm vườn thanh long về đêm. Hoa của nó chỉ nở trong đêm, tỏa hương dìu dịu thơm mát. Từng bông hoa trắng muốt cứ mở dần trong đêm sương xứ Mường khiến ông mê đắm. Nó là động lực để động viên ông vượt qua tháng ngày gian khó.

Đến giờ, sau gần 5 năm trồng thanh long, ông đã thuộc nằm lòng đặc tính của thứ cây họ nhà xương rồng này. Đến giờ hơn 500 trụ thanh long đã bắt đầu cho thu hoạch đều đặn. Thương lái biết tiếng đến tận vườn thu mua. Bà con sống ở quanh thị trấn Đà Bắc đều là khách hàng thân thuộc của ông. Ngày nào ông cũng dùng xe máy đi giao hàng cho khách. 

"Nó là niềm vui của người nông dân anh à. Tôi đã trải qua trồng biết bao loại cây ăn quả, giờ chỉ có cây thanh long là mang lại niềm vui cho tôi. Cái hay là chúng ra quả rải vụ, nên sản lượng không bị dồn ứ. Tôi có thể chủ động việc bán hàng, nhờ vậy mà mình không bị ép giá" - ông Châu vui mừng thông báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem