Lương giáo viên từ ngày 1/7/2024: "Cách tính lương mới chưa tương xứng, thậm chí thấp hơn"
Lương giáo viên từ ngày 1/7/2024: "Cách tính lương mới chưa tương xứng, thậm chí thấp hơn"
Tào Nga
Thứ sáu, ngày 24/05/2024 06:01 AM (GMT+7)
Đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cho hay, qua tiếp xúc cử tri, bà nhận được nhiều ý kiến ngành giáo dục về việc khi triển khai thực hiện cải cách chính sách lương giáo viên từ ngày 1/7/2024.
"Trên một số báo mạng có đưa thông tin về bản dự thảo Tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng chế độ tiền lương mới, việc phân cấp theo nhóm, bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo. Ngoài lương cơ bản, các phụ cấp theo lương của viên chức ngành giáo dục được tính gộp lại. Sau khi tính toán, nhiều ý kiến cử tri ngành giáo dục cho rằng, cách tính lương như vậy chưa tương xứng với những công việc mà các nhà giáo được thụ hưởng, thậm chí còn thấp hơn so với lương hiện nay của nhà giáo".
Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sau khi tiếp xúc cử tri đã nhận được nhiều ý kiến cử tri ngành giáo dục liên quan tới cải cách tiền lương giáo viên từ ngày 1/7/2024.
Theo bà Ánh, cử tri cho rằng, khi triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với ngành giáo dục tới đây cần thực hiện theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp.
Nữ đại biểu Đoàn TP Hà Nội thông tin thêm, từ ngày 1/7/2024 thực hiện Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 8 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ khi có thông tin về cải cách chính sách tiền lương, dự thảo bảng lương cũng như các chính sách khi thực hiện Nghị quyết 27 đến nay vẫn chưa có thông tin chính thống.Cũng theo đại biểu Dương Minh Ánh, cùng một hạng viên chức giống nhau, nhưng lương người làm việc lâu năm với lương người mới vào làm được tính giống nhau. Như vậy sẽ không tạo ra được động lực cống hiến giữa các nhà giáo. Bên cạnh đó, việc tăng lương chưa thấy được thể hiện rõ trong bảng lương dự kiến mới.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng đối tượng tăng lương tại Nghị quyết 27 lần này bao gồm người làm trong lĩnh vực y tế và giáo dục, do đó cử tri băn khoăn các chi phí ở các lĩnh vực này sẽ tăng cao.
Vì vậy, đại biểu lo ngại so với quan điểm trong Nghị quyết 27 là tiền lương là nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho người lao động liệu có thực sự khả thi?
"Dù biết rằng nâng lương cho đội ngũ y tế và nhà giáo nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, cử tri băn khoăn khi nâng lương cho đội ngũ nhà giáo và y tế sẽ lấy từ nguồn ngân sách, hay nguồn thu tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập", đại biểu đoàn Hà Nội băn khoăn.
Theo đại biểu, nếu lấy từ nguồn thu của các đơn vị ngành Y tế và Giáo dục sẽ là gánh nặng cho chính các đơn vị sự nghiệp công lập này. Hơn hết, sẽ là gánh nặng đối với người học, người bệnh khi tính đúng, tính đủ các chi phí, bao gồm chi phí tăng lương vào chi phí khám chữa bệnh và học phí của người học. "Điều này dẫn đến việc người bệnh nếu không có bảo hiểm y tế sẽ không dám đến bệnh viện, người học sẽ không đủ tiền để đóng học phí", đại biểu Dương Minh Ánh cho hay.
Do đó, cử tri có hai kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
"Thứ nhất, trước khi ban hành các bảng lương chính thức, Chính phủ cần có thông tin để các đối tượng được hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác, thấy được việc cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn, tránh để hoang mang cho đối tượng thụ hưởng, không yên tâm công tác.
Thứ hai, cần tính toán kỹ khi giải quyết bài toán tăng lương với bài toán giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, làm sao để chính sách đi vào cuộc sống và tạo được sự đồng thuận của xã hội" – Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh nêu.
Cách tính lương giáo viên khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 như thế nào?
Căn cứ theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) và bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương/năm, không bao gồm phụ cấp).
Hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo của cán bộ, công chức, viên chức bao gồm: Một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Ngoài ra, nội dung cải cách theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 cũng đề cập về việc bãi bỏ một số khoản thu nhập của công chức, viên chức như sau:
Khoản 1: Các khoản chi ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước gồm: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo...
Khoản 2: Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ công an, quân đội, cơ yếu để đảm bảo tương quan tiền lương với cán bộ, công chức).
Khoản 3: Mở rộng cơ chế khoán kinh phí gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Không gắn mức lương của cán bộ, công chức, viên chức với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chính sách, chế độ không có tính chất lương. Do đó, khi thực hiện được nhiệm vụ thì sẽ nhận được mức khoán lương phù hợp với kết quả đã làm được mà không cào bằng như trước đây.
Khoản 4: Bên cạnh đó sẽ bãi bỏ khoán quỹ lương thì chính sách cải cách tiền lương còn nghiên cứu quy định khoán các chế độ ngoài lương như tiền xe ô tô, điện thoại…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.