Quảng Ngãi: Ý kiến trái chiều vụ xã hội hóa Trường ĐH Phạm Văn Đồng

Công Xuân Thứ sáu, ngày 25/01/2019 14:31 PM (GMT+7)
Để làm rõ hơn về chủ trương giao cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (Công ty Nguyễn Hoàng) xã hội hóa Trường Đại học (ĐH) Phạm Văn Đồng của UBND tỉnh Quảng Ngãi trong dư luận địa phương, PV Dân Việt đã trao đổi và ghi lại ý kiến từ cựu sinh viên, giáo viên của trường này và lãnh đạo huyện trong tỉnh.
Bình luận 0

Cùng bày tỏ không đồng tình đối với cách triển khai phương án giao cho Công ty Nguyễn Hoàng thực hiện xã hội hóa Trường ĐH Phạm Văn Đồng, Ban giám hiệu trường này bác bỏ yêu cầu của Sở Tài chính Quảng Ngãi về việc cử thành viên tham gia Tổ công tác, do ông Đặng Ngọc Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi làm Tổ trưởng (nhằm tham mưu cho tỉnh thẩm định, triển khai thực hiện phương án xã hội hóa trên).

img

Trường ĐH Phạm Văn Đồng.

Cụ thể tại Văn bản số 50/ĐHPVĐ, ngày 9.1.2019, do Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng ký, nêu rõ lý do từ chối: "Từ trước đến nay trường không nhận được văn bản chỉ đạo nào của tỉnh đề cập đến việc cử thành viên tham gia Tổ công tác; Trường ĐH Phạm Văn Đồng đã xây dựng và gửi cho Sở Nội vụ, trình chính quyền tỉnh phê duyệt Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trường ĐH Phạm Văn Đồng. Khi nào được tỉnh phê duyệt thì trường sẽ tổ chức thực hiện theo đề án đã xây dựng...".

ThS Lê Quang Trường Hải - giảng viên âm nhạc, Trường ĐH Phạm Văn Đồng - bày tỏ: "Tôi ủng hộ chủ trương của tỉnh, nhưng hình thức xã hội hóa như thế nào phải công khai, minh bạch để giáo viên biết. Quyền lợi, nghĩa vụ và tương lai của cán bộ, giảng viên trong tương lai sau khi trường được xã hội hóa ra sao... Với xu thế hiện nay, xã hội hóa là cần thiết, nhưng cách, hình thức làm toàn bộ một lần, hay từng phần thì cấp thẩm quyền cần tính toán và cân nhắc cho phù hợp. Làm sao để quyền lợi của cán bộ, giảng viên, của doanh nghiệp và tương lai của trường được hài hòa, mang tính bền vững".

img

Văn bản mà Trường ĐH Phạm Văn Đồng bác bỏ yêu cầu của Sở Tài chính Quảng Ngãi về việc cử thành viên tham gia Tổ công tác, do ông Đặng Ngọc Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi làm Tổ trưởng (nhằm tham mưu cho tỉnh thẩm định, triển khai thực hiện phương án xã hội hóa trên).

Em Cao Thị Phương Trang - cựu sinh viên Cao đẳng Sư phạm khóa 11 (năm 2011-2014), chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Phạm Văn Đồng - cho biết: "Tỷ lệ từ 80-90% sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm, mà lãnh đạo trường đã trả lời báo chí em không rõ. Nhưng, 33 sinh viên của lớp em sau khi ra trường, hiện chỉ có 2 người xin và được tuyển làm đúng ngành học, còn lại là đi làm công nhân và các công việc khác. Bản thân em thì hiện đang mở lớp dạy luyện chữ đẹp tại nhà".

Bà Hà Thị Anh Thư - Bí thư Huyện ủy Bình Sơn - nêu quan điểm: "Chủ trương xã hội hóa Trường ĐH Phạm Văn Đồng để huy động đóng góp về trí, nhân và vật lực của xã hội để phát triển là đúng. Khi xã hội hóa thì cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương pháp giáo dục được đổi mới và nâng lên. Đặc biệt trách nhiệm của giáo viên đối với sản phẩm được đào tạo (sinh viên), việc tìm đầu ra cho sinh viên sẽ nhiều hơn. Bởi lẽ nếu dạy kém, sản phẩm đầu ra không được xã hội ghi nhận, doanh nghiệp sẽ không chiêu sinh được và người học sẽ lựa chọn trường khác để học tập".

img

Bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ, nhưng bà Hà Thị Anh Thư - Bí thư Huyện ủy Bình Sơn đề xuất cấp thẩm quyền tỉnh cần đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với doanh nghiệp tham gia xã hội hóa, như hỗ trợ học sinh nghèo, con em đồng bào thiểu số; việc tiếp nhận cán bộ, giáo viên của trường như thế nào...

Vị nữ Bí thư huyện này thẳng thắn: "Nếu không xã hội hóa thì Trường ĐH Phạm Văn Đồng có đảm nhận được tự chủ tài chính, tự nâng cao chất lượng đào tạo và có kế hoạch mà không cần xin bổ sung ngân sách của Nhà nước?... Thời gian qua, một số dự án xã hội hóa trên địa bàn tỉnh đã để xảy ra nhiều dư luận xấu như Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi. Theo tôi, một phần trách nhiệm là do cán bộ quản lý chưa công tâm trong tham mưu, xử lý; một nội dung nhưng lúc nói thế này, lúc nói thế kia. HĐND tỉnh, cấp thẩm quyền tỉnh kết luận là sai, nhưng ngành chủ quản lại cho rằng doanh nghiệp làm đúng. Chính vì sự không rõ ràng như vậy nên khi nghe xã hội hóa Trường ĐH Phạm Văn Đồng có nhiều phản ứng không tốt".

Vì vậy đối với Trường ĐH Phạm Văn Đồng, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn đề xuất: "Khi triển khai, cấp thẩm quyền tỉnh cần đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với doanh nghiệp tham gia xã hội hóa, như hỗ trợ học sinh nghèo, con em đồng bào thiểu số, sinh viên Lào; việc tiếp nhận cán bộ, giáo viên của trường như thế nào... Phải thông tin rõ ràng, minh bạch về nội dung xã hội hóa của trường, phân tích rõ những mặt mạnh, mặt hạn chế; hướng đến mục tiêu đổi mới, phát triển và mang lại hiệu quả cao hơn so với trước".

Được biết thời gian qua, trước chủ trương của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đồng ý cho Công ty Nguyễn Hoàng thực hiện xã hội hóa Trường ĐH Phạm Văn Đồng, gây nhiều tranh cãi trong dư luận ở địa phương. Với lý do đưa ra hoạt động của trường sau gần 12 năm kể từ khi thành lập ổn định, cách triển khai chủ trương của tỉnh chưa phù hợp..., Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng - bày tỏ: "Nếu thực hiện chủ trương xã hội hóa thì phải giao cho trường chủ động xây dựng, đề xuất phương án, nhưng tỉnh lại quyết định rồi ra văn bản giao cho trường phải thực hiện. Bản thân tôi thấy không đúng và khó hiểu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem