Từ những cái chết đau lòng vì rượu…
Hơn 20 năm trước, nhiều gia đình người Mông từ Cao Bằng vào đã đến cuối con dốc Cổng trời để định cư. Người làng kể, ngày mới vào đây, họ phải đào từng cụm le, lật từng viên đá để bỏ hạt bắp (ngô) xuống. Đêm đến, cái lạnh của núi rừng xộc vào những ngôi nhà trống hoác phá phách giấc ngủ của mọi người. Vốn người Mông trước nay trong mỗi bữa ăn đều không thể thiếu rượu, nay tha hương, lạnh lẽo nơi đất lạ đã khiến họ càng uống nhiều rượu hơn để ru giấc ngủ...
Từ khi có “luật” cấm rượu, làng Mông đã thay da đổi thịt, cuộc sống của người dân khấm khá hơn...Ảnh: Duy Hậu
“Hồi mới lập làng, dân vẫn lệ xưa, hễ nhà ai có tiệc tùng thì chẳng riêng đàn ông, cả đàn bà cũng uống say sưa chẳng kể thời gian; chỉ khi nào không thể ngồi vững mới thôi. Mỗi tháng có một vài phiên chợ. Do đường xa lại phải gồng gánh nông sản ra chợ để bán nên đa phần người đi chợ là đàn ông. Vừa đến chợ, cơn thèm rượu đã rừng rực lên. Vậy là họ liền ngồi với nhau uống cho thỏa cơn. Rồi nhóm này, nhóm kia; người làng này làng nọ lâu ngày gặp nhau lấy rượu để tỏ lòng… Cứ thế họ uống đến say mèm mới về. Nhiều người chẳng thể nhấc nổi bàn chân, đành nằm vật vạ trên đường mà ngủ…”- ông Lý Văn Thành- Phó thôn 10, thở dài khi nhớ lại chuyện xưa.
Nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra, năm 1999, làng có đến 4 người vì quá say nằm ngủ dọc đường, gặp thời tiết xấu mà vong mạng. Còn số người chết trẻ vì các chứng bệnh do rượu gây ra thì khó liệt kê.
Bỏ rượu để thoát nghèo
Sau cái chết cùng lúc của 4 người đàn ông vào cuối năm 1999 đó, những người uy tín trong làng quyết định họp dân tìm cách bài trừ “ma men”. Sau nhiều ý kiến, mọi người thống nhất cấm người làng tuyệt đối không được uống rượu. Ngay cả việc cúng tế, lễ lạt cũng lấy trà thay rượu. Người nơi khác mang rượu đến uống cũng tuyệt đối không dùng, nếu nhắc nhở vài lần không được thì quyết đuổi khỏi làng. Trong vòng 6 tháng sau khi có “lệnh” cấm, những “ma men” phải tự cai và bỏ hẳn. Nếu sau 6 tháng ai còn uống rượu thì bắt phạt, với hình phạt nặng nhất ai tái phạm là sẽ phải sống biệt lập ngay cả với những người trong gia đình của mình…
“Khi mới ra “luật” cấm rượu việc thực thi cũng rất khó khăn. Bởi tập tục xưa nay nói bỏ ngay thật không dễ. Nên ngoài việc thực thi nghiêm “lệnh”, ban cán sự trong làng đã phải tranh thủ mọi thời gian để vận động, phân tích cho mọi người thấy hết tác hại của rượu, bia… Dù vậy một số “ma men” vẫn lén lút uống rượu, nhưng sau khi bị đưa ra làng kiểm điểm, chỉ trích nhiều người đã tự cảm thấy xấu hổ mà bỏ rượu. Rồi lần lượt mọi người đã chịu làm theo… Tưởng chuyện cấm rượu sẽ khó như lên trời, ra “luật” thế để mọi người uống ít, không ngờ chỉ sau một năm, cả làng chẳng còn ai dám đụng đến rượu” - ông Lầu Văn Xì- Bí thư Chi bộ thôn 9 kể…
Còn ông Hoàng Đình Tạo - Chủ tịch xã Cư Knia cho biết: “Cũng nhờ việc cai rượu mà làng Mông giờ đã thay da đổi thịt. Không chỉ tình an ninh ổn định mà người làng cũng chí thú làm ăn, cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều…”.
Nếu năm 2000, trong 282 hộ của làng Mông có đến một nửa hộ nghèo thì nay, cả 2 thôn chỉ còn chưa đến 20 hộ nghèo. Làng Mông hôm nay, hình ảnh những ngôi nhà tranh lụp xụp chỉ còn trong ký ức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.