Tên ông là Thang Văn Điền.
Vừa dạy chữ, vừa dạy làm ăn
Bước vào lớp học, sau mấy câu chào hỏi chớp nhoáng, ông vào ngay vấn đề: “Hôm nay, chúng ta học gì nào?” “Học nuôi heo ạ!”. Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì ông Điền đã bày xong bảng: “Ai viết được cho bác Điền chữ “cách nuôi heo”?”... “Viết đúng rồi! Chúng ta đọc lại nào… Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu cách nuôi heo làm sao cho hiệu quả nhé”.
|
Ông Điền (đeo kính) cùng học sinh của mình. |
Chẳng cần giáo án, ông Điền bắt đầu hướng dẫn cách chọn giống, làm chuồng, chăm sóc heo cho cả lớp … Đang thao thao, bất chợt ông hỏi: “Nhà Mị có có 7 con heo. Mị bán 3 con, làm thịt một con. Hỏi Mị còn mấy con heo?”. Sau vài phút im lặng, Dương Văn Sinh phát biểu: “Dạ còn 3 con ạ”.
Dương Văn Thành cãi lại: “Một con thôi”. Ông Điền vặn: “Sao lại một?”. “Tôi mới thấy lúc chiều, trong chuồng nhà nó chỉ có một con?”- Câu nói… chẳng ăn nhập vào đâu của Thành làm cho cả lớp được một trận cười .
Lớp học của ông Điền cứ thế tiếp diễn suốt 2 giờ liền trong không khí thân tình, vui vẻ. Học trò của ông được học tất cả những vấn đề liên quan đến heo. Từ làm toán, viết văn đến cả việc đánh vần các chữ liên quan đến… heo. Ông Điền cho biết lớp của ông học theo… thời vụ. “Học sinh” đến lớp không chỉ học chữ mà quan trọng hơn là học cách làm ăn. Cứ chuẩn bị trồng gì, nuôi gì là họ đòi học về thứ ấy.
“Trường” của ông Thang Văn Điền nằm lưng lửng giữa núi Nam Nung. Ban đầu lớp được bố trí ở hội trường thôn. Tiện cho ông Điền mà vất vả cho bà con, nên lớp học ngày càng vắng. Thấy vậy ông Điền quyết định mượn nhà của Dương Văn Lành làm nơi dạy học. Tuy bừa bộn, chật chội nhưng lại rất thuận tiện cho bà con, chỉ cần đi vài bước chân là họ đã đến được lớp.
Người thầy bất đắc dĩ
Việc ông Điền trở thành thầy giáo là việc bất đắc dĩ. Mấy năm trước, có một nhóm đồng bào Mông vào chỗ ông Điền định cư. Ngoài hai bàn tay, họ không có thêm gì, kể cả cái chữ. Không biết tiếng Kinh nên đến đây họ gần như bị cô lập. Năm 2010, được sự hỗ trợ của tổ chức AtionAid (một tổ chức phi lợi nhuận Quốc tế), lớp học của ông Điền hình thành. Dù chỉ với 600.000 đồng AtionAid hỗ trợ mỗi tháng, nhưng ông Điền vẫn sẵn lòng.
Hồi mới chuyển lớp về nhà Dương Văn Lành, ông Điền phải dạy dưới ánh đèn dầu. Mãi sau này, ông mới xin kéo được điện về cho bà con. Để nhà anh Lành không phải chịu thiệt, mỗi tháng, ông Điền trích 50.000 từ số tiền ít ỏi mà dự án cấp trả tiền điện cho lớp học… Hơn một năm qua, cứ đúng 19 giờ các ngày thứ hai, tư, sáu hàng tuần, ông Điền đều đều đến lớp bất kể nắng hay mưa. 60 tuổi, còn phải gánh nhiều việc cho xã nữa nhưng ông Điền không chút nề hà ...
Trong danh sách chính thức, lớp học của ông Điền chỉ có 17 người. Nhưng có khi “học sinh” đến lớp lên đến vài chục người.
Điều khiến mọi người thích thú nhất là học được cách làm ăn hiệu quả. Dương Văn Sinh- một học sinh xuất sắc của ông Điền tâm sự: “Bà con đến đây phần nhiều là để học cách làm ăn. Hồi chưa đi học, cái đầu mình tối lắm. Trước đây, mình chỉ biết sản xuất, chăn nuôi theo kinh nghiệm, được thì ăn, trật đành chịu. Nhưng giờ có bác Điền, cái gì cũng đạt. Dân mình sắp giàu rồi!”.
Từ Quảng Nam vào Đăk Nông lập nghiệp, ông Điền không có nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm làm ăn. Nhưng trở thành thầy, ông buộc phải tự học và trở thành người hiểu biết nhất thôn. “Tui dạy cho bà con vì thương họ quá nghèo nàn lạc hậu. Già rồi, làm được cái gì đó cho bà con thì làm thôi. Nói thật ban đầu tôi cũng thấy nản vì bà con không nhiệt tình. Nhưng nếu mình không làm thì cũng chẳng có ai làm. Mang tiếng phó thôn, cán bộ Hội Nông dân mà chẳng giúp gì được cho dân thì coi sao được”- ông Điền trải lòng.
Duy Hậu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.