Minh Tâm - Kỳ Duyên
Thứ năm, ngày 23/11/2023 07:00 AM (GMT+7)
Sau khi tan ca khoảng 22 giờ 30, Nguyễn Phương Vy (quận Gò Vấp) ghé cửa hàng văn phòng phẩm mua sách, bút và chạy về nhà sửa soạn. Đúng 23 giờ, Vy có mặt ở quán cà phê trên đường Hồ Tùng Mậu (quận 1) chờ hai học trò nhí vào lớp.
Một lát sau, một cậu bé mặc bộ đồ hóa trang hình con gấu nặng trịch, đi cùng là một cậu bé vóc dáng gầy gò, lủi thủi đến ngồi vào bàn. Không bảng đen, phấn trắng, lớp học cứ thế bắt đầu.
Hai cậu bé bán kẹo mút và buổi tối ngủ quên
Học trò của Vy là hai cậu bé bán kẹo mút tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tháng trước, Vy đến quán cà phê này để chạy deadline xuyên đêm. Vì kiệt sức, thế nên, cô bạn vô tình ngủ quên lúc nào không hay. Máy ảnh, laptop và điện thoại vẫn chưa kịp cất đi.
Lúc này, Phạm Phúc (10 tuổi) vô tình bán kẹo đi ngang thấy thế nên đánh thức Vy dậy vì “sợ chị ngủ quên sẽ bị lấy cắp đồ”.
Cảm động trước hành động tử tế của cậu bé bán hàng rong, Vy kéo em lại trò chuyện. Sau vài câu hỏi han, cô biết được cậu bé đã nghỉ học. Mỗi ngày, người thân sẽ chở em từ quận 5 sang quận 1 để bán hàng.
Trong bộ đồ hóa trang con gấu, cậu bé 10 tuổi cứ thế đi dọc các quán nhậu, phố đi bộ để bán hết 50 cây kẹo mút. Lúc trao cây kẹo cuối cùng cho khách, đồng hồ cũng đã điểm 2 giờ.
“Trước đây, các bé cũng có đi học nhưng vì bán khuya, thường xuyên ngủ gật trên lớp nên quyết định không đến trường nữa. 10 tuổi bé vẫn chưa nắm được bảng chữ cái. Nghe bé chia sẻ, tôi cảm động nên nói dối rằng mình hay làm việc tại đây, khi nào rảnh qua đây chị dạy chữ”, Vy kể.
Bận rộn với việc học và làm thêm, bẵng đi mấy hôm Vy mới trở lại quán cà phê. Lúc này, cô sinh viên năm 3 khoác lên người bộ áo dài để ra dáng cô giáo. Túi xách của cô cũng nặng hơn vì phải chứa thêm những quyển vở tập viết dành cho học sinh lớp 1.
Thấp thỏm ngồi chờ vì không biết liệu cậu bé còn nhớ lời hẹn, được một lúc, Vy thấy Phúc trong bộ đồ hóa trang con gấu, mồ hôi nhễ nhại tìm đến để học chữ. Cậu còn kéo tay thêm một cậu bé bán hàng rong khác đến học cùng. Hỏi ra mới biết bé tên là Phạm Văn Trọng (12 tuổi) là cậu của Phúc, cũng rất muốn học chữ nhưng phải nghỉ để bán kẹo mưu sinh.
Lớp học đặc biệt lúc 0 giờ
Cứ thế, đều đặn vào 0 giờ thứ 5, thứ 6 và chủ nhật hằng tuần, Vy lại lặn lội từ Gò Vấp lên quán cà phê tại quận 1 để dạy học. Sách vở của các bé đều được Vy trích từ số tiền đi làm thêm ít ỏi của mình để mua. Thỉnh thoảng, cô lại tặng các món quà nho nhỏ để các bé có động lực học. Đa phần là các dụng cụ học tập vì các bé thường dặn: “Chị Vy mang tập vở cho tụi em là được, tụi em không cần gì hết”.
Một buổi học thường diễn ra trong khoảng 30 phút. Có những hôm, chỉ kịp ôn lại bài cũ, Phúc và Trọng lại phải hối hả xin phép đi bán hết những cây kẹo còn ế. Dù cơ thể đã thấm mệt, miệng không ngừng ngáp ngắn ngáp dài, thế nhưng, hai cậu bé chẳng vắng mặt buổi nào.
Vài buổi đầu, các bé khó tiếp thu kiến thức nên nảy sinh cảm giác tủi thân, không chịu học. Những lúc như thế, Vy chỉ biết an ủi, động viên các bé: “Sức khỏe chị không được tốt, chị dành thời gian ra đây để dạy các em thì các em phải cố gắng”.
Thấu hiểu được tấm lòng của “cô giáo”, hai cậu bé cũng chịu cầm bút lên để tập viết. Tập tễnh từ những chữ cái cơ bản a,b,c..., đến buổi học thứ 10, Trọng đã có thể viết được tên mình, Phúc thì có thể bập bẹ đánh vần bảng chữ cái.
“Vì vừa học vừa làm, sức khỏe lại yếu nên có những hôm tôi rất mệt. Khi hai bé vừa rời đi tôi liền nằm gục xuống bàn vì quá đuối. Thế nhưng, nhìn các bé ngày càng đến gần hơn với con chữ, tôi thấy rất hạnh phúc”, Vy tâm sự.
Nghe Vy kể về “lớp học” đặc biệt của mình, những buổi học sau, nhiều “thầy cô” khác cũng ngỏ ý muốn đến để gieo chữ. Không ai khác, đó chính là những người bạn thân thiết của Vy. Thậm chí, có những sinh viên sư phạm cũng chủ động kết bạn với Vy, tỏ ý muốn cùng dạy các bé vì cảm động sau khi vô tình nhìn thấy lớp học 0 đồng.
“Học cùng với các anh chị có kỹ năng sư phạm, các bé hiểu bài rất nhanh. Trong quán rất lạnh nhưng khi dạy các bé cảm nặng lượng xung quanh rất ấm áp”, Vy nói.
Vy hy vọng, trong tương lai, bản thân có thể kiếm được một công việc làm thêm tốt để có tiền duy trì lớp học. Bên cạnh đó, cô bạn 20 tuổi cũng đang có ý định liên lạc với các mạnh thường quân để nhận hỗ trợ các dụng cụ học tập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.