Lúa mùa chìm sâu trong "biển" nước, nông dân Nam Định bất lực, đứng ngồi không yên

Lãng Hồng Thứ bảy, ngày 20/07/2024 06:37 AM (GMT+7)
Sau những ngày mưa lớn, hàng chục nghìn ha lúa mùa mới cấy của tỉnh Nam Định bị ngập sâu trong nước. Người dân địa phương đang tích cực cứu lúa mùa, song đành bất lực nhìn lúa thối rễ, chết từng ngày, bởi mực nước trong đồng vẫn mênh mông như "biển".
Bình luận 0

Toàn bộ diện tích mới cấy bị ngập trong nước

Nghĩa Hưng là 1 trong những huyện ven biển của tỉnh Nam Định có diện tích lúa mùa mới cấy bị ảnh hưởng nhiều. Qua thống kê, toàn huyện có hơn 6.200 ha lúa bị ngập úng sau các trận mưa lớn liên tiếp, trong đó diện tích lúa gieo sạ là 3.036 ha và diện tích lúa cấy là 3.202 ha.

Lúa mùa chìm sâu trong "biển" nước, nông dân Nam Định bất lực, đứng ngồi không yên- Ảnh 1.

Ông Đinh Văn Chỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp xã Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) cho biết, toàn bộ diện tích lúa mùa của HTX đã bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Lãng Hồng.

Ông Hoàng Quang Tuyến, Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Nghĩa Hưng chia sẻ, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong những ngày qua, trên địa bàn huyện có mưa lớn kéo dài đúng vào thời điểm gieo cấy lúa mùa tập trung, trong khi đó việc tiêu thoát nước gặp khó khăn nên gây ngập úng toàn bộ diện tích lúa mùa mới gieo cấy.

Qua kiểm tra, theo dõi, một số vùng trong huyện vẫn còn mực nước trong ruộng rất lớn. Trước tình hình trên, các đơn vị đã chủ động việc tiêu thoát nước, chống úng cho lúa mùa, mới gieo cấy, song đến thời điểm này nhiều diện tích, nước trong ruộng vẫn còn lớn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

"Hiện công tác bơm tát nước của người dân gặp nhiều khó khăn, không hiệu quả vì không thể khoanh vùng. Thế nhưng, chúng tôi ưu tiên số 1 là tiêu úng nước càng nhanh càng tốt, không để lúa mới gieo cấy bị ngập quá lâu dưới nước", ông Tuyến thổ lộ.

Ông Tuyến dự báo, trong những ngày tới, lượng nước trên các sông sẽ tiếp tục bổ sung và tiêu thoát khó khăn do thời tiết vẫn còn mưa cộng với việc xả lũ các hồ thủy điện nên nhiều diện tích lúa mới cấy có nguy cơ mất trắng.

Lúa mùa chìm sâu trong "biển" nước, nông dân Nam Định bất lực, đứng ngồi không yên- Ảnh 2.

Nông dân Nam Định nỗ lực cứu lúa. Ảnh: Lãng Hồng.

Để đảm bảm vụ mùa theo đúng kế hoạch, Phòng NNPTNT huyện Nghĩa Hưng khuyến cáo các địa phương chủ động giống lúa sử dụng để ngâm ủ, gieo mạ lại. Khuyến khích ngâm ủ, gieo mạ để cấy lại bằng các giống lúa thuần ngắn ngày, chống chịu tốt với sâu bệnh hại.

Không sử dụng giống lúa nếp đặc sản (giống cảm quang) để gieo mạ mới. Ngoài ra, hạn chế sử dụng giống lúa Bắc thơm số 7 do sức chống chịu kém với các đối tượng sâu bệnh hại và thời tiết trong vụ mùa.

Ông Đinh Văn Chỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp xã Nghĩa Thái cho biết, hiện toàn bộ gần 500 ha lúa mới cấy của HTX đã bị ngập trắng, chìm sâu trong nước, chưa biết sống chết ra sao.

"Chúng tôi đã triển khai các phương án tiêu toát nước, dùng máy bơm để bơm nước trong đồng ra sông ngòi nhưng bơm mãi mà chẳng thấm vào đâu", ông Chỉnh buồn rầu chia sẻ.

Nông dân bất lực nhìn lúa chết từng ngày

Là địa phương có chân đất ruộng cao, thế nhưng do mưa lớn nhiều ngày liên tiếp, toàn huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định vẫn ghi nhận có gần 4.700 ha lúa mùa mới gieo cấy bị ngập úng.

Lúa mùa chìm sâu trong "biển" nước, nông dân Nam Định bất lực, đứng ngồi không yên- Ảnh 3.

Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Vụ Bản đang tích cực tiêu thoát nước cứu lúa cho người dân. Ảnh: Lãng Hồng.

Anh Vũ Khắc Đại, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản nói, vụ mùa năm nay, gia đình anh canh tác 1 mẫu ruộng, trong đó gieo sạ là chủ yếu. Do ảnh hưởng của mưa lớn, đến nay toàn bộ diện tích lúa mới cấy của gia đình anh đã bị ngập hết.

"Hiện ruộng lúa của gia đình đang bị ốc bươu vàng cắn phá nên bị hỏng hết phần ngọn. Nếu vài hôm nữa, nước trong đồng không rút ra ngoài được thì toàn bộ diện tích lúa sẽ chết và mất trắng, gây thiệt hại kinh tế của gia đình", anh Đại tâm sự.

Ông Trần Đăng Lạp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Vụ Bản cho biết, Công ty đã dồn lực, sử dụng mọi biện pháp tiêu thoát nước chống úng cứu lúa mùa, đặc biệt lưu ý những vùng gieo cấy muộn để giảm thiệt hại tới mức thấp nhất cho bà con.

Theo ông Lạp, với mục tiêu thoát nước nhanh nhất có thể, toàn bộ 31 trạm bơm trên địa bàn đều hoạt động hết công suất. Ngoài ra, 46 máy bơm nhỏ của các hợp tác xã và bà con cũng được huy động.

Lúa mùa chìm sâu trong "biển" nước, nông dân Nam Định bất lực, đứng ngồi không yên- Ảnh 4.

Nhiều khóm lúa mới cấy bị thối rễ, đen gốc và chết dần. Ảnh: Lãng Hồng.

Tại huyện Trực Ninh, nhiều diện tích lúa mùa mới gieo cấy cũng bị ngập sâu trong biển nước. Nông dân trên địa bàn thấp thỏm, lo âu, đứng ngồi không yên.

Ông Mai Đình Chiểu (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) cho biết, gia đình ông gieo cấy xong 3 sào lúa khoảng 1 tuần nay. Tuy nhiên, lúa chưa kịp bén rễ thì liên tiếp gặp mưa lớn.

Các trận mưa lớn xảy ra liên tục trong những ngày gần đây khiến mực nước trong cánh đồng và ngoài sông ngòi luôn ở ngưỡng cao nên cây lúa bị táp hết lá, đổ, ngập sâu trong "biển" nước. Nhiều khóm lúa đang có dấu hiệu bị thối rễ, đen gốc và chết dần.

"Nhìn ruộng lúa bị ngập sâu trong nước mà buồn vô cùng, chẳng biết xử lý thế nào". ông Chiểu nói và cho biết thêm, nếu vài ngày nữa, nước trong đồng không chảy ra ngoài được thì chắc chắn lúa sẽ bị chết hết.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Chính, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Nam Định thông tin, tính đến ngày 17/7, toàn tỉnh đã gieo cấy được 65.550 ha lúa, đạt 92%; diện tích cấy là 36.350 ha, diện tích gieo sạ là 29.200 ha.

Qua thống kê, ước tính diện tích bị ngập do mưa lớn gây ra khoảng 34.142 ha, trong đó diện tích lúa bị ngập khoảng 34.007 ha. Huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng có diện tích lúa mùa bị ngập nhiều nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem