Luật Xuất bản được Quốc hội thông qua năm 2004, đến nay tỏ rõ không theo kịp sự phát triển của hoạt động xuất bản, in và phát hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nên cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo điều kiện để hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm tiếp tục phát triển.
Luật Xuất bản điều chỉnh 3 lĩnh vực: Xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Hiện nay, trong lĩnh vực in còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Tình hình hoạt động in đang diễn ra rất phức tạp, lộn xộn, bừa bãi, khó kiểm soát dẫn đến tình trạng in lậu, in giả giấy tờ quản lý nhà nước xảy ra khá phổ biến, đang có nguy cơ “giết chết” ngành xuất bản chân chính, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tiếp tay cho không ít người gian dối về trình độ học vấn bằng hình thức sử dụng bằng cấp giả; lừa gạt, chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân bằng các giấy tờ quản lý nhà nước giả, như: Sổ đỏ giả, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả...
|
Các quy định về hoạt động in đang thiếu thống nhất. |
Trong khi đó, việc điều chỉnh hoạt động in của các cơ sở in xuất bản phẩm và các cơ sở in không phải xuất bản phẩm không cùng một khung pháp lý, không cùng một chế tài xử lý thống nhất.
Luật Xuất bản hiện hành mới chỉ điều chỉnh hoạt động của các cơ sở in in xuất bản phẩm, còn hoạt động của các cơ sở in in các sản phẩm không phải xuất bản phẩm được điều chỉnh bằng Nghị định số 105/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Như vậy, có thể hiểu rằng, quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động in đang thiếu thống nhất.
Trước năm 2004, cả nước chỉ có hơn 160 cơ sở in với những thiết bị in thô sơ lạc hậu có giá vài chục triệu đồng một chiếc máy in, đến nay có khoảng gần 1.500 cơ sở in với những công nghệ, thiết bị in hiện đại, trong đó, có những máy in trị giá gần 100 tỷ đồng.
Hơn nữa, Nghị định số 105/2007/NĐ-CP của Chính phủ còn có “lỗ hổng” pháp lý cần được điều chỉnh bổ sung để đưa vào luật. Đó là, cơ sở in không tham gia in xuất bản phẩm khi thành lập và hoạt động theo Nghị định số 105/2007/NĐ-CP của Chính phủ đại đa số là không phải thông qua cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành in (trừ in báo chí, tem chống giả), chỉ đăng ký kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh là được hoạt động, cơ quan đăng ký kinh doanh lại không có chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động in, nên vô hình trung các cơ sở in này không ai kiểm soát, bị buông lỏng trong quá trình hoạt động in.
Theo quan điểm của cá nhân, khi làm luật phải hướng đến 2 mục tiêu: Một là, tạo điều kiện cho lĩnh vực mà luật điều chỉnh phát triển. Hai là, Nhà nước phải quản lý được. Luật Xuất bản (sửa đổi) lần này không nằm ngoài 2 mục đích đó và thống nhất cùng một khung pháp lý đối với việc điều chỉnh hoạt động in, tạo thuận lợi cho ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm phát triển lành mạnh.
Phạm Trung Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.