Những mô hình hiệu quả
Trong những ngày này, trên cánh đồng Liên Châu, xã Thanh Liên (Thanh Chương), bà con đang tích cực chăm sóc cho 5ha bí xanh trồng chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước. Đây là năm thứ 3 cây bí xanh phát huy tốt hiệu quả kinh tế trên vùng đất này.
Mô hình trồng bí xanh ở xã Thanh Liên (Thanh Chương).
Chị Nguyễn Thị Lan ở xóm 3, chia sẻ: “Lúc đầu chúng tôi cũng băn khoăn, sợ cây bí không thích nghi được bởi gặp đúng thời tiết hạn hán, khó chủ động được nguồn nước tưới. Tuy nhiên, khi tiến hành canh tác mới nhận thấy rằng đây là loài dễ trồng, giống dễ mua và rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Năng suất bình quân đạt gần 40 tấn/ha. Phấn khởi hơn nữa là bí xanh đang dễ tiêu thụ, xe của lái buôn đến tận ruộng thu mua nên thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, với giá bán 3.700 đồng/kg tại ruộng, sau khi trừ chi phí cho thu nhập hơn 9 triệu đồng/sào/vụ. Thời gian tính từ khâu làm đất cho đến ngày thu hoạch kéo dài 3 tháng nên có thể triển khai vụ đông đúng với lịch thời vụ nên hoàn toàn yên tâm”.
Là một trong những xã nằm ở vùng gò đồi, nên nhiều diện tích trồng lúa ở Thanh Liên thiếu nước tưới trầm trọng. Vụ hè thu năm nay, toàn xã hiện có 128ha rau màu, trong đó có 10ha chuyển đổi cây trồng chống hạn trên đất lúa thiếu nước. Ông Phan Bá Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên chia sẻ: “Trước đây, trên diện tích chuyển đổi, người dân tiến hành canh tác hai vụ lúa và một vụ ngô, tuy nhiên sau khi nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ cây bí, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi vụ hè thu sang trồng bí trên diện tích ruộng lúa thiếu nước. Hiện tại đầu ra cho sản phẩm khá ổn định, không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn vận chuyển ra thị trường phía bắc như Hải Dương, Hà Nội… Được như vậy là nhờ chất lượng của cây bí khá cao, mặt khác chính quyền xã cũng đứng ra liên hệ với các tư thương để đảm bảo quá trình thu mua. Trong thời gian tới, xã sẽ mở rộng diện tích lên 7ha và dự tính sẽ dừng lại ở mức này để đảm bảo năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.
Còn tại Nghĩa Phúc (Tân Kỳ) hiện có hơn 30ha vừng đen đang phát triển rất tốt, diện tích canh tác trải dài qua các xóm Phúc Thành, Tân Hoành và Đà Sơn. Là một trong những hộ thành công từ mô hình trồng vừng chống hạn, ông Trần Văn Tâm (Đà Sơn) chia sẻ: “Hiện gia đình đang canh tác 4 sào vừng đen sau khi thu hoạch lạc và đậu của vụ xuân vừa qua. Trong 3 năm gần đây tôi luôn duy trì diện tích canh tác này bởi vừng chịu hạn khá tốt, thời gian nắng hạn vừa qua cũng chỉ tác động đến một ít diện tích cây con mà thôi. Năng suất trung bình mỗi ha vừng đạt gần 7 tạ, với mức giá hiện tại là 47 ngàn đồng/kg, thu về gần 33 triệu, trừ chi phí vẫn còn lãi 25 triệu đồng”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: “Vừng (mè) được đánh giá là loại cây thích nghi với nắng hạn, đặc biệt là vùng đất đồi núi khô hạn. Nó có thể chịu được nhiệt độ lên đến 400C trong khi chỉ cần 600m3 nước / ha, chỉ bằng 1/5 nhu cầu nước so với cây lúa.
Trồng vừng không những giải quyết tốt các nhu cầu về nguồn nước tưới mà còn giúp người nông dân phát huy được tiềm năng của loại giống cây trồng này, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập trong điều kiện nắng nóng hiện nay. Đây cũng là loại cây trồng ít tốn công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, trồng 2 tháng rưỡi là cho thu hoạch. Vụ hè thu năm nay toàn huyện gieo trồng 100ha vừng, trong đó tập trung nhiều tại 2 xã Nghĩa Phúc và Giai Xuân, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chọn loại cây trồng thích hợp
Hạn hán được dự báo sẽ còn diễn biến lâu dài. Trong điều kiện khí hậu ngày càng bất thường như hiện nay, chuyện thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp được coi là điều buộc phải chấp nhận, sống chung với biến đổi khí hậu là điều mà ngành nông nghiệp buộc phải làm quen và thích ứng.
Trong đó, một trong những biện pháp hiệu quả và phù hợp là chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mục đích chống hạn. Tuy nhiên, để vừa đáp ứng được yêu cầu chống hạn, vừa cho hiệu quả kinh tế cao và an toàn là điều cần bàn đến. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực tìm những loại cây phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng để có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Ông Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hàng năm, diện tích chuyển đổi trong toàn tỉnh lên đến hàng trăm ha, nhất là những năm gần đây khi tình hình hạn hán vụ hè thu ngày càng nặng nề và khốc liệt. Trong đó, đất trồng lúa ở các huyện vùng đồng bằng, ven biển chủ yếu chuyển sang trồng các loại cây màu có khả năng chịu hạn tốt hơn như đậu đỗ các loại, lạc, vừng…
Việc chuyển đổi này cũng có nhiều thuận lợi vì đây đều là những loại cây trồng truyền thống của Nghệ An nhưng vì thiếu lương thực nên nhiều vùng đã bỏ và chuyển sang trồng lúa. Bà con đã có kinh nghiệm canh tác cũng như chất đất và điều kiện khí hậu khá phù hợp. Đây cũng là những loại cây trồng cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, bên cạnh mục đích chống hạn, việc chuyển đổi sang các loại cây trồng này cũng đáp ứng được cả nhu cầu tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất, được người dân hào hứng tiếp nhận và thực hiện, nhất là khi ngày càng nhiều các loại giống mới, tiến bộ được đưa vào sản xuất.
Tuy nhiên, để chuyển đổi hiệu quả, ngoài chọn giống và loại cây trồng phù hợp, các địa phương và người dân cũng cần quan tâm chú trọng thực hiện đúng các biện pháp canh tác phù hợp. Dù có khả năng chống chịu với hạn hán, nhưng loại cây trồng nào cũng cần có nước và độ ẩm nhất định để có thể phát triển tốt. Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, với các loại cây trồng như ngô, mía… nên phủ nilon hoặc có rơm rạ phủ gốc sau khi trồng để giữ độ ẩm cho cây. Nếu có thể, cố gắng áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, tưới phun kết hợp với bón phân để cây trồng sinh trưởng và phát triển ổn định, cho năng suất cao nhất.
Với các vùng miền núi, cần tập trung phát triển những loại cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm, có bộ rễ ăn sâu và khả năng chống hạn tốt như cao su, cà phê, cam, chanh. Đây là những loại cây trồng đã phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh ta trong những năm qua và đã chứng tỏ được ưu thế của mình, thậm chí phát triển tốt trên những vùng đồi núi khô cằn.
Ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đồng Thành (Yên Thành), cho biết: “Vốn là loại cây truyền thống ở địa phương, nên khi xã có chủ trương mở rộng, phát triển cũng như cải tạo lại diện tích cam ở Đồng Thành, bà con nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, ngoài trang trại cam của ông Lê Xuân Giáo với diện tích gần 55 ha, còn có 25 hộ trồng từ 2- 10 ha cam, nhiều hộ có nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Từ hiệu quả thấy rõ, các hộ dân đều đã đầu tư khoan giếng lấy nước tưới cho cam để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Hiện tại, nguồn giống và đất đai đã được chuẩn bị sẵn sàng để chuẩn bị trồng mới thêm 10 ha cam trong vụ thu này”.
Qua thời gian thử nghiệm cùng nghiên cứu của các nhà khoa học, chúng ta đã dần tìm ra những loại cây trồng phù hợp, có khả năng chống chịu hạn, đồng thời cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bên cạnh xác định chọn loại cây phù hợp, áp dụng kỹ thuật canh tác hiệu quả…, các địa phương cần có quy hoạch cụ thể cho từng vùng, tăng cường liên kết, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cũng như xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định cho người dân yên tâm đầu tư thâm canh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.