Doãn Hoàng
Thứ tư, ngày 09/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Nhiều đồng nghiệp phỏng vấn chúng tôi: Tình yêu thiên nhiên, sự quyết liệt tố cáo và phối hợp điều tra, góp phần đắc lực tạo nên các chiến dịch bắt giữ "mang tính kỷ lục" kia đến từ đâu?
Trong các giải thưởng báo chí mà các PV Báo NTNN/Dân Việt nhận được trong năm 2021, có khá nhiều câu chuyện về rừng, hoang thú và các giá trị bảo tồn thiên nhiên mà nhân loại tiến bộ đang hướng tới: Giải A Báo chí Phòng chống tham nhũng, Giải B Giải Báo chí quốc gia với các tuyến bài bảo vệ rừng cổ thụ nguyên sinh; Giải nhất Báo chí về bảo vệ các loài hoang dã với chùm bài 5 kỳ gây hiệu ứng xã hội không nhỏ "Thâm nhập các đường dây buôn hổ xuyên quốc gia". Nhiều loạt bài được ghi nhận, được thưởng nóng và giấy khen từ các tổ chức danh tiếng. Vì thành tích điều tra, tố cáo, kiến nghị phá án rồi cơ quan hữu trách triệt phá thành công các ổ nhóm buôn bán hổ và các loài quý hiếm trên quy mô "chưa từng có trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam"…
Nhiều đồng nghiệp phỏng vấn chúng tôi: Tình yêu thiên nhiên, sự quyết liệt tố cáo và phối hợp điều tra, góp phần đắc lực tạo nên các chiến dịch bắt giữ "mang tính kỷ lục" kia đến từ đâu? Trả lời: "Không chỉ các sự vụ trong năm 2021, mà các phóng sự điều tra (rồi nhận giải thưởng) suốt hàng chục năm qua, và cả các vụ chắc chắn sẽ hot và hiệu quả trên quy mô lớn sắp tới - chúng cơ bản có nguồn cơn từ sự giác ngộ đến từ các cánh rừng thiêng quý của Việt Nam, của nhiều quốc gia mà tôi đã có dịp may mắn "ghé bến".
"Giác ngộ" ở rừng già châu Phi
Tôi sinh ra ở các cánh rừng u tịch dưới chân núi Ba Vì (Hà Nội), bên là bản người Mường, bên là bản người Dao. Tôi từng là đồng sáng lập một số diễn đàn Nhà báo bảo vệ môi trường và tham gia trong nhiều hoạt động bảo tồn trong và ngoài nước từ nhiều năm. Song, có lẽ, phải đến khi gặp được rừng châu Phi, tình yêu rừng và các loài động vật hoang dã ở tôi mới được gọi là "giác ngộ".
Chúng ta triển khai hoạt động bảo tồn muộn, lại không có cơ chế để người dân sống và sống khá khẩm nhờ bảo tồn rừng và động vật rừng. Quan trọng hơn, việc thực thi luật về lĩnh vực này của chúng ta còn nhiều dấu hiệu bất lực, mặc kệ hoặc… tư túi. Điều này đã khiến diện tích rừng tự nhiên và các loài hoang thú bị tàn sát, suy kiệt nghiêm trọng. Nhiều loài hoang dã, quý, hiếm bị tuyệt diệt.
Khách quan mà nói, hệ sinh thái sa-van với các đồng cỏ, trảng cây thấp khá úa màu của châu Phi không phải là không gian rừng đẹp lộng lẫy, tốt tươi và quyến rũ nhất mà tôi từng gặp trong hành trình đi qua vài chục quốc gia của mình. Song, để tôi say và ngấm từng hành vi, tính cách, tập tính hoang dã thú vị đến ngẩn ngơ và vẻ đẹp muôn hình vạn trạng của muông thú trên nhân gian này, thì chỉ có ở châu Phi. Lục địa đen với những cái tên như Nam Phi, Mozambique, Pretoria, Johannesburg, Cape Town, Cape of Good Hope (Mũi Hảo Vọng)… - tất cả dường như cứ vang lên trong tôi mỗi ngày, mỗi lần mở các kênh khám phá lừng danh của truyền hình thế giới.
Mỗi lần gặp hoặc tham gia các hoạt động trực tuyến mùa Covid-19 với các chuyên gia trên khắp hành tinh, cả lần gặp Hoàng tử Anh William và được mời phỏng vấn độc quyền tỷ phú Richard Branson khi họ sang thăm Việt Nam, họ đều nhắc với tôi về châu Phi và các loài hoang dã.
Bởi vì, nơi ấy đã là biểu tượng của khái niệm về cuộc sống hòa thuận, vinh danh lẫn nhau con người với thiên nhiên sum vầy. Người và phần còn lại của thế giới trân quý lẫn nhau. Nhiều bộ tộc, họ coi các thú hoang kia là linh vật, họ xăm hình hoa lá lên da thịt mình. Tôi từng xúc động viết: Đến châu Phi, người ta mới biết thế nào là cuộc sống con người và muông thú sống hài hòa, cổ tích y như trong kinh Sáng Thế. Nó như một mảnh thiên đường trên mặt đất, mà lịch sử đã dành tặng những người yêu, hiểu, trân kính Mẹ Trái đất.
Có lần, tôi ăn tiệc giữa rừng đêm, khi vài chục con voi chống ngà nhìn đám lửa ngùn ngụt và các nhóm người đủ màu da quốc tịch nhảy múa (bấy giờ chưa có Covid-19). Có lần, tôi sang châu Phi cùng một số vị là đại diện Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Cảnh sát Môi trường TP.Hà Nội; có lần đi với nghệ sĩ Xuân Bắc; có lần đi với diva Hồng Nhung (những người có uy tín hay ảnh hưởng trong cộng đồng, có vai trò trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường thiên nhiên)… Có lần tôi ở chung phòng với các nhà bảo tồn, các giáo sư, nhà báo điều tra và môi trường danh tiếng, để rồi họ giác ngộ tôi qua kiến thức cũng như qua các tiểu tiết trong lối sống hàng ngày.
Những ngày tôi đến châu Phi, ngoài cửa phòng, chỗ nào cũng treo biển: "Khẽ khàng nhé, rất nhiều thú hoang đang ngủ"…
Tinh mơ, có ai đó lau sạch dần các vệt mờ sương ngoài ô kính cửa sổ tree-house (nhà trên cây), rồi một cặp mắt ướt, to, rợp mi tò mò nhìn vào. Tôi đứng tim cảm kích: Hóa ra, chị hươu cao cổ vươn mình đánh thức khách lạ. Chị dũi mũi, quệt tai miết đi lớp sương ẩm, rồi nghiêng đầu hé một con mắt hiếu kỳ vào gã châu Á ngái ngủ… Tôi giật mình, cứ tưởng bở: một Mỹ nhân nào bỗng dưng đến "Chào buổi sáng"!
Tôi được nếm trải những chiều đẹp kinh điển như trong phim "Đến thượng đế cũng phải cười" (trước đây và cả bây giờ, nghĩ đến châu Phi, rợp bóng trong đầu tôi vẫn là con người và không gian trong bộ phim trên!). Vài chục con sư tử đực dựng bờm, thong dong thách thức án ngữ lối đi của chiếc xe địa hình. Những khi trời sáng trăng, voi đực nặng hơn 3 tấn, cao hơn 3m, chống ngà hung dữ cứ dậm chân bụi mù mịt, rồi nó tiến từng bước vầm vập.
Thiên nhiên và tấm lòng của những người khóc vì bảo vệ thiên nhiên, bỏ mạng vì bảo vệ thiên nhiên nơi này đã thuyết phục được tôi. Lắm lúc, thấy cả trong phòng tắm, buồng ngủ của xứ bạn, họ vẫn tinh đời vẽ đủ thứ bản đồ, thông số, điểm mốc đáng tự hào về các điểm tham quan ngắm voi, sư tử, tê giác, hươu cao cổ… (tranh thủ cả toilet để PR), mà giật mình. Sao rừng của họ mang tên vị Tổng thống Paul Kruger (ông qua đời năm 1904), sao nó có đường biên giới bao quanh dài nhất thế giới, sao họ có doanh thu nhờ du lịch sinh thái cao bậc nhất địa cầu? Hóa ra, đẵn một cây gỗ, giết một con thú, lén lút đem bán tống bán tháo lấy mấy đồng bạc lẻ thì là quả xuẩn ngốc ngay cả ở bài toán kinh tế. Thú đi thung thăng trong rừng, cây dại đẹp kiêu hãnh ngoài thảo nguyên, chúng tự khắc đem tiền về cho nước bạn, nhờ ngành "công nghiệp không khói". Một đêm ở resort trên cây cao, khách phải trả ít nhất 23 triệu đồng, vậy mà người năm châu bốn bể vẫn kéo đến ầm ầm. Không một đồng tiền nào của Nam Phi, dù tiền xu hay tiền giấy, dù mệnh giá to nhất hay bé nhất, mà không có in hình muông thú xứ họ.
Từ châu Phi, mỗi lần trở về, tôi đều phải thực hiện một lịch trình dày đặc: Diễn thuyết, giảng dạy, trả lời phỏng vấn, viết báo, viết sách, dẫn các đoàn nhà báo quốc tế đi thực địa ở Việt Nam. Các bạn Nam Phi muốn tôi tự nguyện cam kết làm gì đó cho thiên nhiên Việt Nam và châu Phi. Thị trường "cầu" ở Việt Nam, nó là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy nguồn "cung" ở châu Phi, cuối cùng là các đoàn binh mã" được huấn luyện tinh nhuệ, đi trực thăng, khiển súng máy, đi tàn sát và buôn bán thú rừng. Tôi đã làm để khỏi phụ lòng các bạn với ngọn lửa ấm thắp lên từ Lục Địa Đen với vẻ đẹp ru hồn.
Làm điều gì đó cho thiên nhiên xứ mình
Một lần ngẫm ngợi, tôi đã giật mình với chi tiết mà tưởng như ai cũng đã biết: Năm 1898, khu vực mà nay là Công viên quốc gia Kruger đã được Chính phủ Nam Phi đưa vào bảo vệ nghiêm ngặt, với diện tích rộng vào hàng quán quân trên thế giới, nay có khoảng 2.000 kiểm lâm và nhân viên an ninh, lần nào tôi sang cũng cấp cho một máy bay trực thăng mà đi thực địa. Trong khi đó, năm 1962, vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam mới được thành lập - tức là sau họ 64 năm.
"Mắt có thấy thì lòng mới đau", chứng kiến các thảm cảnh tàn sát voi rừng và tê giác kinh dị ở nước ngoài, lại thấy rõ các sản phẩm của chính các loài đó mang về Việt Nam và bán bừa phứa ở chợ đen một cách đáng thất vọng ra sao; được truyền ngọn lửa ấm của tình nhân ái với thiên nhiên từ các nhà bảo tồn, khi họ buồn lo, thắc thỏm nhìn trăng Phi châu sáng trắng và tròn vành vạnh trên đầu (bởi trăng sáng, thú ra nhiều, thợ săn trộm với trực thăng và súng máy hoạt động nhiều); được khơi nguồn cảm hứng từ các nhà báo yêu thiên nhiên nổi tiếng trên thế giới, với các cuốn sách vào hàng best-seller (bán chạy nhất), tôi đã quyết định làm một điều gì đó cho thiên nhiên xứ mình (trước khi quá muộn). Dù nhỏ bé và đôi lúc bất lực, song tôi vẫn nghĩ, làm một cách cầu thị, thì luôn tốt hơn là ngồi im mà thở dài hay chém gió.
Tuyến bài điều tra về các đường dây buôn hổ, buôn xương sư tử, sừng tê giác, ngà voi xuyên quốc gia, ra đời từ đây. Các "kỷ lục Việt Nam" về giải cứu các loài hoang dã quý hiếm như hổ, rùa biển từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí ở Việt Nam và mang tầm quốc tế đã xuất hiện. Đặc biệt, chúng tôi muốn thượng tôn sự minh bạch trong thực thi luật pháp, trong đạo đức công vụ ở lĩnh vực còn mới mẻ với không ít góc tối này. Các cánh rừng bị tàn sát ở Tây Nguyên, ở Tây Bắc, Đông Bắc lần lượt bị phanh phui. Các bộ ảnh bi kịch của thiên nhiên được trưng bày triển lãm trực tiếp hoặc online; các tài liệu điều tra được đưa tới công an và kiểm lâm từ T.Ư tới địa phương.
Các tuyến điều tra xuyên Việt Nam, xuyên Đông Dương, sang Tam Giác vàng, vươn tới châu Phi; tất cả các hoạt động truyền thông và phối hợp với các cơ quan sức mạnh của Việt Nam, với các tổ chức bảo tồn uy tín, lâu đời, hoạt động trên nhiều quốc gia nhất thế giới đã ra đời. Và chúng tôi, may mắn thay, có thể đo đếm được tác động xã hội của từng tuyến bài như thế, thông qua sự lên tiếng, vào cuộc, chỉ đạo của các cơ quan chức năng từ UBND các tỉnh, đến các bộ ngành, Văn phòng Chính phủ; các quan chức, trí thức lớn, các đại biểu Quốc hội, các vị tướng lĩnh quân đội và công an.
Các hoạt động giao lưu, truyền đạt kinh nghiệm, cầm tay chỉ việc cho đồng nghiệp (phóng viên, nhà báo) và các bạn trẻ thông qua nhiều khóa tập huấn của Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí Tuyên truyền hoặc các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước; các buổi diễn thuyết và các giải quán quân trong báo chí điều tra (viết về lĩnh vực này) của tôi và cộng sự ở Báo NTNN đã thêm một lần truyền cảm hứng cho giới trẻ yêu thiên nhiên hơn, giúp nhiều người thức tỉnh hơn trước các vấn đề của môi trường. Đặc biệt, chúng tôi luôn muốn cầu thị, vì cộng đồng nhiều nhất có thể, thông qua việc cung cấp hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử phạt hoặc xử lý hình sự các cá nhân tổ chức vi phạm; kiến nghị đến cơ quan quản lý ngõ hầu tìm đến sự minh bạch trong lĩnh vực này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.