Lấy ý kiến người lao động về lương
Lương tối thiểu (LTT) vùng là mức lương quy định cho công nhân, người lao động làm việc ở khu vực doanh nghiệp. LTT hiện tại được quy định cụ thể theo 4 vùng. Vùng 1 (tương ứng với thành phố) vùng 2 là tỉnh thành phố; vùng 3 là các quận, huyện đồng bằng và vùng 4 là xã thuộc các huyện miền núi, hải đảo khó khăn.
Theo ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH hàng năm Hội đồng Tiền lương gồm nhiều bên (Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam VCCI; Bộ LĐTBXH; Tổng LĐLĐ Việt Nam) sẽ họp để thảo luận, thương lương về mức tăng LTT vùng.
Lương tối thiểu vùng năm 2020 phải đạt tốc độ tăng 6% thì mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Ảnh: M.N
Năm nay để chuẩn bị cho phiên họp chính thức của Hội đồng Tiền lương dự kiến diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới, ngay từ thời điểm này Hội đồng Tiền lương đã tiến hành khảo sát tiền lương 4 doanh nghiệp da giày, may mặc tại TP.HCM và Đồng Nai. Kết quả khảo sát sẽ bổ sung vào khuyến nghị tới Chính phủ về mức LTT vùng năm 2020.
Cụ thể trong các ngày vừa qua (từ ngày 16-17.4), đoàn khảo sát của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã làm việc với 4 doanh nghiệp sử dụng đông người lao động tại TP.HCM, tỉnh Đồng Nai nhằm tìm hiểu việc điều chỉnh thang lương, bảng lương và mức lương trong hợp đồng lao động theo quy định về mức LTT trong Nghị định 157/2018/NĐ-CP, những khó khăn và thuận lợi trong việc triển khai mức LTT vùng 2019.
Đồng thời, đoàn khảo sát cũng tìm hiểu việc điều chỉnh chi phí của doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức LTT năm 2019, đánh giá tác động tới lợi nhuận và những kiến nghị của người lao động, chủ sử dụng doanh nghiệp về mức LTT vùng năm 2019 và 2020…
Ngày 20.4 vừa qua, Bộ LĐTBXH đã có công văn đề nghị các địa phương rà soát báo cáo tình hình thực hiện, những thuận lợi và khó khăn trong triển khai mức LTT vùng 2019 theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP của các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý.
Đặc biệt là các vấn đề được và chưa được, nguyên nhân và cách thức điều chỉnh mức lương theo thang lương, bảng lương từ hợp đồng lao động của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp.
Người lao động hết “chờ” tăng lương
Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Hưng Yên cho biết, việc tăng LTT vùng là việc định kỳ, tuy nhiên tăng lương quá nhanh sẽ gây bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp dự kiến, trong tháng 5 hoặc tháng 6 tới, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tổ chức các Phiên đàn phán điều chỉnh LTT năm 2020. Các bên tham gia chính sẽ là Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ LĐTBXH…
|
Ông Lê Đình Quảng – Phó ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết Tổng LĐLĐ Việt Nam muốn “chốt” đàm phán LTT vào năm 2020. Ông Quảng cho biết, quá trình đàm phán và xác định LTT vùng cho năm 2020 sẽ có thêm yếu tố mới. Mức LTT cần được điều chỉnh tăng đủ để đáp ứng được mức sống tối thiểu vào năm 2020. Điều này căn cứ theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư, theo đó đến năm 2020, tiền LTT phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
“Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định vấn đề này. Do điều kiện kinh tế nên vài năm qua, chúng ta chưa thể thực hiện được. Ngay cả việc LTT năm 2019 được tăng thêm 5,3% (so với năm 2018) mới chỉ đưa mức LTT đáp ứng được khoảng 95 % mức sống LTT của người lao động” - ông Lê Đình Quảng cho biết.
Việc còn lại là phải xác định rõ các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động để làm căn cứ tính LTT. Ông Quảng nhận định, cách xác định nhu cầu sống tối thiểu từ trước tới nay vẫn dựa trên nhu cầu lương thực thực phẩm, phi lương thực thực phẩm và nhu cầu nuôi con.
Tuy nhiên, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu luôn chịu sức ép từ quan điểm của nhiều cơ quan: Tổng cục Thống kê, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ LĐTBXH.
“Việc tranh cãi luôn xảy ra giữa các đơn vị liên quan. Cùng một “rổ hàng hoá” như vậy, nhưng nếu lấy tỷ lệ lương thực là 48%, phi lương thực là 52% thì giá của nhu cầu sống tối thiểu phải khác. Bởi vậy, cần phải có 1 cơ quan duy nhất có trách nhiệm công bố chính thức. Qua đó nhằm tránh việc tranh cãi không cần thiết” - ông Lê Đình Quảng cho biết.
Như vậy, để thực hiện được mục tiêu trong Nghị quyết số 27 về vấn đề LTT phải đáp ứng được mức sống tối thiểu thì mức tăng lương năm 2020 phải đạt được tốc độ tăng lương trên 5%.
Bình luận về phiên họp tăng LTT vùng năm 2020 của Hội đồng Tiền lương quốc gia, ông Phạm Minh Huân – Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng phiên họp tăng LTT vùng năm 2020 sẽ khả quan, theo đó, các bên sẽ sớm đạt được mức tăng LTT vùng bằng mức sống tối thiểu vùng.
Tuy nhiên theo ông Huân mức tăng LTT vùng năm 2020 có đạt mức sống tối thiểu hay không thực ra cũng không quá quan trọng. Bởi vì trên thực tế mức thu nhập của lao động hiện nay của công nhân lao động đã tăng cao hơn cả tiền LTT vùng.
“Đương nhiên là thu nhập này không đơn thuần chỉ có lương, mà đó còn là thu nhập từ làm thêm giờ, từ các khoản phụ cấp khác ngoài lương” – ông Huân nói.
Bàn ở góc độ rộng hơn, ông Phạm Minh Huân cho rằng, việc tăng LTT vùng là việc làm thường xuyên, liên tục. “Nghị quyết mới đặt ra mục tiêu tới năm 2020 mức LTT vùng đạt được mức sống tối thiểu vùng, nhưng sau năm 2020, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương vẫn cần phải đặt ra lộ trình tăng lương gia đoạn tiếp theo. Nếu cứ hiểu như cách nói của Nghị quyết 27 thì chúng ta sẽ nghĩ đến năm 2020 là tăng LTT dừng lại nhưng thực tế không phải vậy. Kinh tế luôn tăng trưởng, chỉ số giá tiêu dùng liên tục thay đổi vì vậy tiền lương cũng phải đi theo các chỉ số này” – ông Huân phân tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.