Vụ gần đây nhất xảy ra vào chiều 13.9 tại thôn 9, xã Thọ Bình. Do quá cũ nát, chỉ sau 1 cơn dông nhỏ, đường điện bị cành cây cắt đứt, đúng lúc đó em Nguyễn Hữu Thanh (sinh năm 2000) đi chăn bò về đã bị điện giật tử vong.
Lưới điện hay... bẫy điện
Có mặt tại thôn 9, phóng viên NTNN thấy đường dây điện của xã Thọ Bình quá cũ nát. Các đường xương cá sử dụng hệ thống dây trần, tiết diện nhỏ, hệ thống cột điện tạp nham, với đủ hình dạng, kích cỡ, chất liệu, có chỗ còn sử dụng cả tre luồng để chống đỡ. Hành lang an toàn lưới điện bị cây cối che phủ. Ông Phạm Văn Soán, người dân thôn 9 cho biết: Năm 1994, xã Thọ Bình bắt đầu có điện, mỗi hộ phải đóng góp ngót triệu đồng để xây dựng trục chính, còn các nhánh “xương cá” đều do người dân tự bỏ tiền kéo về gia đình. Nhà nào có điều kiện thì mua được dây tốt, nhà ít tiền thì chỉ mua loại tầm tầm, vì vậy mạng lưới điện đến các hộ vô cùng lôm côm. Năm 2010, hệ thống điện nông thôn được bàn giao cho Điện lực Thanh Hóa quản lý. Tuy nhiên sau gần 20 năm sử dụng, hệ thống điện ở đây đã xuống cấp trầm trọng, nhưng khi được bàn giao về ngành điện, hệ thống dây, cột vẫn được giữ nguyên, chưa được nâng cấp, cải tạo.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Duy Nghĩa - Phó Chủ tịch xã Thọ Bình nói: Sau khi sự việc cháu Nguyễn Hữu Thanh bị điện giật chết, chính quyền xã đã có mặt kịp thời, phối hợp với các cơ quan chức năng và điện lực để xử lý tình huống. Điện lực Triệu Sơn đã hỗ trợ gia đình cháu Thanh 110 triệu đồng để lo hậu sự cho cháu. Việc điều tra nguyên nhân dẫn đến tai nạn này đang được cơ quan Công an Triệu Sơn điều tra xử lý. Ông Nghĩa cho biết: Đường điện của cả xã rất cũ nát, kéo dài mấy chục km chủ yếu là do người dân tự bỏ tiền ra xây dựng từ năm 1994. Hệ thống cột kèo thấp, dây võng, chủ yếu là dây trần rất nguy hiểm.
Trước đây, một số tai nạn đã xảy ra gây chết người, trâu bò... cũng do hệ thống dây điện cũ nát. Từ khi được bàn giao về ngành điện, Điện lực Triệu Sơn hầu như chưa cải tạo gì nhiều, ngoài việc nâng cấp một số tuyến trục chính và đầu tư 2 trạm hạ áp mới”.
Hiểm họa rình rập
Ông Hoàng Xuân Hà -Giám đốc Điện Lực Triệu Sơn cho biết: Năm 2010, Điện lực Triệu Sơn tiếp nhận hệ thống điện nông thôn ở Thọ Bình. Chúng tôi tiếp nhận nguyên trạng, hệ thống điện này chỉ có phần nhỏ được xây dựng theo tiêu chuẩn, còn lại phần lớn là dân tự kéo. Sau đó, chúng tôi chỉ đầu tư được hệ thống công tơ điện mới, thay một số cột xung yếu. Tuy được đầu tư mỗi năm hơn một tỷ đồng, nhưng chưa thể thay thế mới toàn bộ.
Trở lại câu chuyện xã Thọ Bình, sau khi xảy ra tai nạn thương tâm của em Thanh, Điện lực Triệu Sơn mới cho phát quang hành lang lưới điện. Theo quan sát của phóng viên, tại đoạn đường dẫn vào nhà em Nguyễn Hữu Thanh, dây điện đứt (gây tai nạn) mới được nối lại một cách tạm bợ. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thao - Phó Giám đốc Công ty Điện Thanh Hóa cho biết: Đối với những sự cố hỏng hóc đường dây cần phải thay mới, dưới cơ sở đều phải lập dự toán, lên công ty xin vật liệu, bởi dưới cơ sở không có vật liệu dự phòng.
Ông Trịnh Xuân Như - Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết: “Trước khi xảy ra vụ tai nạn của em Thanh, ngay trong năm 2014, đã xảy ra vụ tai nạn điện làm chết một con trâu, ngành điện đã phải đền 14 triệu đồng. Nếu tình trạng lưới điện nông thôn không được cải thiện, thì tai nạn sẽ còn tái diễn, khi ấy chúng tôi không biết xoay xở kiểu gì”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.