Lúa ngọt

Truyện ngắn của Lê Quang Trạng Chủ nhật, ngày 29/01/2023 10:30 AM (GMT+7)
Những chiếc rễ trắng như những cái chân, gắn chặt mầm lúa vào vỉa đất mặn vì thấm muối. Cảm giác như vị mặn ấy cũng chẳng thua gì mồ hôi của ba rơi trên ruộng hạn, và những chúng đã nảy mầm, cho ngọt lịm những ước mơ tôi!
Bình luận 0

Mỗi lần ngắm mớ hạt giống, tôi lại như thấy được hình ảnh tấm thân gầy của ba mình, rong ruổi khắp nẻo đồng bằng tìm từng giống lúa về lai tạo, bằng một tấm lòng sống trọn đời với miền Giáp Nước. Cố gượng nửa người để đi, một tay yếu ớt cầm viên phấn run run, giọng nói nghẹn ở lưỡi khó nghe, ba đã trở thành người thầy vĩ đại nhất của tôi suốt hơn nửa năm về nhà tránh dịch…

***

Những ngày bên ba mày mò học lai tạo lúa, tôi thường nhớ nhiều về những ngày đã qua. Chúng vọng đến có lúc rõ ràng, có lúc chập chờn như cánh của những chú đom đóm trong đêm… Kia là dòng kinh trước nhà đang hồi nước đứng, mấy cánh hoa lục bình như chẳng muốn trôi đi. Phía xa xa là miếu Ông Tà. Dân Giáp Nước thường truyền nhau rằng, Ông Tà còn ngồi đây thì nước mặn chẳng dám lấn tới qua mặt đâu. Câu nói như đóng đinh vào xóm nhỏ, cây lúa như cũng nương vào đó nên trăm năm qua vẫn vô tư trổ bông, chẳng hề hoài nghi gì đến con nước dữ từ biển xa vọng lại. Ngó xa xa không thấy chân trời, biết biển vẫn còn rất xa và nước mặn còn lâu mới lấn tới nơi này được.

Lúa ngọt - Ảnh 1.

Minh họa: Lương Giang

img

Nhà văn Lê Quang Trạng

Sinh năm 1996, hiện công tác trong ngành văn hóa tại An Giang. Anh đã xuất bản: Dòng sông không trôi (tập truyện ngắn, 2016), Áp tai vào đất (tập thơ, 2017), Thủ lĩnh băng vịt đồng (truyện dài, 2018, 2019), Khói biên phương (tập truyện ngắn, 2022)…

Một số giải thưởng: Giải A - Giải thưởng VHNT Huỳnh Văn Nghệ lần thứ VI (2016 – 2020), giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội (2018 – 2019), giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tuần báo Văn nghệ (2015 – 2017)...

Vậy mà, một bữa thăm vó cá, ba lấy làm lạ khi phát hiện cái lằn ranh giáp nước đã lùi qua khỏi mặt miếu Ông Tà hơn trăm mét. Bầy lục bình mắc lại dưới bến kinh héo úa lá trối chết không chạy kịp. Đêm đó cả vùng Giáp Nước gần như thức trắng, người người đặt máy, thông đê cố sao rút hết nước trên đồng ra kinh để hạn chế tối đa nước mặn đọng lại gốc lúa. Vậy mà hôm sau cây lúa cũng xèo đọt. Chưa bao giờ tôi thấy ba mình già như hôm ấy, ông ngồi bó gối trên đê, mắt ngó về phía ruộng, ánh nhìn như không thấu đáy. Những cánh chuồn chuồn bay thấp là đà, nhưng chẳng giọt mưa nào chịu rơi. Mùa đó, không chỉ mình ba tôi, mà gần như hết cánh đàn ông của Giáp Nước đều mất ngủ…

Mười hôm sau, xác những con cua đỏ quạch ở ngoài kinh, lúa trên đồng thực sự đã hết phương cứu chữa. Mẹ tôi bắt đầu thấy nỗi lo của ba giờ thành sự thật. Cả vùng Giáp Nước này quanh năm chỉ biết bám vào nghề nông, vụ đông xuân là tất cả nỗi chờ mong cho cái Tết. Giờ cây lúa chết yểu ở trên đồng, mùa mặn vẫn chưa thôi, chúng còn hung hãn muốn nuốt luôn câu khẳng định của người xưa, "chưa bao giờ nước mặn qua mặt được miếu Ông Tà".

Có khoảng ba bốn năm như vậy, khi cơn mặn đã qua miếu Ông Tà hơn năm cây số, mảnh đất ruộng nhà vô phương chịu nổi mỗi mùa hạn mặn giăng đồng. Ba vét mớ tiền còn lại trả nợ cho người ta, thấy vẫn thiêu thiếu hơn bốn mươi triệu nữa… Mùa giáp hạt, vét hũ gạo nghe tiếng lon sữa bò cọ vào đáy sành sột soạt, tôi biết chủ nợ lại sắp réo tên nhà mình. Cái gọng vó trước nhà cất lên chẳng có gì ngoài mấy gốc rơm mục và xác lục bình héo úa.

Những ngày như vậy, ba phải đi chở từng can nước ngọt từ xa tít mù về để xài cho qua mùa hạn mặn. Nhìn ra ruộng ngập trắng nước, mà toàn là nước mặn, cây lúa Thần Nông bao đời chìm đâu trong đám nước đứng mặn lòng. Nhà tôi bấm bụng mỗi năm khẩn cầu Ông Tà, năm nào qua được mùa mặn là thở phào, còn qua không nổi thì đành bán đồng mùa đó cho người ta thả tôm, hy vọng kiếm lại đủ tiền lúa giống. Mỗi lần tôm bơi trên đồng nhà, ba nhìn mà xót mắt. Hạt lúa mình đổ bao mồ hôi nước mắt giờ lại chịu cảnh thúi gốc rã rạ trong nước cho tôm ăn, cây lúa chưa kịp trổ bông đã hóa kiếp của mình. Mỗi lần thấy tôi lơ ngơ ngó cánh đồng, ba lại hỏi: "Con có muốn tiếp tục làm nông không?". Trong lúc đó, tôi đã trả lời "không" dứt khoát. Chẳng thấy ba buồn, nhưng rõ là ông có thở ra một hơi não nề như chạm đất.

Sau lần đó, cha con tôi chẳng thể nương chờ vào mảnh ruộng nhà bởi hạn mặn bất thường và thảm cảnh thất mùa rớt giá cứ hay lặp lại, làm người ta chới với. Gần hết đời người bám trụ nghề nông, ba chẳng biết làm gì hơn ngoài be bờ, đắp đê, sạ lúa… Mỗi ngày hai cha con tôi lặn lội mấy chục cây số đường ra những cánh đồng xa, nơi mùa mặn vẫn chưa liếm đến. Cơ may mấy nơi như vậy cây lúa vẫn ung dung trổ bông. Mỗi ngày làm công, xịt thuốc, bón phân cũng đủ xoay xở cho gia đình. Những ngày hai cha con về nhà, thấy lưng nhau đỏ quạch vì thuốc trừ sâu, chúng tôi thường cố giấu nhau rồi im lặng. Mấy lần sau thì mẹ thấy, bà cản thôi không đi xịt thuốc như vầy nữa, một lá phổi nám đen vì nhiều cặn khói và một lá phổi tươi xanh sắp nhuộm đỏ thuốc sâu, sức khỏe nào mà chịu cho được. Nhưng không đi làm thuê thì biết phải làm sao…?

Nhắm đất nhà chẳng thể bám được lâu, tôi bàn với ba mẹ hay bán đi để tìm phương lập nghiệp khác. Nhưng dẫu tôi thuyết phục cách mấy đi nữa, ba cũng chẳng bằng lòng. Ba quyết rằng đất xương máu ông bà khai hoang giữ gìn mới có, ông thà chết chứ chẳng bán đi. Mấy bữa sau, có người rao kiếm nhân công làm việc ở Bình Dương, tôi định bụng nếu không bán đất đai thì cứ để vậy, nhà mình ra đi một chuyến. Trên ấy không cần có vốn, chỉ bỏ công làm cuối tháng lãnh lương, chẳng mấy hồi là đủ trả nợ nần. Biết đâu lúc đó nhà nước đã tính được phương án cho đất mặn, thì mình lại trở về làm nông.

Lúa ngọt - Ảnh 4.

Minh họa: Lương Giang

Hút thuốc thật nhiều suốt cả đêm, ba nghĩ suy mông lung bao thứ. Đến sáng hôm sau, ba bảo rằng số ông gắn với đất này, chết cũng chết ở đây, cắn đất mà ăn chứ nhất định không rời bỏ mồ mả đất đai ông bà! Ông sẽ ở đây tìm cách cho cây lúa sống được cùng hạn mặn! Mơ ước của ba vời vợi xa, tôi buồn gục mặt xuống đất vẫn nghe như mùi mặn nồng lên. Lâu rồi tôi mới khóc nghẹn trước ba, nhưng ông lẳng lặng bỏ đi, vác cây cuốc đi về nơi cánh đồng ngập mặn.

Một bữa nắng chang phủ qua nhà, tôi quyết cầm chiếc ba lô lên sau nhiều ngày suy nghĩ và chần chừ đặt xuống. Mẹ ngồi sau sàn nước, vắt từng giọt để xài, hỏi vọng ra: "Con tính đi đâu?". "Con đi Bình Dương, chừng nào đất hết nhiễm mặn thì con về?". Ba đang ngâm mớ lúa trời của miệt đồng phèn Tam Nông, bỏ lỡ tay, ông chạy ra giọng gấp gáp hỏi: "Bộ tính đi thiệt vậy hả?"… Tôi gật đầu, ba như đứng chết trân; mẹ dúi cho ít tiền, mắt đo đỏ nhưng cố không để cảnh bùi ngùi thêm.

Cọc cạch, ba đạp xe đưa tôi ra đường lộ cách nhà hơn năm cây số. Suốt dọc đoạn đường đi, ba dặn dò bao việc, đất lạ quê người phải cố mà gìn giữ sức khỏe và cái tâm, ở nhà bức rức quá thì đi cũng được nhưng làm trai thì đừng nản chí.

Năm cây số đường ấy, lần đầu tiên ba kể với tôi về tuổi hai mươi của ông. Cũng ngồn ngộn sức sống như bao người, và con chữ héo úa vì trường xa, nết nhà nông rong ruổi phố phường không chịu nổi. Cũng khăn gói lên phố bao lần, nhưng chẳng thành mơ ước. Bị gạt bởi sự cả tin ai cũng như dân quê mình, bị lừa bởi lòng thương người chẳng hay đời còn bao trò phô diễn… Gạt nước mắt, bỏ lại phố những ngậm ngùi chua chát, ba trở về quê tay trắng! Lên đồng gặt mấy công lúa nổi tự mọc, giăng lưới mà sống, rồi dần dần cũng qua được cái khó đến lúc này. Giáp Nước chẳng bỏ ai, và cũng chẳng ai nỡ bỏ Giáp Nước.

Chiếc xe đò dừng lại ít phút trước lúc rời đi, trên xe chở theo không ít thanh niên. Nhìn tôi, họ chẳng lạ gì địa danh Bình Dương xa lắc xa lơ mà nghe quen còn hơn chuyện ăn cơm uống nước. Trong những giây phút sắp đi xa ấy, tôi hỏi ba rằng: "Ba có muốn đổi nghề hông?". Lắc đầu, ba mông lung: "Biết làm gì ngoài nghề trồng lúa mười mấy đời nhà mình gắn bó?". Rồi mắt ông lại sáng lên: "Nhưng cây lúa đã nuôi ông cha mình suốt mấy ngàn năm rồi, mình cũng chẳng thể bó tay nhìn cơn mặn bóp chết nó được".

Lúc sắp lên xe, ồn ào tiếng người và tiếng máy, tôi thấy ba móc ra những hạt giống gói trong cái túi vải nâu, ông nói gì đó chẳng thể nghe, chỉ câu cuối vọng lên, "mạnh giỏi con, chừng nào lúa nở lại về!"…

Những ngày lên phố, tá túc trọ người quen, dân xứ mình nghe giọng là nhận bà con, chỉ dẫn tận tình từ nơi ăn chỗ ở. Xin việc ra sao, nhớ cẩn thận đừng để bị rạch túi móc tiền, đừng cả tin mà rơi vào con đường qua nước ngoài làm casino việc nhẹ lương cao rồi bị… bán thận! Ở phố, những giấc mơ đất mặn cũng dần lùi xa, thay vào đó tiếng của máy dây chuyền và công ten nơ rời bến. Mẹ thường hỏi qua mấy phút điện thoại ngắn ngủi nghỉ giữa giờ giao ca, rằng "con có sống quen được ở trển không?". Tôi ngẩn người một chút, nói có thì chẳng đúng với lòng, mà nói không thì nghe cây lúa mặn tràn qua khoé mắt…

Sau tháng đầu lên phố, các tháng sau tôi đều gửi tiền đều đặn về nhà. Dặn mẹ ráng mà trả cho xong nợ, mặn còn rượt mình dài dài, ổn ổn con sẽ tính chuyện rước ba mẹ lên đây ở luôn cho khỏi nhọc lo âu. Mẹ ậm ừ, giọng cũng nặng nề. Tôi đâu biết, bao nhiêu tiền gửi về, mẹ đưa cho ba lặn lội đi khắp nơi, tìm cây lúa nào chịu được mặn! Suốt hành trình ấy, ba chẳng mang được giống lúa nào chịu mặn bảy phần ngàn của Giáp Nước. Ông chỉ mang về hàng trăm giống lúa bản địa xa lạ, rồi ngồi nhìn chúng, suy nghĩ suốt ngày.

Với hành trang là mớ chữ lớp ba trường làng, ba lại lặn lội đi học hết lớp tập huấn này đến hội nghị đầu bờ khác. Từ bàn tay cầm cuốc, tự bao giờ ông đã thoăn thoắt cầm kéo, nhíp, kính lúp… tách hạt, thụ phấn cho từng bông lúa… Để rồi khi mùa mặn lùi xa, ai ai cũng mừng đổ nước ngọt vào ruộng sạ thì ba lại đi mua muối bón cho ruộng mặn để thử gieo giống mới. Mẹ không dám nói với tôi điều này, cho đến khi xóm làng kêu trời, thấu đến tận Bình Dương. Giận dỗi, tôi gọi về nhà bảo rằng từ nay ba tự kiếm tiền mà mua muối bón đồng. Con không gửi thêm đồng nào nữa! Bên kia máy, giọng ba mẹ im lặng như tờ, mà tôi nghe như có điều gì chua chát tận đầu môi. Lần đầu tiên đứa con hỗn với cha mẹ mình, thật sự đồng tiền có ma lực làm biến chất người ta, hay chính người ta đã làm biến chất đồng tiền!

Không gửi thêm tiền về nhà, tôi biết mẹ sẽ chật vật hơn. Bà đội từng thúng xôi đi bán; ba suốt ngày cắm đầu vào mảnh ruộng thí nghiệm của mình, đêm lặn lội đi giăng câu đến gần sáng. Ba mẹ chẳng than thở lời nào, chính điều ấy tôi càng thêm khó xử! Bắt chuyện sau nhiều ngày giận hờn, tôi hỏi về cây lúa trong những cuộc nói chuyện ngắn. Mẹ rón rén kể những điều bâng quơ, như ba con đang lai tạo thử cây lúa mùa nổi với mấy giống lúa hoang, ổng mong mau mau đến Tết lúa ra để con về ăn hạt cơm mọc lên từ đồng nhà mình. Nói đến đó, mẹ ấp úng hồi lâu mới mở được lại lời, "thấy ba ngày đêm trên đồng mẹ cũng không yên dạ, hay con về tiếp ba cho đến cây lúa chịu được mặn trổ bông!". Tôi lặng im rất lâu, từ đó mẹ không nói thêm về điều ấy nữa. Những đêm nằm ngó lên mái trọ, thấy con thằn lằn khát nước tặc lưỡi kêu, không hiểu sao tôi nhớ quá đến những mơ ước thoát nghèo, đưa xứ mình vươn lên của ba. Không biết bao năm ngủ yên chúng có còn đâm chồi mọc rễ trên đất mặn.

Hai tháng chần chừ, thả trôi theo dòng thời gian quen thuộc. Sáng vào công ty, tối tăng ca về ngủ mê man đến sáng, lại đi. Cuối tháng nhận lương, nhậu nhẹt cho đỡ nhớ quê, đỡ nghe mùi mặn năm nao xộc lên khoé mắt. Dành dụm được hơn chục triệu sau thời gian trả hết nợ nần ở quê, tôi định bụng sẽ kiếm thêm rồi lập nghiệp xứ người.

Nhưng đời chẳng như mơ ước, ngủ một đêm dậy, cả khu trọ bị cách ly vì Covid. Hai tháng ròng chẳng di chuyển được đâu, nghe tin ba bệnh, mẹ cứ ấp úng chẳng nói bệnh chi rõ ràng. Nỗi lo lắng càng dâng lên, tôi gửi hết tiền về quê cho mẹ, chỉ chừa mấy thùng mì tôm, chiếc xe gắn máy và vừa đủ ít tiền xăng đợi lúc xả cửa chạy đi về.

***

Giáp Nước vẫn lặng lẽ dù cơn dịch đã chớm tới ngoài đầu kinh. Ba ngồi trên chiếc ghế mây ngó ra cửa. Thấy con, ông huơ cái tay yếu ớt lên mừng. Nhìn thấy ba, tôi như muốn quỵ, ôm ông khóc chẳng nên lời. Mẹ ngậm ngùi nói: "Ba con cố chí lai tạo cho bằng được cây lúa chịu mặn để con không phải tha hương xứ người, bà con mình bám đất quê hương mà đỡ khổ. Tháng rồi nửa đêm ra đồng canh lúa trời nở, ba trúng gió ngã ngang, may mà xóm mình cấp tốc đưa ra huyện kịp. Dịch bệnh, điều trị đỡ đỡ rồi về nhà, ba con cố chí tập luyện nên khá hơn". Ba nhìn tôi, bàn tay còn lại của ông gõ lên đầu tôi một cái nhè nhẹ, rướn cổ nói từng chữ một lục cà lục cục, "về - là - ba - mừng - rồi".

Những ngày ấy, tôi càng thấy thương ba mẹ mình hơn bao giờ hết. Ở nhà ra vào, nhìn mớ sách vở của ba chi chít bao điều dang dở, tôi lật ra xem. Những ý tưởng ba viết bằng lối văn nông dân cục mịch, mà vẫn đủ sức lôi cuốn tôi bước vào, mê hoặc. Thứ giống lúa chịu mặn bảy phần ngàn mà ba ấp ủ đã được hơn một nửa chặng đường, phía còn lại, tôi sẽ thay ông gánh vác.

Nửa năm ở nhà, mới biết đồng mặn cũng chẳng bỏ người ta. Những con tôm nước lợ, những luống rau mẹ chắt mót từng giọt nước trồng; hay mớ lúa mùa nổi chịu mặn siêu cường trên đồng đã nuôi chúng tôi sống qua mùa dịch - mặn. Nửa năm đó, tôi gieo vụ lúa đầu tiên trên cánh đồng mặn bảy phần ngàn. Hồi hộp chờ đợi và cuối mùa Chạp về thì lúa trổ, năng suất chẳng thua gì các giống lúa Thần Nông. Ba mừng vui như trẻ con tập đi muốn chạy. Ông dùng bàn tay còn lại của mình lột từng vỏ trấu, nếm thử gật gù rồi đặt tên là "Lúa Ngọt".

Đêm giao thừa, mẹ nấu nồi cơm Lúa Ngọt mọc vụ đầu tiên trên đồng mặn của nhà, nghe thơm lừng lên sống mũi. Tôi chợt thấy có điều gì đó quen quen, như mùi vị của mồ hôi và của cả bao điều hoài niệm. Ngó ra phía sân nhà, những thanh niên sau mùa lên phố đã trở về, mớ giống chịu mặn tôi thu hoạch được đủ làm giống cho cả cánh đồng. Cũng như người nông dân, Lúa Ngọt ẩn chứa bao điều, chỉ cần quyết tâm đánh thức, ắt chúng sẽ vươn lên mạnh mẽ giữa vùng Giáp Nước bao đời nổi tiếng thuần nông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem