Lướt sóng chứng khoán ‘bom xịt’: Tháng 4 vào mùa tin ra là bán?
Lướt sóng chứng khoán ‘bom xịt’: Tháng tư vào mùa "tin ra" là bán?
Đồng An
Thứ năm, ngày 15/04/2021 09:45 AM (GMT+7)
‘Tin ra là bán’ vì tháng 4, nhiều doanh nghiệp liên tiếp tung thông tin tích cực. Tháng 4 cũng là giai đoạn cao điểm mùa đại hội cổ đông và công bố báo cáo tài chính quý 1. Giá cổ phiếu được kéo lên mạnh mẽ và thiết lập những đỉnh cao mới. Dù vậy, coi chừng những quả ‘bom xịt’ khi lướt sóng chứng khoán tháng tư.
Cổ phiếu CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) ngày 6/4 mở cửa tăng vọt lên vùng giá trên 29.000 đồng/cp, tạo một gap (khoảng trống giá) đáng kể so với mức giá đóng cửa ở 27.500 đồng/cp trong phiên trước đó. Đồng thời PPC đã break (bứt phá) khỏi mức đỉnh cao nhất lịch sử quanh vùng 28.000 đồng. Khối lượng giao dịch tăng vọt trong ngày thị trường phá đỉnh với gần 1,85 triệu cổ phiếu được trao tay. Tin tức hỗ trợ tăng giá là việc công ty sẽ chi trả cổ tức khủng bằng tiền mặt gần 60% cho năm 2020. Chỉ trong vòng 4 phiên giao dịch đầu tháng 4, giá cổ phiếu PPC đã tăng hơn 20%.
Những tưởng phiên break đỉnh đầy cảm xúc như thế sẽ tiếp tục đẩy giá cổ phiếu PPC đi lên mạnh mẽ và thu hút thêm dòng tiền đổ vào. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã "tin ra là bán" nên giá cổ phiếu PPC đã giảm dần kể từ 7/4. Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/4, giá cổ phiếu này chỉ còn 27.700 đồng/cp, điều chỉnh giảm gần 6% và đã lấp gap tạo ra của ngày 6/4.
Những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, kế hoạch kinh doanh khả thi và xem trọng lợi ích của cổ đông thì thường đem đến những phiên break đỉnh đáng tin cậy hơn. Ngược lại, những cổ phiếu có yếu tố đầu cơ hoặc đội lái tham giá, hoạt động kinh doanh yếu kém thì thường tạo ra những bẫy tăng giá và break đỉnh đễ dẫn dụ những nhà đầu tư yếu kinh nghiệm.
Không ít cổ phiếu có diễn biến tương tự như PPC trong những ngày gần đây. Thị trường chứng khoán đã có màn trình diễn ấn tượng trong nửa đầu tháng 4 này, khi chỉ số VN Index đã bứt phá vùng kháng cự tâm lý 1.200 điểm, hút thêm dòng tiền đổ vào thị trường mạnh mẽ. Hiệu ứng tích cực từ chỉ số chung cũng khiến tâm lý hứng khởi lan tỏa toàn thị trường, đẩy giá một số cổ phiếu tăng vọt chỉ trong thời gian ngắn.
Trong số đó nhiều doanh nghiệp đón nhận những thông tin tích cực liên tiếp được tung ra, khi đây cũng là giai đoạn cao điểm của mùa đại hội cổ đông và công bố báo cáo tài chính quý 1, từ các chiến lược, kế hoạch lợi nhuận cho năm 2021, các dự định thâu tóm và sáp nhập, dự án đầu tư mới, đề xuất tỷ lệ chia cổ tức cũng như kết quả kinh doanh đạt được trong quý 1 được công bố sớm tại các cuộc họp đại hội cổ đông.
Những tin tức này cũng góp phần kéo giá nhiều cổ phiếu bứt phá vượt đỉnh cũ, thu hút dòng tiền đổ vào mạnh mẽ trong những phiên break đầy ấn tượng này. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là không ít trong số này như những quả bom "xịt" (trong ngắn hạn), sau khi giá cổ phiếu được kéo lên vượt đỉnh thì nhanh chóng điều chỉnh mạnh sau đó như FPT, MWG, POW... Nhiều nhà đầu tư cũng tranh thủ thời điểm tin tốt được tung ra để chốt lời khi giá cổ phiếu có khuynh hướng tăng quá mạnh trong thời gian ngắn.
Lướt sóng chứng khoán với các phiên break không dễ
Điều này cũng tùy thuộc vào chiến lược đầu tư của từng người. Nhiều nhà đầu tư thường tận dụng các phiên break đỉnh hoặc kháng cự để mua vào với kỳ vọng lướt sóng nhanh. Cũng có những nhà đầu tư tận dụng những phiên như vậy để chốt lãi và chờ đợi giá cổ phiếu điều chỉnh trở lại, nếu về lại vùng giá mục tiêu thì họ tham gia trở lại.
Về góc độ phân tích kỹ thuật cũng cho thấy hầu hết các cổ phiếu sau khi break đỉnh thường có giai đoạn quay trở lại kiểm tra kháng cự/ đỉnh cũ mà giờ sẽ là vùng hỗ trợ mới, chứ ít khi tăng giá luôn. Theo đó, những nhà đầu tư nào có chiến lược mua trong phiên break và đánh T+ nếu gặp những cổ phiếu dạng này và không kiên nhẫn nắm giữ thì thường sẽ chịu lỗ ngắn hạn. Quay trở lại với trường hợp PPC, có thể cổ phiếu này sẽ lấy lại đà tăng trong thời gian tới khi đến gần ngày chia cổ tức, nhưng trước mắt rõ ràng vẫn đang chịu áp lực chốt lời.
Cũng cần lưu ý là trong khi có những cổ phiếu kiểm tra vùng hỗ trợ mới thành công trước khi đi lên trở lại, thì có những cổ phiếu break đỉnh giả và sau đó rơi trở lại, khiến những nhà đầu tư đua lệnh trong những phiên break có thể gánh nhận thiệt hại nặng nề nếu không tỉnh táo cắt lỗ sớm. Do đó, việc đánh giá cổ phiếu sau những phiên break đỉnh là không hề đơn giản cũng như cần phải có chiến thuật hợp lý.
Về cơ bản, những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, kế hoạch kinh doanh khả thi và xem trọng lợi ích của cổ đông thì thường đem đến những phiên break đỉnh đáng tin cậy hơn. Ngược lại, những cổ phiếu có yếu tố đầu cơ hoặc đội lái tham gia, hoạt động kinh doanh yếu kém thì thường tạo ra những bẫy tăng giá và break đỉnh để dẫn dụ những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.
Ngoài ra, yếu tố thời gian cũng có thể ảnh hưởng lên xu hướng giá của các cổ phiếu. Như đã nói hiện tại tháng 4 đang là mùa cao điểm công bố các thông tin hoạt động của doanh nghiệp và sắp tới là tháng 5 với hiệu ứng "Sell in May and go away", nên những nhà đầu tư dù đánh giá nền tảng của doanh nghiệp dài hạn vẫn tốt, triển vọng tăng giá cổ phiếu vẫn còn những vẫn lựa chọn chốt lời và tạm thoát ra khỏi thị trường. Lịch sử quá khứ cho thấy cuối tháng 4 và tháng 5 thị trường chứng khoán thường diễn biến khá tiêu cực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.