Lấy cơ cực nuôi thân
Cứ gần 2 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Thuần - cán bộ văn hóa, xã hội xã Phổ Cường (Đức Phổ, Quảng Ngãi) lại tất tả ra đầm Lâm Bình để thu gom cá từ những giàn đăng nò mà anh đặt trước đó.
Hơn 3 giờ dầm mình trong làn nước giá buốt, anh cũng kiếm được 50.000 – 70.000 đồng. Ban ngày, anh lại trần mình đi làm các công việc liên quan tới bảo trợ xã hội, hướng dẫn người dân trong xã các loại giấy tờ, chính sách: “Tôi phải làm thêm để lo cho gia đình, bởi vì lương cán bộ xã của tui chỉ hơn 1,5 triệu đồng, chỉ đủ đổ xăng xe và phong bì dự vài đám cưới trong tháng” – anh nói.
|
Cán bộ xã Phổ Cường phải làm thêm để theo đuổi “nghề” cán bộ. |
Với anh Phạm Cho (43 tuổi), cán bộ giao thông, thủy lợi và lâm, diêm nghiệp xã Phổ Thạnh thì luôn bận rộn với những số liệu báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo xã giải quyết những trường hợp liên quan đến lĩnh vực mà anh phụ trách.
Anh còn thường xuyên đi cơ sở để hướng dẫn người dân phương pháp sản xuất muối chất lượng cao… Tuy công việc khá vất vả, nhưng với mức lương hệ số 1 nên sau khi trừ tiền bảo hiểm, anh Cho chỉ nhận được hơn 700.000 đồng/tháng. Khoản tiền quá thấp nên cứ sau giờ làm việc ở UBND xã, anh lại ra đồng canh tác gần 4.000m2 ruộng muối.
Nhiều cán bộ xã khác ở Quảng Ngãi cũng đang phải “gồng mình” đảm nhiệm chức vụ cán bộ cấp xã với mức lương quá thấp so với mức sống hiện tại.
Gồng mình với dự án
Là cán bộ tăng cường từ năm 2009 nhưng ít ai biết được cuộc sống sinh hoạt và nơi làm việc của ông Lò Văn Miên - Phó Chủ tịch xã Sì Lở Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) lại tạm bợ như “nhà bếp” của người miền xuôi. Trong căn phòng chưa đầy 20m2 tại trụ sở của UBND xã Sì Lờ Lầu, ông Miên phải sắp xếp sao cho khéo để đủ cả ăn, ở mà vẫn có chỗ làm việc, tiếp dân.
Theo Bộ Nội vụ, cả nước hiện có 11.052 xã với tổng số cán bộ, công chức cấp xã theo định biên trên cả nước là 233.000 người. Công chức cấp xã cũng được tính thang, bảng lương theo hệ thống công chức nhà nước và nâng ngạch bậc theo niên hạn. Tuy nhiên, với trình độ khởi điểm thấp (trung cấp, cao đẳng) nên mức lương thường ở khung 1,8 hoặc 2,1, tương đương với 1.494.000 -1.743.000 đồng.
Khi chúng tôi đến thăm đã cuối giờ chiều, ông Miên tranh thủ nhặt rau thổi cơm ngay đằng sau trụ sở làm việc. “Ngoài công việc hành chính, tôi phải phụ trách toàn bộ Chương trình 30a như hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục, hỗ trợ cứu đói, giống cây trồng…
“Dù có thêm phụ cấp khu vực nhưng giá cả sinh hoạt ở đây có khi còn đắt hơn Hà Nội như trên này quả thực phải tiết kiệm mới đủ sống” - ông Miên chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Thành – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu, trên địa bàn tỉnh có 103 xã, phường, thị trấn, số công chức xã là hơn 2.000 người. “Trong số này chỉ có 38% qua đào tạo, trong đó trình độ đại học chỉ có 137 người. Đầu việc nhiều, địa bàn rộng, cán bộ cũng phải di chuyển nhiều nhưng lương vẫn hưởng theo bằng cấp nên thu nhập của cán bộ còn rất thấp”- ông Thành nói.
Không chỉ ở Lai Châu, tại huyện nghèo Mường Khương của Lào Cai, cán bộ công chức xã cũng ở trong tình trạng tương tự, phải “gánh gồng” thêm hàng chục các đề án, dự án khác nhau.
“Xã là đơn vị hành chính cuối cùng nên có rất nhiều việc phải đến tay. Vào dịp cuối năm, phải hoàn thành báo cáo, thực hiện các chương trình rà soát hộ nghèo… phải làm thêm ngoài giờ hành chính là bình thường, nhưng cũng chẳng có phụ cấp hay tiền làm thêm giờ bao giờ” - anh Trương Văn Vinh – cán bộ văn phòng xã Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai) nói.
(Còn nữa)
Đức Cường - Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.