Vụ án đã khép lại từ sáu năm trước nhưng luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) vẫn không quên kỷ niệm ngày đầu mới chân ướt chân ráo bước vào nghề. Ông đã tìm mọi cách giúp bị cáo trong vụ án hiếp dâm trẻ em được hưởng mức án nhẹ nhất, bằng mức khởi điểm của khung hình phạt nhưng sau đó gia đình bị cáo cứ nằng nặc bắt đền: “Luật sư cãi kiểu gì mà con tôi bị kịch khung vậy?”…
“Họ đáng thương hơn đáng trách”
Khu vực nhà A ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) có nhiều công nhân nữ. Quen chị P từ trước, một chiều đợi chị tan sở, A xin quá giang về. Không đắn đo, chị P đưa xe cho A chở. Đến đoạn đường vắng, A chở thẳng chị vào bãi rác trống để thực hiện hành vi đồi bại. Chị P phản ứng thì A đánh và dọa nếu không im lặng “sẽ kêu giang hồ đến xử”. Sáng hôm sau, chị P đến công an trình báo. Bị mời lên làm việc, A phủ nhận tất cả.
Vài ngày sau, cũng với thủ đoạn trên, A đã hiếp dâm một cháu gái mới 15 tuổi nên bị khởi tố về tội hiếp dâm trẻ em. Tại cơ quan điều tra (CQĐT), A nhận tội, đồng thời nhận luôn về hành vi hiếp dâm chị P nên bị CQĐT khởi tố thêm tội hiếp dâm.
Được gia đình A mời bào chữa, luật sư Thành tìm hiểu thì được biết cha mẹ A trước kia là nông dân, sau này trong quá trình đô thị hóa, cha A trở thành thợ sửa xe, còn mẹ A buôn thúng bán bưng. “Lúc đầu tôi khuyên họ bồi thường cho các nạn nhân để khắc phục hậu quả nhưng họ không chịu. Cho tới khi biết điều này sẽ giúp con được hưởng tình tiết giảm nhẹ, họ đã đồng ý” - vị luật sư nhớ lại.
Hoàn cảnh gia đình A chẳng mấy khá giả, luật sư Thành dành luôn tiền thù lao 5 triệu đồng của mình để cùng họ bồi thường cho hai nạn nhân mỗi người 20 triệu đồng. Đích thân ông cùng cha mẹ A đến tận nhà hai nạn nhân mong được tha thứ. Sau đó chị P rút đơn tố cáo, người mẹ của cháu gái nạn nhân cũng viết đơn bãi nại. Theo quy định, A chỉ được đình chỉ điều tra về tội hiếp dâm nhưng vẫn bị truy tố về tội hiếp dâm trẻ em theo khoản 2 Điều 112 BLHS (khung hình phạt từ 12 năm tù đến 20 năm tù).
Ngày tòa xử, luật sư Thành đã trình bày hết các tình tiết giảm nhẹ để xin tòa khoan hồng, giảm nhẹ cho bị cáo. Tòa chấp thuận lời bào chữa của ông, chỉ kết án A theo khoản 1 Điều 112 BLHS và phạt mức thấp nhất của khung hình phạt là bảy năm tù.
Vậy mà hai ngày sau, cha A gọi điện thoại cho luật sư la inh ỏi: “Luật sư cãi kiểu gì mà con tôi bị kịch khung vậy?”. Theo luật sư Thành, có thể là người nhà A đã nhầm giữa hai tội hiếp dâm trẻ em và tội hiếp dâm. Bởi bảy năm tù là mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 112 BLHS (tội hiếp dâm trẻ em) nhưng là mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 111 BLHS (tội hiếp dâm).
“Tôi đã ra sức giải thích cho họ biết rằng hai tội khác nhau nên mức án cũng khác nhau. Nhưng tôi nói thế nào họ cũng không chịu, họ cứ bảo “sách ghi tội hiếp dâm án từ hai năm tù đến bảy năm tù. Luật sư cãi kiểu gì mà đến bảy năm tù!”” - luật sư Thành thở dài.
Mỗi ngày, bất kể sáng hay đêm, rảnh lúc nào là cha mẹ A gọi lúc đó, toàn nặng lời chỉ trích khiến luật sư Thành rất mệt mỏi. Nói chuyện qua điện thoại không xong, ông đến tận nhà, lật sách ra chỉ rõ cho họ thấy cũng chẳng ăn thua. Hai tháng sau, cha mẹ A kiện luật sư ra tòa.
“Tôi không biết tòa giải thích như thế nào nhưng sau đó họ rút đơn kiện. Cũng từ đó tôi không còn phải nghe những cuộc điện thoại nặng lời nữa. Họ bảo không tin luật sư vì nghe người ta nói luật sư có thể đổi trắng thay đen. Chỉ có tòa, nơi cầm cán cân công lý mới giúp họ nhận ra sự thật” - vị luật sư trầm giọng.
“Nhưng tôi không trách, không giận họ. Tôi chỉ buồn là pháp luật chưa được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến người dân nên mới có những hiểu lầm đáng tiếc như vậy. Họ đáng thương hơn đáng trách mà!” - ông tâm sự.
“Tôi hiểu hoàn cảnh của họ”
Cách đây mấy năm, trong một lần bào chữa chỉ định cho một bị cáo chưa thành niên bị truy tố về tội tổ chức đánh bạc với vai trò đồng phạm ở huyện Cần Giờ, luật sư Nguyễn Tuấn Lộc (Đoàn Luật sư TP.HCM) nghiên cứu hồ sơ và bất ngờ khi thấy ông C - cha của bị cáo cũng bị khởi tố trong vụ án với tội danh trên. Chưa cần ông C lên tiếng nhờ, luật sư Lộc đã chủ động tình nguyện bào chữa miễn phí luôn cho cả hai cha con.
Theo hồ sơ, hôm đó là khoảng mùng 3 tết, khá nhiều người hàng xóm rảnh rỗi đã tụ lại chòi nhà ông C đánh bài ăn tiền. Thỉnh thoảng họ lại nhờ cậu con trai của ông C đi mua mì và thuốc lá. Những người chơi thỏa thuận nếu ai thắng đợt nào sẽ chia cho hai cha con ông C một ít tiền. Sau khi bị công an bắt quả tang, năm người bị xử phạt hành chính, 15 người bị khởi tố về các tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
Để tìm hiểu và tư vấn cho thân chủ, không ít lần luật sư Lộc chạy xe máy từ TP về nhà ông C ở Cần Giờ, trên con đường hơn 60km bụi mù vì đang thi công dở dang. Sau đó ba lần ông xuống Cần Giờ tham dự phiên tòa thì ba lần đều bị hoãn. Lần thứ tư tòa xử, cũng may đến 10h sáng thì các bị cáo có mặt đông đủ và HĐXX vào làm việc.
Tòa xử liền một mạch đến 15h chiều mới vào nghị án. Đói, khát, mệt lả người nhưng luật sư Lộc thấy rất vui vì HĐXX đã chấp nhận lập luận của ông tại phiên tòa và tuyên cho cả hai cha con ông C được hưởng án treo.
Vậy mà vừa bước ra khỏi phòng xử, luật sư Lộc đã ngớ người khi nghe con gái ông C hậm hực chửi đổng: “Có luật sư mà vẫn có tội thì cần gì luật sư”. Giờ ngồi nhớ lại, ông vẫn ngậm ngùi: “Tôi nghe vậy buồn lắm nhưng biết làm sao bây giờ. Tôi đâu có thể đi đôi co với họ. Đành rằng người con gái còn trẻ, hiểu biết chưa tới nên mới nói vậy. Nhưng ông C nghe vậy cũng chẳng nói chẳng rằng, rồi ba cha con cứ thế lủi lủi ra về”.
Lúc đó, chị thẩm phán thấy luật sư Lộc một mình đứng sững sờ ngoài hành lang, thấy tội nghiệp bèn gọi giúp ông một tô mì ăn đỡ đói. Rồi luật sư cũng phải tự an ủi mình: “Tôi hiểu và thông cảm cho họ bởi hoàn cảnh của họ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, có được học hành đến nơi đến chốn đâu mà giận họ cơ chứ!”.
(Theo Ngân Nga/Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.