Giảm nghèo ở Nánh Nghê của Hòa Bình: Chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp là hướng giảm nghèo bền vững (bài cuối)

Tuệ Linh - Phạm Hoài Thứ hai, ngày 03/04/2023 06:00 AM (GMT+7)
Để giúp người dân trên địa bàn thoát nghèo bền vững, xã Nánh Nghê (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) định hướng bà con tập trung phát triển đàn gia súc, trồng cây lâm nghiệp.
Bình luận 0


Clip: Giải pháp giúp người dân Nánh Nghê thoát nghèo.

Nánh Nghê triển khai nhiều giải pháp để giúp người dân thoát nghèo

Trong bữa cơm tối với chúng tôi, khi được hỏi làm thế nào để giúp người dân giảm nghèo bền vững và hạn chế tái nghèo ở Nánh Nghê, cả đồng chí Bí thư Đảng uỷ và Chủ tịch UBND xã đều cho rằng đây là bài toán nan giải đối với cấp uỷ, chính quyền xã.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đặng Minh Tấn, Huyện uỷ viên, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê thông tin: Ngoài xóm Duốc, trên địa bàn xã còn nhiều xóm có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, chiếm từ 97% – 98% trở lên. Đặc biệt có những xóm ở xa chỉ có duy nhất 1 hộ thoát nghèo.

Hòa Bình: Về nơi “rốn nghèo” Nánh Nghê (Bài cuối): Làm gì để giảm nghèo bền vững? - Ảnh 2.

Ông Đặng Minh Tấn, Huyện uỷ viên, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê trao đổi với pv về hướng đi giúp người dân Nánh Nghê thoát nghèo. Ảnh: Tuệ Linh.

Mặt khác, Nánh Nghê có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đặc thù, nằm cách trung tâm huyện Đà Bắc 84km, địa hình chia cắt, chủ yếu là núi đá, đất đai độ dốc lớn, lũ quét. Ngoài ra, tập quán canh tác lạc hậu khiến đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy khó khăn là vậy, nhưng theo Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê, sau nhiều cuộc họp bàn đi bàn lại thì cũng không phải là không có cách giải bài toán giảm nghèo ở nơi đây.

"Làm gì thì làm, muốn hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới thì việc đầu tiên là phải tìm ra cách giúp bà con nâng cao thu nhập", Chủ tịch xã Nánh Nghê quả quyết.

Hòa Bình: Về nơi “rốn nghèo” Nánh Nghê (Bài cuối): Làm gì để giảm nghèo bền vững? - Ảnh 3.

Để giúp người dân Nánh Nghê thoát nghèo bền vững, xã Nánh Nghê định hướng bà con tập phát triển gia súc, nhất là tập trung chăn nuôi dê núi theo hướng hàng hoá. Ảnh: Tuệ Linh.

Nánh Nghê chọn chăn nuôi làm thế mạnh

Theo đó, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của huyện Đà Bắc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa II, nhiệm kỳ năm 2020-2025, xã đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi gia súc. Đặc biệt, tập trung phát triển đàn dê núi.

Xã Nánh Nghê phấn đấu từ nay đến năm 2025, sẽ có sản phẩm đặc sản dê núi, bởi qua đánh giá và khảo sát trong nhiều năm qua, hiệu quả kinh tế từ đàn dê núi trên địa bàn đem lại rất cao.

Ông Tấn cho biết: Những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, căn cứ tình hình thực tế của địa phương và sự nhất trí của người dân, xã đã triển khai mô hình nuôi dê núi sinh sản theo hướng hàng hoá cho các hộ nghèo và cận nghèo.

Hòa Bình: Về nơi “rốn nghèo” Nánh Nghê (Bài cuối): Làm gì để giảm nghèo bền vững? - Ảnh 4.

Bên cạnh phát triển chăn nuôi gia súc, người dân Nánh Nghê trồng cây trẩu, bồ đề, quế... để nâng cao thu nhập. Ảnh: Phạm Hoài.

Nhờ đó, nhiều hộ không những thoát nghèo bền vững mà đã từng bước làm giàu trên mảnh đất núi đá này. Trong đó, điển hình là hộ gia đình anh Bùi Văn Huế, ở xóm Mọc.

Bên cạnh việc phát triển đàn dê, xã Nánh Nghê cũng đang vận động người dân chú trọng phát triển lâm nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn xã đã trồng một số loại cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương như: Trẩu, quế, bồ đề, xoan.

Theo ông Tấn, phát triển chăn nuôi gia súc và cây lâm nghiệp đã được Đảng ủy xã xác định trong nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội trong toàn nhiệm kỳ cũng như nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của Đảng ủy xã và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND xã.

Hòa Bình: Về nơi “rốn nghèo” Nánh Nghê (Bài cuối): Làm gì để giảm nghèo bền vững? - Ảnh 5.

Anh Lý Mạnh Hùng, Trưởng xóm Duốc chia sẻ: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hiện nay, nhiều hộ dân ở xóm Duốc đang được hỗ trợ giống dê địa phương hay còn gọi là dê núi để chăm sóc.

Để đàn dê phát triển tốt và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con, cán bộ khuyến nông xã đã cùng với Ban quản lý xóm đến từng hộ được nhận hỗ trợ để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Chúng tôi kỳ vọng, sau khi dự án kết thúc, các hộ được hỗ trợ sẽ thoát được nghèo. Đồng thời, tập trung nhân rộng các mô hình nuôi dê núi hiệu quả, bởi đây là giống địa phương nên rất phù hợp với khí hậu và điều kiện núi đá ở đây.

Hòa Bình: Về nơi “rốn nghèo” Nánh Nghê (Bài cuối): Làm gì để giảm nghèo bền vững? - Ảnh 6.

Nhà nước đầu tư xây dựng trường học mầm non cho các cháu học sinh ở xóm Duốc, xã Nánh Nghê. Ảnh: Phạm Hoài.

Đến nay, xóm Duốc có 16ha lúa ruộng; hơn 40ha cây trẩu, bồ đề; 80 con dê, 60 con trâu, bò và trên 400 con gia cầm. Thời gian tới, bám sát những chỉ đạo của xã Nánh Nghê, để nâng cao thu nhập và làm tốt công tác giảm nghèo, xóm sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động người dân chú trọng xây dựng mô hình nuôi dê, bò và tăng thêm diện tích trồng cây lâm nghiệp.

Theo ông Đặng Minh Tấn, trong nhiệm kỳ năm 2020-2025, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 – 5%/năm.

Để hoàn thành các mục tiêu này, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hòa Bình: Về nơi “rốn nghèo” Nánh Nghê (Bài cuối): Làm gì để giảm nghèo bền vững? - Ảnh 7.

Trung tâm xã Nánh Nghê nằm giữa bốn bề núi đá. Ảnh: Phạm Hoài.

Song song với đó, tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi bản địa; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện chuyển giao kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.

Mặt khác, đối với một địa phương có địa hình chia cắt, phức tạp, núi đá, diện tích đất canh tác ít như Nánh Nghê, xã sẽ kiến nghị với UBND huyện Đà Bắc kết nối, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức các buổi giới thiệu việc làm để định hướng người dân đi làm việc ngoại tỉnh hoặc xuất khẩu lao động.

Hiện, xã Nánh Nghê có 821 hộ dân, 3.211 nhân khẩu. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 225,16ha; 70ha cây lâm nghiệp; có 1848 con trâu, bò; 460 con dê; 3.650 con lợn; trên 7.000 con gia cầm.

Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở Nánh Nghê là 60,26%; thu nhập bình quân 17 triệu đồng/người/năm. Đến nay, nhờ làm tốt công tác giảm nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 17,4%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 51%; thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem