Lao động đi làm ngày lễ Quốc khánh 2/9 có thể hưởng lương gấp 4 lần bình thường
Thùy Anh
Thứ sáu, ngày 02/09/2022 09:07 AM (GMT+7)
Lao động làm việc trong ngày lễ 2/9 có thể được hưởng nguyên lương và cộng thêm 300% tiền lương và nhiều khoản phụ cấp khác nếu phải làm thêm giờ, làm trong môi trường độc hại.
Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 thì tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong ngày Quốc khánh 2/9 của người lao động được tính như sau:
Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, lao động được hưởng thêm ít nhất bằng 300% tiền lương chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Ví dụ: Tiền lương của lao động là 150.000 đồng/1 ngày. Thì lương làm ngày 2/9 của lao động sẽ được hưởng là 150.000 đồng x3 = 450.000 đồng/1 ngày (chưa kể tiền lương ngày). Như vậy nếu tính tổng thu nhập 1 ngày của lao động đi làm vào ngày nghỉ 2/9 sẽ được nhận là 600.000 đồng/1 ngày làm việc.
Nếu người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Như vậy, nếu làm vào ban đêm, lao động có thể được cộng thêm 45.000 đồng nữa. Như vậy, tổng tiền lao động nhận được là 645.000 đồng/ngày/đêm.
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
Như vậy lao động sẽ được cộng thêm 30.000 đồng nếu làm thêm vào ban đêm.
Phạt tối đa 40 triệu đồng nếu doanh nghiệp vi phạm tiền lương ngày lễ 2/9
Không chỉ lao động có hợp đồng làm việc chính thức, vào dịp lễ, người lao động thử việc được trả nguyên lương của ngày làm việc bình thường. Nếu không đảm bảo quyền lợi này cho người lao động, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
Theo đó, nếu không trả lương ngày lễ cho nhân viên thử việc, người sử dụng lao động là cá nhân sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng, còn tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022).
Công ty không cho nghỉ, hoặc nghỉ không đủ theo quy định trong dịp Quốc khánh 2/9 bị xử lý thế nào?
Theo quy định, lễ Quốc khánh 2/9/2022, người lao động sẽ được nghỉ 2 ngày là ngày thứ năm, ngày 1/9 và ngày thứ 6 ngày 2/9. Ngoài ra lao động còn được nghỉ thêm 2 ngày cuối tuần là thứ 7 và Chủ nhật theo quy định từ Bộ Luật Lao động. Vì vậy, nếu doanh nghiệp chỉ cho lao động nghỉ 1 ngày là không đúng. Nếu công ty chỉ cho người lao động nghỉ 1 ngày hoặc không đủ ngày nghỉ thì có thể bị phạt tiền từ 20 - đến 40 triệu đồng (theo Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Cụ thể theo Khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
Tuy nhiên, công ty vẫn có thể thỏa thuận để người lao động nghỉ ít hơn hoặc đi làm vào ngày nghỉ lễ nhưng phải trả tiền lương thỏa đáng theo quy định pháp luật.
Như trên đã phân tích, lao động không bắt buộc phải đi làm ngày 2/9. Việc đi làm hay không được doanh nghiệp và lao động thỏa thuận. Theo điểm a khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động quy định về điều kiện sử dụng lao động làm thêm giờ như sau:
Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ trong ngày nghỉ 2/9 khi được sự đồng ý của người lao động; đảm bảo điều kiện an toàn lao động...
Người lao động không bắt buộc phải đi làm ngày lễ và doanh nghiệp chỉ được sử dụng lao động làm thêm giờ nếu như người đó đồng ý.
Trong trường hợp lao động chứng minh được doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, ép lao động đi làm việc thì có thể tố cáo với cơ quan chức năng.
Theo Điều 39 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có thể tố cáo vi phạm của doanh nghiệp đến Chánh thanh tra Sở LĐTBXH. Việc tố cáo có thể thực hiện bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.