Giảm nghèo ở Nánh Nghê của Hòa Bình: Cả xóm Duốc mới có 2 hộ thoát nghèo (bài 1)

Tuệ Linh - Phạm Hoài Thứ bảy, ngày 01/04/2023 11:42 AM (GMT+7)
Sau gần 4 tiếng vượt tỉnh lộ 433 quanh co sát mép núi, bên dưới là vực sâu, chúng tôi đặt chân đến xóm Duốc - xóm đặc biệt khó khăn của xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Xóm có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên 96%.
Bình luận 0

Xóm "nghèo bền vững"

Xóm Duốc là nơi sinh sống của 52 hộ đồng bào người Dao, Mường với 233 nhân khẩu. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo ở xóm là 100%, song nhờ các chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, đến nay, xóm có 2 hộ thoát nghèo, còn lại là hộ nghèo và cận nghèo.

Chúng tôi cùng chị Bùi Thị Kim Uyên, cán bộ khuyến nông – thú y xã Nánh Nghê và anh Đặng Duy Hưng, Bí thư Chi bộ xóm Duốc ghé thăm gia đình ông Lý Văn Hành.

Về nơi “rốn nghèo” Nánh Nghê (Bài 1): Cái nghèo ở Xóm Duốc - Ảnh 2.

Cuộc sống khó khăn trong gian nhà rộng chừng 30 m2 của gia đình ông Lý Văn Hành, xóm Duốc, xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Phạm Hoài.

Ông Hành năm nay 48 tuổi. Gia đình có 3 nhân khẩu thì người con đi làm ăn xa; còn vợ ông Hành thì đi vào rừng kiếm rau cỏ làm thức ăn. Hai vợ chồng ông sinh sống trong căn nhà gỗ thấp, rộng chừng khoảng 30 m2 trên lưng chừng núi.

Khi được chúng tôi hỏi nhà nuôi bao nhiêu con gia súc và mấy thửa ruộng, người đàn ông dân tộc Dao với gương mặt khắc khổ nói tiếng Kinh lơ lớ bảo: Nhà nuôi có một con trâu thôi, ruộng thì có một tý.

Theo quan sát của chúng tôi, đồ đạc, chăn màn, quần áo trong nhà vứt chỏng chơ. Đầu hồi ngôi nhà được vá tạm bằng bạt. Tài sản lớn nhất trong ngôi nhà của ông Hành là 7 bao thóc; chiếc xe máy cà tàng duy nhất của gia đình rơi xuống cống trong một lần đi làm nên giờ 2 vợ chồng cuốc bộ mưu sinh.

Về nơi “rốn nghèo” Nánh Nghê (Bài 1): Cái nghèo ở Xóm Duốc - Ảnh 3.

Tài sản đáng giá nhất trong ngôi nhà ông Hành là mấy bao thóc. Ảnh: Tuệ Linh.

"Nghèo lắm cán bộ ơi, tài sản chỉ có khung nhà thôi. 7 bao thóc này không đủ ăn cho cả năm đâu. Vợ chồng phải đi làm thuê để có tiền mua thêm gạo ăn", ông Hành nói.

Tạm biệt gia đình ông Hành, chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Văn Nguyên, sinh năm 1967. So với ngôi nhà gỗ thấp bé của ông Hành thì nhà cửa của ông Nguyên rộng và thoáng hơn một chút.

Trong căn nhà gỗ của ông Nguyên cũng chẳng có tài sản gì đáng giá ngoài 10 bao thóc. Đồ đạc trong nhà để rải rác khắp nơi. Gian bếp của ngôi nhà được làm tuềnh toành bằng mấy khúc tre, gỗ, nay đã bị mối mọt.

Về nơi “rốn nghèo” Nánh Nghê (Bài 1): Cái nghèo ở Xóm Duốc - Ảnh 4.

Đầu hồi của ngôi nhà ông Hành được che tạm bằng bạt, nửa tường được quây bằng fibro xi măng. Ảnh: Phạm Hoài.

Ông Nguyên có dáng người gầy nhom, khuôn mặt đen sạm nhuộm mà nắng gió. Gia đình có 3 nhân khẩu. Hai vợ chồng đều có tuổi, con trai lại bị thiểu năng nên dù vất vả làm mãi nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyên bảo: Nhà có 1 con trâu; diện tích đất trồng sắn, ngô khoảng 2.000m2; diện tích ruộng hơn 300m2. Gia đình đã cố gắng lắm rồi cán bộ ơi, nhưng không hiểu sao vẫn cứ nghèo?

Theo chị Uyên và anh Hưng, gia đình ông Hành và ông Nguyên thuộc diện "nghèo bền vững", bởi hàng chục năm nay đều nằm trong danh sách hộ nghèo.

Về nơi “rốn nghèo” Nánh Nghê (Bài 1): Cái nghèo ở Xóm Duốc - Ảnh 5.

Ông Lê Văn Nguyên, xóm Duốc, xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình chia sẻ về cuộc sống khó khăn với PV. Ảnh: Phạm Hoài.

Nguyên nhân "rốn nghèo" ở xóm Duốc

Trao đổi với phóng viên, anh Lý Mạnh Hùng, Trưởng xóm Duốc thông tin: Xóm có 52 hộ, 233 nhân khẩu; trong đó có 36 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo.

Theo Trưởng xóm Duốc, cách đây khoảng 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo ở đây là 100%. Bà con lao động sản xuất theo lối canh tác lạc hậu nên đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn.

Từ thời các cụ, ông, bà đến thế hệ bây giờ đều nghèo nên người dân xóm Duốc đã quá quen với cái nghèo. 

Về nơi “rốn nghèo” Nánh Nghê (Bài 1): Cái nghèo ở Xóm Duốc - Ảnh 6.

Người dân xóm Duốc vẫn đang còn thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Tuệ Linh.

Khi được hỏi về lý do tại sao người dân ở đây vẫn mãi nghèo, anh Hùng thật thà bảo: Không chỉ xóm Duốc mà cả xã Nánh Nghê nằm cách xa trung tâm huyện, địa hình đồi núi đá phức tạp, chia cắt nhiều. Đất đai bạc màu, độ dốc lớn, mùa mưa lũ dễ bị xói lở nên gây nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, diện tích đất canh tác không đảm bảo, thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt; tập quán canh tác lạc hậu; một bộ phận người dân lười lao động vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên bà con vẫn cứ mãi nghèo.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đặng Minh Tấn, Huyện uỷ viên, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Nánh Nghe thông tin: Trong 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 (như việc làm, y tế, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông và tiếp cận thông tin) thì xóm Duốc thiếu rất nhiều. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở xóm Duốc vẫn chiếm tỷ lệ trên 96%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem