"Lửa hồng" vùng lũ

Ngọc Vũ Thứ bảy, ngày 13/02/2021 06:35 AM (GMT+7)
2020 là năm rất đặc biệt với Quảng Trị bởi dịch bệnh, bão lũ, sạt lở đất diễn ra triền miền, để lại những hậu quả lớn. Trong gian khó, càng sáng lên tình đoàn kết, sự đùm bọc nhau của người dân...
Bình luận 0

Bát cơm, chén nước vùng sạt lở

Hơn 2 tháng kể từ vụ sạt lở đất vùi lấp 22 quân nhân Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 ở bản Cợp, xã Hướng Phùng (Hướng Hóa), hình ảnh người dân góp tiền, lương thực nấu cơm cho cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm người mất tích vẫn còn hiện rõ trong ký ức của nhiều người. Bà Ngô Thị Loan (60 tuổi, trú bản Cợp) cho biết, Đoàn 337 đã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân rất nhiều. Ngày tết, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 tặng nhân dân bánh kẹo, mỳ chính, gạo… ăn tết. Mỗi khi thiên tai bão lũ, Đoàn 337 luôn đi đầu trong việc cứu trợ nhân dân. Vì vậy, nghe tin các anh bộ đội gặp nạn, đồng bào trong vùng tự nguyện gom góp những gì mình có, hỗ trợ lực lượng cứu nạn về tinh thần, sức khoẻ để tìm kiếm, đưa các anh sớm về quê hương.

Người có tiền góp tiền, có người góp rau, gạo. Có người mẹ tìm khắp trong nhà không có gì liền chạy ra vườn hái bắp chuối đóng góp. Nhiều người chạy xe máy, mang vác lương thực băng qua các điểm sạt lở tới cho lực lượng cứu nạn.

(xuan) "Lửa hồng" vùng lũ - Ảnh 1.

Phóng viên Báo NTNN (ngoài cùng bên phải) trao quà của Báo và nhà tài trợ cho người dân xã Tà Long, huyện Đakrông bị ảnh hưởng lũ lụt. Ảnh: V.N

"Thiên tai khiến chúng ta mất nhiều thứ, nhưng cái thu được là tình yêu thương, đùm bọc, đoàn kết vượt khó của nhân dân".

Ông Võ Văn Hưng -

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị

Không chỉ người dân Hướng Phùng, nhân dân khắp tỉnh Quảng Trị cũng gom góp lương thực tiếp sức cho doanh trại Đoàn 337. Nhiều người biết tin có xe chở lương ủng hộ Đoàn 337 liền mang đường, sữa, bó rau, buồng chuối… đợi sẵn để gửi nhờ chuyển tới bộ đội, lực lượng cứu hộ.

Không có tiền của ủng hộ, bà Hồ Thị Bai (50 tuổi, thôn Cợp) góp sức bằng cách nấu nước đem đến cho lực lượng mở đường. "Các anh uống nước để có sức khoẻ mở đường, nhanh đưa xe, máy móc vào cứu hộ các con của mẹ ra khỏi chỗ bị vùi lấp. Bộ đội là con của mẹ mà..." - bà Bai vừa khóc nghẹn vừa nói.

(xuan) "Lửa hồng" vùng lũ - Ảnh 3.

Phụ nữ xã Hướng Phùng nhận lương thực của bà con nhân dân đóng góp rồi nấu cơm tiếp tế cho lực lượng cứu hộ 22 quân nhân Đoàn 337 gặp nạn. Ảnh: N.V

Nhận được đồ tiếp tế, chị em phụ nữ, trong đó có bà Loan mỗi người mỗi việc, tập trung nấu nướng, tiếp sức kịp thời khi lực lượng cứu hộ cần. "Quân dân như cá với nước, khi gặp hoạn nạn thì hỗ trợ nhau" - bà Loan tâm sự.

Là người trực tiếp tham gia chỉ huy cứu nạn ở Đoàn 337, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ, bát cơm, chén nước từ hậu phương trong lúc cấp bách, khó khăn ấy là động lực cho lực lượng cứu nạn: "Trong chiến tranh cũng như thời bình, tiếp tế, động viên của hậu phương luôn là chỗ dựa vững chắc cho tiền phương".

"Nổi lửa" lòng người

Từ ngày 7 đến 17/10/2020, Quảng Trị xảy ra 5 đợt lũ khiến hàng trăm ngàn nhà dân ngập sâu, có những nơi bị cô lập. Trong khốn khó, sáng lên tinh thần đùm bọc, giúp đỡ nhau của nhân dân.

10 giờ ngày 9/10, nước lũ cuồn cuộn đổ về khiến 40 ngôi nhà ở đội 2, đội 3 thôn Hà Xá (Triệu Ái, Triệu Phong) ngập gần đến nóc. Biết những người mắc kẹt sẽ đói, khát nên đầu giờ chiều cùng ngày, chị em phụ nữ ở đội 1 cùng thôn đã góp gạo, cá, rau… tập trung ở nhà bà Võ Thị Dương (trú đội 1) để nấu 130 suất cơm.

Hơn 20 giờ cùng ngày, những gia đình mắc kẹt ở đội 2, đội 3 được Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đưa lên đội 1. Đang lúc đói, họ nhận được những suất cơm nóng, nước uống cho lại sức. Sau 1 ngày vật lộn với nước lụt, bám trụ trên mái nhà, Trịnh Minh Trí (24 tuổi, trú đội 2) cùng bà con trong xóm được lực lượng cứu hộ đưa đến đội 1. "Lúc đói, lạnh mà được ăn cơm nóng là quý lắm" – anh Trí chia sẻ.

(xuan) "Lửa hồng" vùng lũ - Ảnh 4.

Trong đợt lũ lụt vừa qua, có hàng chục ngàn đoàn thiện nguyện đã đến hỗ trợ nhân dân miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Trị. Ảnh: N.V

Trong trận lũ ấy, nhà ông Hoàng Hiền (thôn Ái Tử, xã Triệu Ái) khá cao, trở thành nơi đón tiếp tránh lũ cho gần 30 người cùng thôn. Ông còn mua thêm lương thực dự trữ để sẵn sàng "nổi lửa" mỗi khi ai đó đói. "Nhà mình ăn gì thì bà con ăn nấy. Làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau là vậy" – ông Hiền nói vậy.

Hải Phong là xã ngập sâu nhất ở huyện Hải Lăng. Thương bà con bị đói rét, ông Nguyễn Văn Cư cùng một số người có thuyền, đò tự nguyện chở cơm nóng đến tận nhà dân. "Nhận được cơm, nước uống giữa mênh mông nước lũ, nhiều người mừng đến bật khóc. Hình ảnh đó khiến tôi và các anh em càng phải nỗ lực hơn để giúp bà con" – ông Cư chia sẻ. n

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem