Lùm xùm xã hội hóa trường Phạm Văn Đồng: Chủ đầu tư phân trần

Công Xuân Chủ nhật, ngày 27/01/2019 13:34 PM (GMT+7)
Đại diện Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) cho biết sắp tới, lãnh đạo tập đoàn sẽ chính thức trả lời tất cả những vấn đề vướng mắc liên quan đến chủ trương xã hội hóa trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi).
Bình luận 0

Chiều 26.1, tại buổi gặp mặt với báo chí, bà Trần Thúy Trâm Quyên - Giám đốc truyền thông - thương hiệu NHG đã cung cấp thông tin về những ý kiến thắc mắc, nghi ngờ việc chính quyền Quảng Ngãi đồng ý chủ trương cho tập đoàn này thực hiện xã hội hóa trường Đại học Phạm Văn Đồng.

Theo thông tin mà đại diện NHG cung cấp, thực thiện kêu gọi đầu tư của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ngãi, NHG đã đầu tư xây dựng "Thành phố Giáo dục Quốc tế", có diện tích gần 10ha, tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng tại phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi (IEC Quảng Ngãi). Đến thời điểm này dự án đã thực hiện đúng tiến độ và cam kết với các cấp ngành của tỉnh. Dự kiến, đến tháng 5, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào, nên hiện IEC Quảng Ngãi đang tổ chức tuyển sinh cho năm học 2019-2020.

img

Một góc khuôn viên bên trong Trường Đại học Phạm Văn Đồng. (Ảnh: C.X)

Từ kết quả thành công thành bước đầu của IEC Quảng Ngãi, NHG đề xuất và được chính quyền tỉnh đồng ý cho nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất đầu tư phát triển trường Đại học Phạm Văn Đồng theo hướng xã hội hóa. Nếu nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm của các cấp ngành và dư luận tỉnh, NHG cam kết đầu tư để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của trường Đại học Phạm Văn Đồng giống như hơn 50 cơ sở giáo dục khác mà NHG đã triển khai và thực hiện tại 16 tỉnh, thành trong cả nước.

Tuy nhiên trước những thắc mắc và nghi ngờ NHG lợi dụng chủ trương này để chia đất, phân lô bán nền; xã hội hóa trường Đại học Phạm Văn Đồng và biến trường này thành trường tư thục, ảnh hưởng đến việc đào tạo cho con em nghèo và vùng miền núi của tỉnh..., đại diện NHG khẳng định: "Không thể có chuyện NHG lấy cơ sở hạ tầng của Trường Đại học Phạm Văn Đồng để kinh doanh bất động sản vì đây là đất phục vụ mục đích giáo dục, là tài sản của Nhà nước và do UBND tỉnh quản lý".

Những chi phí ngân sách trước đây dùng vào công tác vận hành Trường Đại học Phạm Văn Đồng sẽ được dành cho việc phát triển các cấp học khác nhau, đào tạo các đối tượng ưu tiên; NHG sẽ có nhiều học bổng khuyến khích học tập, hỗ trợ sinh viên nghèo của tỉnh có thêm điều kiện học tập. Ngoài ra, nhờ mối quan hệ đối tác với các trường đại học ở nước ngoài, sinh viên trường Đại học Phạm Văn Đồng, cũng như các trường khác thuộc NHG, có cơ hội nhận học bổng du học ở nhiều trường đại học nước ngoài.

img

Đoàn cán bộ của tỉnh Quảng Ngãi trong chuyến thăm một cơ sở giáo dục của NHG. (Ảnh: NHG)

Về tương lai của của cán bộ, giảng viên và nhân viên trường Đại học Phạm Văn Đồng sau khi được xã hội hóa, đại diện NHG cho biết: "Sẽ tiếp nhận toàn bộ và hoan nghênh cán bộ, giảng viên của trường gia nhập vào đội ngũ của NHG. Nếu có nhu cầu, cán bộ và giảng viên trường Đại học Phạm Văn Đồng sẽ được quyền chọn và luân chuyển giảng dạy, làm việc ở các trường đại học thành viên của NHG như trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU), trường Đại học Hoa Sen (HSU), trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (BVU), trường Đại học Gia Định (GDU)".

Đối với nghi vấn được lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi dành nhiều "ưu ái", vị đại diện NHG bày tỏ: "Ở các tỉnh, thành có hệ thống giáo dục của NHG, chúng tôi đều nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ tích cực từ chính quyền địa phương. Sau khi tìm hiểu, thị sát thực tế hoạt động của các cơ sở giáo dục NHG tại các tỉnh thành trong nước (có Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng tham dự), UBND tỉnh Quảng Ngãi mới đồng ý cho chủ trương phát triển trường Đại học Phạm Văn Đồng theo hướng xã hội hóa. Hiện mới là chủ trương chứ chưa phê duyệt, không thể nói lãnh đạo tỉnh ưu ái NHG được. Sắp tới, lãnh đạo tập đoàn sẽ trả lời tất cả những vấn đề liên quan đến chủ trương xã hội hóa trường Đại học Phạm Văn Đồng".

Được biết, thời gian qua, chủ trương của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đồng ý cho NHG thực hiện xã hội hóa trường Đại học Phạm Văn Đồng, gây nhiều tranh cãi trong dư luận ở địa phương vì hoạt động của trường sau gần 12 năm kể từ khi thành lập ổn định, cách triển khai chủ trương của tỉnh chưa phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem