Phiên họp sáng 5.8 rơi vào bế tắc, không tìm được tiếng nói chung khi đại diện giới chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đại diện giới lao động - Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam đưa ra đề xuất mức tăng lương quá chênh lệch nhau. Mức đề xuất của VCCI là 6%, trong khi mức đề xuất của Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam là 16%. Dựa trên các tính toán, dung hòa phương án của hai bên, Hội đồng tiền lương quốc gia đã đưa ra ý kiến tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng từ 11-12,9%. Nghĩa là vùng 1 có thể tăng thêm từ 300.000-400.000 đồng/tháng.
Công nhân làm việc tại Công ty May Macallan (Hà Nội). Ảnh: Đ.D
Trước ý kiến về mức đề xuất tăng lương tối thiểu trong khoảng 12%, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng: “Mức tăng lương tối thiểu vùng 12% là hợp lý. Đây là mức tăng cân đối, hài hòa, dựa trên biên độ tăng lương được hai bên là giới chủ và giới LĐ đề xuất. Bởi, nếu tăng cao (khoảng 16%) thì quyền lợi của người LĐ được đảm bảo nhưng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong khả năng kinh tế còn khó khăn. Nếu mức tăng quá thấp (khoảng 6%) thì không đảm bảo được đời sống cho người LĐ. Đời sống tăng lên, nếu chế độ đãi ngộ không tăng thì người LĐ sẽ rất thiệt thòi”.
Chính vì vậy, căn cứ vào chỉ số trượt giá, tình hình ngân sách, năng suất LĐ của Việt Nam hiện nay ông Kiêm cho rằng, mức tăng 12% là con số có thể chấp nhận được.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng: Mức tăng lương được tính toán dựa trên 3 nguyên tắc-xác định bù đủ trượt giá năm 2015 dự kiến 4-5%; tăng dựa theo mức tăng năng suất lao động (xã hội) khoảng 3% năm; tăng thêm khoảng 4-5%/ năm để thực hiện lộ trình bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu. “Điều này có tính đến tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp và năm 2016 đóng BHXH theo mức lương cộng phụ cấp, sản xuất, kinh doanh khi tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN” – ông Huân nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.