Luật đất đai: Lắm kẽ hở nên nhiều người lợi dụng

Thứ hai, ngày 13/02/2012 18:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Luật Đất đai đang bộc lộ ngày càng rõ nhiều kẽ hở khiến cho những người vận dụng nó được nắm cái quyền quá lớn” - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nhấn mạnh.
Bình luận 0
img
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão

Vận dụng sai Luật Đất đai

Theo Luật Đất đai, liệu có thể hiểu rằng đến năm 2013 hơn 10 triệu hộ nông dân đang được giao đất với thời hạn 20 năm sẽ bị thu hồi đất và giao lại cho người khác như trường hợp ở Tiên Lãng, thưa ông?

- Khi những người làm luật vào cuộc và thông qua Luật Đất đai năm 2003 tại Quốc hội thì đều với tinh thần là giao đất lâu dài cho người nông dân, để họ yên tâm sản xuất, đầu tư mang lại hiệu quả lớn cho họ và cho đất nước. Nhưng khi viết vào văn bản luật do không chặt chẽ đã gây ra hai cách hiểu.

Nếu hiểu theo đúng tinh thần các buổi thảo luận thì mọi trường hợp đều có thể xem xét lại. Nếu ai có yêu cầu, nhu cầu, sử dụng đất đúng pháp luật thì được xem xét và tiếp tục làm các thủ tục hành chính để được giao đất. Theo tôi, nếu hiểu theo tinh thần ấy thì là vì dân, bảo vệ nhân dân, và hiểu luật khi thông qua như vậy là hợp lý và tốt cho dân.

Nhưng những người hiểu máy móc thì họ sẽ bắt người dân phải làm các thủ tục phiền hà, gây khó dễ cho dân. Cách viết luật không chặt chẽ, rồi sau đó cũng không có giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho nên đó là những hạn chế của Luật Đất đai cho dù đã được sửa tới 4 lần. Đó cũng là kẽ hở để lãnh đạo huyện Tiên Lãng làm sai luật, vận dụng sai và ép người dân.

Xin phép trở lại lịch sử của vấn đề, tại sao trước năm 1980, đất đai thuộc đa sở hữu, nhưng đến Hiến pháp 1980 lại quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Tại sao lại có sự thay đổi như vậy?

- Khi đó, chúng ta đã tham khảo kinh nghiệm của Liên Xô và các nước khác nên đưa vào Hiến pháp như vậy. Đến Hiến pháp 1992, mặc dù thảo luận nhiều và thấy đó là vấn đề phức tạp, nhưng vẫn chưa vượt được xu hướng thời kỳ những năm 80.

img
Nông dân mong muốn được giao đất lâu dài để yên tâm sản xuất, đầu tư.

Ở đây, chúng ta có phần phê phán cơ quan nhà nước, nhưng cũng cần có sự chia sẻ. Đây là phần trách nhiệm cao hơn công tác quản lý nhà nước. Vì Luật Đất đai do Quốc hội thông qua, một mặt Quốc hội phải chịu trách nhiệm, nhưng nói gì thì nói vẫn phải đảm bảo sự chỉ đạo của Đảng. Do vậy, Đảng cũng cần nghiên cứu, xem xét lại, để tới đây sửa đổi Hiến pháp thì nên sửa như thế nào.

Đến Hiến pháp 1992, mặc dù đã quy định giao đất lâu dài cho người dân, tuy nhiên, Luật Đất đai năm 1993 không những không cụ thể hóa được tinh thần này, mà lại đặt ra thời hạn giao đất 20 năm. Ông lý giải như thế nào về điều này?

- Thời điểm sửa đổi Hiến pháp 1992 là thời điểm sôi sục đổi mới, không khí đổi mới của Đại hội VI vẫn đang hừng hực. Thành ra khi đó tranh luận nhiều nên Điều 17, Điều 18 Luật Đất đai (quy định về quyền sử dụng đất - PV) phải thông qua rất nhiều lần. Lần trước đã thông qua có mở hơn, nhưng lần sau lại thông qua vẫn giống tinh thần Hiến pháp 1980.

Nhưng đến lần sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, vì xa tinh thần sôi động của đổi mới nên còn khép lại nhiều hơn...

Năm 2003, khi tổng kết 10 năm thi hành Luật Đất đai, có 2 luồng ý kiến băn khoăn, một là thời hạn 20 năm quá dài, trong khi một luồng ý kiến khác lại cho rằng như vậy vẫn ngắn. Trong khi các đại biểu Quốc hội lại vẫn ủng hộ mức 20 năm? Liệu có phải khi ấy họ đã tính đến chuyện sau 20 năm sẽ chia lại ruộng đất?

- Tôi cho rằng đó là sự bảo thủ của Quốc hội, trách nhiệm của Quốc hội. Còn Chính phủ lúc đó có ý kiến đề nghị giao đất trong 30 năm hoặc lâu hơn, cho thấy nhận thức tiên tiến hơn. Chúng ta phải thừa nhận Chính phủ đã sát hơn với cuộc sống.

Nhận thức tốt, kết quả mới tốt

Từ vụ việc ở Tiên Lãng đang đặt ra vấn đề rất lớn, đó là sở hữu đất đai. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Tôi cho rằng nên cho phép đa sở hữu về đất đai, như thế mới phù hợp và gần với cuộc sống. Như vậy mới có Luật Đất đai hoàn thiện hơn, cùng với đó sự quản lý nhà nước sẽ tốt hơn. Như hiện nay là chưa hoàn thiện, và quản lý nhà nước từ T.Ư đến địa phương cũng sẽ rất khó. Do vậy, cũng nên chia sẻ với cơ quan hành pháp. Luật đã có khiếm khuyết thì nay lại vận dụng sai, đó là điều không chấp nhận được.

Cho dù có quy định thời hạn thì tinh thần cũng phải là lâu dài mãi mãi, để đến hết đời cha, đời con, người ta vẫn có thể tiếp tục sản xuất được. Đấy chính là trách nhiệm của cơ quan lập pháp.

Chẳng hạn như quyền sử dụng đất đai. Quy định đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng trong Luật Đất đai thì ở khoản 4, Điều 4 quy định, người ta có 5 quyền về chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế... Nếu như vậy có nghĩa là Luật Đất đai công nhận có sở hữu cá nhân, vì phải là đất của mình thì mình mới có quyền chứ. Những nhận thức đó cho thấy chưa có sự thống nhất giữa Hiến pháp và luật. Vì vậy, nhiều ý kiến mới nói Luật Đất đai là “vi hiến”.

Theo nhận định của ông, với lần sửa đổi Hiến pháp này, nhận thức có gì đổi mới hơn, mạnh hơn để thay đổi vấn đề được cho là cốt lõi của sở hữu đất đai trong Hiến pháp?

- Vấn đề đất đai là vấn đề rất khó, quan trọng. Nếu xử lý không trách nhiệm, khách quan đầy đủ thì có thể nghiêng bên này, bên kia. Nghiêng bên này cũng nguy hiểm, bên kia cũng nguy hiểm. Muốn vậy, chúng ta phải dân chủ với dân. Vấn đề đất đai phải trưng cầu ý dân, đưa ra những phương án cụ thể để dân được đóng góp rõ ràng. Nếu chúng ta đi chung chung thì rất khó trả lời. Tôi ủng hộ trưng cầu ý dân và sửa đổi trên cơ sở kết luận ý dân. Lòng dân là trên hết. Nếu chúng ta không làm được như vậy thì tôi tin lần này chưa chắc chúng ta đã sửa được một cách tốt đẹp. Phải có cách làm tốt, nhận thức tốt thì kết quả mới tốt được.

img Từ Hiến pháp đến Luật Đất đai nhận thức không nhất quán nên nhiều hậu quả: Trong khi Nhà nước nghèo khó, một số người cũng nghèo khó đi, thiệt thòi hơn thì lại có một số người rất lợi. Trong xu hướng đất đai ngày càng thu hẹp lại thì chúng ta cần phải chấn chỉnh, sửa lại ngay từ gốc. img

Xin hỏi ông một câu hỏi cuối, hiện nay trên thế giới còn quốc gia nào quy định hình thức sở hữu đất đai như Việt Nam không?

- Tôi biết Trung Quốc vẫn ghi đất đai là sở hữu nhà nước, nhưng cách quản lý họ khác. Họ không cho Luật Đất đai có 5 quyền như Việt Nam. Họ nhất quán từ Hiến pháp đến Luật Đất đai. Thà chặt hẳn như vậy, không thì phải cởi mở để thông thoáng.

Trung Quốc họ quản lý đất đai tốt hơn chúng ta nhiều. Khi cần xây dựng khu công nghiệp, hay mở đường thì cách thu hồi đất của họ cũng khác. Họ thu hồi là thu hồi ngay và trả quyền sống cho người dân xứng đáng như bố trí chỗ ở tại những khu cao tầng, khu chung cư. Trả lại đúng diện tích đó hoặc hơn. Chúng ta không làm được như vậy, và không nhận thức được như vậy.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem