Luật sư phiên xử vụ "5 công an dùng nhục hình": Dấn thân vì người "bé họng"

Thứ hai, ngày 07/04/2014 06:28 AM (GMT+7)
Dẫu bản án vẫn còn nhiều điều đáng nói, nhưng ít ra tiếng nói đòi công lý đã được dõng dạc cất lên. Và hình ảnh người luật sư mảnh khảnh nhưng mạnh mẽ Võ An Đôn đã in dấu trong lòng dân…
Bình luận 0
Tiếng nói dõng dạc từ phiên sơ thẩm

Luật sư Đôn tâm sự với PV NTNN-Dân Việt: “Khi anh Kiều bị đánh chết, vợ anh Kiều khi ấy đang sắp sinh đã đến nhờ tôi kêu oan. Tôi nhận lời bảo vệ miễn phí vì thấy quá đau lòng trước cảnh hai đứa trẻ mồ côi, trong đó có bé chưa thấy mặt cha, gia cảnh thì nghèo khó. Nhận nhưng lòng cũng ưu tư lắm, vì biết vụ này không hề dễ”.

Quyết theo vụ án này, luật sư Đôn đã bị “khó dễ” trong quá trình tiếp cận hồ sơ, thủ tục tham gia dự tòa. Trong phiên xử, anh liên tiếp bị ngắt lời, phủ nhận những ý kiến tranh luận dẫu rất xác đáng...

Luật sư Võ An Đôn (ảnh trái)  và gia đình nạn nhân Kiều tại tòa xử 5 công an dùng nhục hình.
Luật sư Võ An Đôn (ảnh trái) và gia đình nạn nhân Kiều tại tòa xử 5 công an dùng nhục hình.

Tại tòa, anh quyết liệt đề nghị dẫn giải nhân chứng “cộm cán” là thượng tá Lê Đức Hoàn - Phó trưởng Công an TP.Tuy Hòa; rồi đề nghị khởi tố ông này 3 tội danh bắt giữ người trái pháp luật, dùng nhục hình (vai trò đồng phạm) và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng. “Người có dấu hiệu phạm 3 tội chỉ bị cảnh cáo, trong khi các nghi can khác chỉ phạm 1 tội đã bị khởi tố, phải chăng pháp luật như tấm lưới chỉ bắt được những con cá nhỏ?” - luật sư Đôn khẳng khái.

Tranh luận, nêu ý kiến đanh thép, sắc sảo xung quanh tội danh của 5 công an dùng nhục hình và những người liên quan “ẩn mặt”, luật sư Đôn cho hay, phải làm hết sức để người dân oan “thấp cổ bé họng” tin vào công lý, tin rằng bất cứ ai làm sai, kể cả người thi hành công vụ, cũng phải chịu án thích đáng. Đặc biệt với những vụ mà người dân bị chết trong nhà tạm giam, tạm giữ như vụ án này, đa phần từ trước tới nay đều khó có thể làm tới nơi tới chốn vì vấn đề liên quan, dính dáng tới chính những người thực thi công vụ.

Cũng tại phiên tòa này, luật sư Đôn đã dõng dạc yêu cầu Thiếu tướng Phạm Văn Hoá - Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên phải chịu trách nhiệm trước vụ việc và từ chức, vì đã để cho các thuộc cấp gây ra sự việc nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của Công an Phú Yên nói riêng và ngành công an nói chung.

Làm nông nuôi nghề luật

Buổi sáng tôi tìm lên nhà cũng là lúc luật sư Đôn vừa xong “cữ” cà phê, chuẩn bị vác cuốc ra đồng. Mẹ mất đã nhiều năm, Đôn đang ở cùng cha già 86 tuổi; cha anh vốn là một cựu chiến binh thời chống Pháp, Mỹ. Lột bộ cánh “tinh tươm” trên công đường, là thấy một An Đôn chăm chỉ quần quật với công việc nhà nông. Giơ bàn tay ngón thon nhưng chai sần vì cày cuốc, Đôn cười: “Mấy sào ruộng vườn, nuôi bò, gà, vịt,… cũng đủ sống!”.

Năm nay 37 tuổi (SN 1977), Đôn học phổ thông ở quê rồi khăn gói tốt nghiệp 2 bằng cử nhân (luật và xã hội học) tại TP.HCM. Từ 2003 - 2006, Đôn là chuyên viên Phòng Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên. Thế nhưng “thấy công việc không đúng chuyên môn”, anh đi học khóa đào tạo luật sư, rồi nghỉ làm cán bộ, lên huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) mở văn phòng luật sư. Nhưng rồi, có thể vì cái tên văn phòng Dân Chủ quá nhạy cảm, anh lại bị làm khó đủ đường nên đành quay về quê nhà (thôn Phước Thịnh, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa) mở Văn phòng luật sư Võ An Đôn.

Là người hiểu khá rõ về đồng nghiệp trẻ, luật sư Nguyễn Khả Thành - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Phú Yên đánh giá: “Có lẽ lớn lên từ nông thôn, bản thân vẫn ngày ngày gắn bó với ruộng vườn, gà vịt nên Đôn hiểu và yêu nông dân. Đôn cũng rất vô tư khi trợ giúp, giải tỏa những khúc mắc, oan khuất mà người dân quê tin tưởng nhờ cậy”.

Riêng với vụ xử “5 công an dùng nhục hình”, luật sư Thành cho rằng, Đôn đã tỏ rõ bản lĩnh, sự kiên định của một người bảo vệ công lý, bảo vệ người dân oan thấp cổ bé họng khi một thân một mình đi lại nhiều nơi thu thập tài liệu trong áp lực kinh khủng và những khó dễ nhất định từ các cơ quan chức năng địa phương. Nhưng ngay cả sự nguy hiểm cũng không khiến Đôn nhụt chí, mất niềm tin vào bản thân.

Chính Đôn cũng tự tin thừa nhận thế mạnh của mình: “Tôi làm nghề với tất cả sự đam mê, với tình cảm dành cho bà con nông dân, những người thường chịu thiệt thòi trên con đường “đáo tụng đình”. Nhưng rồi anh lại ưu tư ngay: “Nông thôn giờ nhiều vụ oan khuất lắm anh ơi, mà trình độ hiểu biết của bà con mình còn hạn chế nên rất dễ bị thất thế! Có người hỏi tôi có bị áp lực trong vụ này không? Có chứ, từ rất nhiều phía nhưng biết mình đúng nên tôi vẫn quyết làm tới cùng”.

May mắn cho dân nghèo

Mấy năm nay, Đôn là cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Yên (thuộc Sở Tư pháp tỉnh). Công việc của anh là hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, người phạm tội dưới 18 tuổi…

Ngoài mức án được cho là khá “nhẹ nhàng” dành cho 5 bị cáo, tòa cũng tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường cho gia đình ông Kiều 99 triệu đồng. Bên cạnh đó, Công an TP.Tuy Hòa phải chu cấp cho 2 con ông Kiều từ nay đến khi đủ 18 tuổi với mức 575.000đ/tháng/cháu.

“Trước đây, một số anh em đi trước đã khuyên Đôn nên ra thành phố để có điều kiện phát huy năng lực nhưng Đôn đã dứt khoát chọn mảnh đất quê nhà để hành nghề. Theo tôi, văn phòng của Đôn được coi là văn phòng luật sư hiếm hoi ở nông thôn nước ta. Nói theo ngôn ngữ “kinh tế”, phân khúc khách hàng Đôn chọn chính là nông dân, người nghèo…, nên anh cũng phải nghèo theo! Quan trọng là anh vui vẻ, say mê với lựa chọn của mình: Đó là dấn thân vì người dân thấp cổ, bé họng” - luật sư Nguyễn Khả Thành chia sẻ.

Nói về luật sư Đôn, bà Ngô Thị Tuyết (chị ruột nạn nhân Kiều) cảm kích: “Vụ án của em tôi, nếu không có luật sư Đôn thì gia đình tôi cũng đành “bó tay” để nó “chìm xuồng”. Thời gian vừa qua không dài nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được tấm lòng nhân ái của luật sư Đôn. Tôi biết, khi nhận vụ án này giúp gia đình chúng tôi, luật sư Đôn có thể bị đe dọa và cô lập về kinh tế nhưng anh chẳng hề đắn đo. Giờ anh đang nhiệt tình giúp gia đình tôi kháng cáo”.

Bà Tuyết nói thêm: “Trước khi gặp luật sư Đôn, gia đình tôi đã gom góp 50 triệu đồng đến nhờ một số luật sư bảo vệ. Nhưng họ đều từ chối vì sợ… đụng công an. May mắn thay, luật sư Đôn đã nhận lời giúp đỡ ngay khi chúng tôi ngỏ lời”.
Đức Tuấn (Đức Tuấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem