Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016: Người lao động chưa chắc hưởng lợi

Minh Nguyệt Thứ năm, ngày 09/07/2015 10:04 AM (GMT+7)
VCCI, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ LĐTBXH đang gấp rút lấy ý kiến để chuẩn bị cho phiên họp về tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng Tiền lương quốc gia vào cuối tháng 7 này. Mức tăng dự định khoảng 10%. Nhiều ý kiến cho rằng không nên tăng đều giữa các doanh nghiệp (DN), mà nên chia thành các mức tăng khác nhau...
Bình luận 0

Doanh nghiệp khó, lao động cũng khó

Tại cuộc Hội thảo “Đối thoại với DN về chính sách lao động tiền lương và bảo hiểm xã hội” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Bộ LĐTBXH tổ chức mới đây, đại diện các bên vẫn chưa thống nhất về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 để trình Hội đồng Tiền lương quốc gia. Tuy nhiên, thông tin từ nhiều bên như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI và Bộ LĐTBXH cho thấy, nhiều khả năng mức tăng này chỉ bằng hoặc thấp hơn so với mức tăng trong năm 2015, dao động trong khoảng trên dưới 10%.

img
Với mức đề xuất tăng dự kiến vào 10% của VCCI thì tiền lương vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu cho người LĐ (ảnh chụp tại Công ty Giày Hongfu Thanh Hóa). Ảnh: M.N
Trước đó, trong năm 2014, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2015 – 2017 với Hội đồng Tiền lương quốc gia. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, mức lương tối thiểu phải đáp ứng được 80% nhu cầu sống của vùng, tương tự năm 2016 đạt 90% và năm 2017 đạt 100%. Tuy nhiên, sau 2 lần điều chỉnh năm 2014 và 2015, mức lương tối thiểu hiện mới đáp ứng 63% nhu cầu đời sống của người lao động (LĐ). Nếu mức tăng năm 2016 chỉ dao động trên dưới 10% thì rõ ràng mục tiêu này sẽ không đạt được.

 

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI từng cho biết: “Kết quả trao đổi giữa VCCI với Hiệp hội Doanh nghiệp cho thấy, mức lương tối thiểu này chỉ nên dừng ở mức trên dưới 10%, đủ để bù sự mất giá của đồng tiền và phù hợp với nhịp độ tăng năng suất LĐ hiện nay”.

Theo ông Lộc, sẽ có 3 đối tượng chịu tác động từ việc tăng lương tối thiểu, bao gồm chủ sử dụng LĐ, người LĐ và tăng trưởng GDP. “Mức lương tối thiểu vùng tăng quá cao so với nhịp độ tăng năng suất LĐ sẽ khiến các DN không thể mở rộng và phát triển sản xuất được. DN mà không sống được thì LĐ cũng chết” - ông Lộc phân tích.

Trước dự kiến mức tăng lương tối thiểu khoảng 10%, bà Nguyễn Thị Mai Anh – Trưởng phòng Tiền lương Công ty Dệt may 19.5 Hà Nội cho rằng, mức này chưa phù hợp, còn quá cao. “Hiện nay công ty đang trả lương cho người LĐ cao hơn mức lương vùng này rất nhiều, cái chính là giờ nếu tăng lương tối thiểu vùng thì mức đóng BHXH sẽ tăng theo. DN đã rất khó khăn khi phải xây dựng thang bảng lương dựa trên mức lương tối thiểu vùng, giờ lại phải đóng BHXH dựa trên mức lương tối thiểu tăng cao thì DN sẽ rất đuối” – bà Mai Anh nói.

Nên chia các mức tăng khác nhau

Theo ông Mai Đức Chính – Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 10% là trung bình. Tuy nhiên, cần căn cứ vào quy mô, tính chất từng khối DN mà chia ra làm 2 loại để tăng lương.

“Có thể chia các DN ra làm hai loại: DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN trong nước để căn cứ vào đó có mức tăng cho hợp lý. Cụ thể DN FDI sử dụng nhiều lao động, quy mô sản suất lớn hơn, năng suất LĐ cũng cao hơn, vì vậy nên tăng khoảng 15%, riêng DN trong nước vì năng suất lao động thấp, sử dụng LĐ ít, quy mô nhỏ nên chỉ đề xuất tăng khoảng 5%. Như vậy, tính trung bình, mức tăng lương tối thiểu vùng vẫn đạt 10%” – ông Chính đề xuất.

Trước nhiều luồng ý kiến, ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia khẳng định: “Dù mức tăng cao hay thấp, việc tăng lương tối thiểu vùng vẫn phải đảm bảo được 2 mục tiêu chính là cải thiện đời sống của người LĐ và đảm bảo sự duy trì cạnh tranh của các DN trong nền kinh tế đang hội nhập mạnh mẽ”.

Trước nhiều ý kiến tranh luận của giới chủ (VCCI) và giới LĐ (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), ông Huân khẳng định, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ có những bàn thảo, đưa ra một phương án dung hòa để các bên đều chấp nhận được.

Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội từng tỏ ra lo ngại khi đề cập tới phương án tăng lương tối thiểu vùng. Ông Lợi cho rằng: “Nếu lương tối thiểu vùng tăng quá cao thì DN có thể lách luật bằng cách cắt giảm các khoản phụ cấp để đảm bảo tổng lương không thay đổi. Mặt khác, lương tăng cao thì giá cả có thể tăng theo do hiệu ứng tâm lý. Vì thế, dù tăng lương tối thiểu thì người LĐ chưa chắc đã được lợi. Đấy là chưa kể tới yếu tố trượt giá khoảng 4-5%, khiến tiền lương vẫn không cải thiện được cuộc sống của người LĐ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem