Luật sư phân tích pháp lý vụ san hạ và chuyển đổi đất rừng ở TP.Hòa Bình

Tuệ Linh - Phạm Hoài Thứ hai, ngày 10/04/2023 21:23 PM (GMT+7)
Luật sư nhận định vụ san hạ và chuyển đổi đất rừng sản xuất ở TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình là trái với quy định của pháp luật.
Bình luận 0

San hạ mặt bằng rừng sản xuất trái phép có thể bị phạt lên tới 150 triệu đồng

Trước đó, ngày 8/4/2023, Báo điện tử Dân Việt đăng tải bài: "San hạ mặt bằng và chuyển đổi đất rừng sản xuất ngay tại TP.Hòa Bình" phản ánh về việc hàng nghìn mét vuông đất rừng sản xuất ở phường Kỳ Sơn, (TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã bị một hộ dân san hạ mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng.

Cụ thể: Ông Đào Văn Lương (phố Bãi Nai, xã Mông Hoá, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã san hạ mặt bằng và chuyển đổi mục đích đất rừng sản xuất tại tổ 7, phường Kỳ Sơn, TP.Hòa Bình.

Hòa Bình: Luật sư nói gì vụ san hạ và chuyển đổi đất rừng? - Ảnh 1.

Hàng nghìn mét vuông đất rừng sản xuất bị san hạ mặt bằng Ảnh: Phạm Hoài.

Theo thông tin ông Nguyễn Xuân Chiến, Công chức Địa chính – Xây dựng phường Kỳ Sơn cung cấp: Thứ nhất, ông Lương đã tự ý san hạ mặt bằng trái phép tại thửa đất số 464, tờ bản đồ số 2. Tổng diện tích vi phạm 1,25 ha, loại đất rừng sản xuất do UBND phường Kỳ Sơn quản lý 0,63 ha, Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý 0,62 ha.

Thứ hai, ông Lương tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất nuôi trồng thuỷ sản tại thửa đất số 464, bản đồ số 2. Tổng diện tích vi phạm là 1,75 ha, trong đó UBND phường Kỳ Sơn quản lý 0,9 ha, còn lại 0,85 ha do Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý.

Hòa Bình: Luật sư nói gì vụ san hạ và chuyển đổi đất rừng? - Ảnh 2.

Thạc sỹ, Luật sư Lê Trọng Minh, Công ty Luật hợp danh Thiên Nam thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội. Ảnh: Tuệ Linh.

Từ vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý, Ths.Ls Lê Trọng Minh, Công ty Luật hợp danh Thiên Nam thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội nhận định: Hành vi tự ý san lấp mặt bằng đất rừng sản xuất nếu làm biến dạng địa hình như thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề… đã vi phạm quy định của pháp luật. 

Cụ thể, hành vi trên đã vi phạm quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 3 và khoản 1, Điều 15 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. 

Mức phạt ở khung cao nhất (diện tích vi phạm trên 1 ha) thì có thể bị xử phạt từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng. Ngoài ra còn phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước vi phạm. 

Hòa Bình: Luật sư nói gì vụ san hạ và chuyển đổi đất rừng? - Ảnh 3.

Trong khu đất rừng sản xuất đã xuất hiện một số công trình xây dựng kiên cố. Ảnh: Tuệ Linh.

Nhận định thêm về hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, luật sư Minh cho biết: Theo quy định tại khoản 1, Điều 57, Luật đất đai năm 2013 thì việc chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sản xuất sang đất nông nghiệp khác phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Mặt khác, theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP thì tùy vào mục đích sử dụng trái phép mà có những khung xử phạt khác nhau. Cụ thể với diện tích hơn 1 ha, nếu tự ý chuyển mục đích sang đất nông nghiệp thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; nếu chuyển mục đích trái phép sang đất phi nông nghiệp (như nhà ở) có thể bị xử phạt từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trách nhiệm của địa phương

Nói về trách nhiệm của chính quyền địa phương khi nếu để xảy ra vi phạm, luật sư Minh cho biết thêm:  Theo khoản 3, Điều 23 và Điều 25, Luật Đất đai năm 2013 thì Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền; Công chức địa chính ở phường có trách nhiệm giúp UBND phường trong việc quản lý đất đai tại địa phương. 

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 208, Luật Đất đai năm 2013 thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Như vậy, về mặt hành chính, UBND phường (đứng đầu là Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch được phân công phụ trách về đất đai) cùng Công chức địa chính là những người có trách nhiệm chính trong việc thiếu kiểm tra và chậm trễ trong việc ngăn chặn bởi lẽ diện tích san lấp và quy mô vi phạm lớn như vậy cho thấy sự vi phạm diễn ra trong thời gian dài.

Theo Luật sư Minh, trong thời gian tới, để tránh xảy ra những trường hợp tương tự, những người được giao nhiệm vụ trong quản lý đất đai tại địa phương phải thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật và phối hợp với nhân dân, cơ quan báo chí để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả. 

Đồng thời phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, các tổ chức có trách nhiệm liên quan như Hội đồng nhân dân (có nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc chấp hành pháp luật tại địa phương), các cơ quan Mặt trận Tổ quốc… cũng phải thể hiện trách nhiệm giám sát kịp thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem