Lúa nước lên “cổng trời”

Thứ năm, ngày 12/05/2011 21:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở bản Huồi Mới 1 trên đỉnh Pù Hốc - nơi được gọi là "cổng trời" thuộc xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An, trước đây người Mông sống nhờ rừng và phát nương làm rẫy. Ông Lỳ Tồng Xúa - người con của bản đã xuống núi "tầm sư, học đạo" đưa cây lúa nước về giúp dân bản thoát nghèo...
Bình luận 0

Trong ngôi nhà sàn khang trang nằm ở đầu bản, ông Xúa kể cho chúng tôi về hành trình đưa cây lúa nước lên đỉnh Pù Hốc: "Người Mông ta sinh sống đã bao đời ở đây. Sống nhờ rừng, nhưng mấy năm gần đây rừng bị đóng cửa nên dân bản phát nương làm rẫy trồng ngô, trồng sắn. Nghe đài biết người Kinh trồng lúa năng suất cao, vậy là ta xuống núi đi học hỏi".

img
Lỳ Tồng Xúa và cánh đồng lúa nước của gia đình.

Gian nan

Phải hơn 1 năm tích góp, ông Xúa mới đủ tiền mua gạo, một ít thực phẩm chuẩn bị cho chuyến về xuôi. Học người Kinh trồng lúa xong, ông Xúa về nhà bàn với dân bản phải trồng lúa nước mới đổi đời được. Ai cũng bảo ông “điên”, khác gì bắt nước chảy ngược...

Muốn dân bản nghe, mình phải làm gương trước. Nghĩ vậy, ông mua giống lúa nước về, phát nương, hạ núi theo bậc thang để trồng. Do không nắm bắt cặn kẽ quy trình kỹ thuật, lại thiếu nước tưới, cây lúa của ông phất phơ như cỏ may. Ai cũng cười ông.

Thấy ông tâm huyết với lúa nước, UBND xã Tri Lễ đề xuất với UBND huyện Quế Phong cho ông đi tham quan một số mô hình trồng lúa nước trong và ngoài tỉnh. Có kiến thức rồi, nhưng khó khăn nhất với ông lại là lấy nước từ đâu?

Nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng ông Xúa nhớ ra cái khe nước trên đỉnh núi. Nhưng đường lên đỉnh núi để đưa nước về khó như bắc thang lên trời. Đứng nhìn khe nước chảy róc rách đêm ngày trên đỉnh núi, ông Xúa quyết tâm: "Nó phải chảy về làng thôi, không được chảy tự do như con nai, con hoẵng nhảy nhót trong rừng nữa".

Không nản lòng, một mình ông ngày đêm phát cây, bạt núi mở đường. Rồi ông cùng gia đình lấy đá đắp đập ngăn dòng, mở đường cho nước chảy, chỗ nào khó thì chặt bương, xẻ gỗ làm máng. Hơn 1 năm trời gian nan, dòng nước đã "ngoan ngoãn" chảy theo ý ông. từ đỉnh núi tuôn nước xuống những chân ruộng bậc thang. Lúc nước về, bà con làng trên bản dưới đến xem đông như đi hội... Đó là năm 1993.

Bội thu

Vụ lúa đầu, ông làm thử 3 ang giống (mỗi ang 7kg), sau 3 tháng gặt được 221 ang, năng suất gấp 10 lần lúa rẫy. Ròng rã gần 10 năm, nhà ông khai hoang được 2ha lúa nước và trồng nhiều giống lúa mới, mùa nào cũng bội thu.

Ông Lô Hoài Thu - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, cho biết, ông Lỳ Tồng Xúa vừa được tôn vinh là già làng tiêu biểu, điển hình trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của huyện Quế Phong và tỉnh Nghệ An.

Không những trồng lúa, ông còn chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm. Bán lúa, trâu, bò... ông dựng được ngôi nhà sàn to nhất bản, sắm nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền. Con cái của ông đều được học hành đến nơi, đến chốn. Đứa con thứ 2 của ông vào đại học, sự kiện ấy như một phát “đại bác” mở màn cho sự học của người Mông ở bản làng bốn mùa mây trắng giăng này.

Từ kinh nghiệm của gia đình, Lỳ Tồng Xúa vận động bà con trong bản khai hoang thâm canh cây lúa nước, phát triển chăn nuôi. Ông cùng dân bản xây dựng công trình thuỷ lợi từ đỉnh núi và bắt nước từ các con sông, khe suối xa về bản để trồng lúa nước. UBND huyện cử kỹ sư đến hướng dẫn ông và bà con kỹ thuật trồng lúa nước.

Từ ngày có cây lúa nước, bản Huồi Mới 1 không còn cảnh thiếu ăn, con trẻ được đến trường. Nhiều hộ đã làm được nhà to, mua tiện nghi sinh hoạt hiện đại...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem